Tâm lý là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng. Sản phẩm của bạn có thể tốt, nhưng nếu trang web của bạn không được thiết kế một cách tinh tế, hiểu tâm lý khách hàng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc bán hàng online.

Khi bạn nắm bắt được yếu tố tâm lý của khách hàng, bạn có thể thu hút được những khách hàng tiềm năng và thúc đẩy họ mua hàng thành công. Bạn có thể bắt đầu cải thiện doanh số bán hàng của mình bằng cách tìm hiểu 10 thủ thuật tâm lý dưới đây.

 

1. Hãy làm cho giao hàng trông có vẻ ‘miễn phí’

 

Người tiêu dùng thường bị ‘neo’ vào giá ban đầu của sản phẩm. Vì vậy, giá sản phẩm ban đầu nên bao hàm luôn phí vận chuyển và các phụ phí. Chi phí phát sinh thường làm khách hàng cảm thấy hoang mang và e ngại với việc mua hàng.

Khi giá vận chuyển hay phụ trội là miễn phí, người tiêu dùng sẽ tin tưởng thương hiệu của bạn và họ sẽ cảm giác rằng bạn đang ưu đãi cho họ. Đặc biệt, khi so sánh với những trang bán hàng khác có giá vận chuyển cao, khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của bạn.

 

2. Đặt giá sản phẩm với đuôi 9

 

Điều này được gọi là hiệu ứng chữ số bên trái.

Ví dụ, khi đặt giá sản phẩm là 99.000 VNĐ thay cho 100.000 VNĐ, người tiêu dùng sẽ bị thu hút và đặt mức giá này trong phạm vi dưới 100.000 VNĐ thay vì từ 100.000 – 200.000 VNĐ, mặc dù sự khác biệt chỉ là 1.000 VNĐ. Người mua sẽ cảm thấy sản phẩm của bạn có giá phải chăng hơn.

 

3. Gợi ý thêm sản phẩm, dịch vụ ở cuối quy trình thanh toán

 

Ở cuối quá trình thanh toán, bạn có thể đưa ra thêm sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sản phẩm đang được thanh toán. Khi khách hàng đã quyết định mua hàng, họ sẽ có xu hướng cởi mở hơn trong việc mua thêm sản phẩm hay dịch vụ khác.

Ví dụ một khách hàng đang thanh toán sản phẩm trị giá 100.000 VNĐ và bạn cung cấp thêm dịch vụ bảo hành trị giá 10.000 VNĐ, khách hàng rất có thể sẽ mua nó. Người này sẽ muốn thử xem sự khác biệt của 10.000 VNĐ là như thế nào.

 

4. Tạo cảm giác “cấp bách” cho khách hàng

 

Bạn có thể tạo ra những tình huống mang tính cấp bách để loại bỏ hoàn toàn những suy nghĩ ngăn cản hành vi mua hàng khi người tiêu dùng có thời gian suy nghĩ nhiều về sản phẩm. Nếu người tiêu dùng thấy rằng họ có thể mua sản phẩm này vào ngày mai hoặc tuần sau, họ sẽ thường không mua hàng ngay ngày hôm nay.

Vì thế, bạn có thể đưa ra các thông điệp như “Chỉ còn vài giờ nữa là hết chương trình khuyến mãi” hoặc “Chỉ còn 1 sản phẩm duy nhất, hãy nhanh tay lên nào!” để khiến người mua hàng phải quyết định nhanh hơn.

Điều này còn giúp khách hàng cảm giác mình đã giành được sản phẩm có chất lượng hoặc giá cả tốt hơn so với người khác, tạo nên tâm lý thỏa mãn.

 

5. Cho khách hàng thấy lợi ích khi tiêu dùng sản phẩm

 

Trong quá trình lựa chọn sản phẩm, khách hàng thường sẽ lo ngại và phân vân xem họ có nên mua sản phẩm ở trang web của bạn hay không. Giải đáp những câu hỏi như “Sản phẩm này có đáng giá không?”, “Tính khác biệt và ưu việt của sản phẩm này là gì?” hay “Tại sao tôi nên mua ở đây thay vì nơi khác?” sẽ giúp giữ vững niềm tin của khách hàng và giảm bớt lí do tránh mua hàng của họ.

Bạn hãy khiến khách hàng nhìn thấy lợi ích của việc mua sản phẩm bằng cách nêu rõ trong phần “mô tả sản phẩm” hoặc trong “câu hỏi thường gặp”.

 

6. Đảm bảo độ tin cậy của sản phẩm và thương hiệu

 

Đây là một trong những thủ thuật có hiệu quả nhất trong việc tăng doanh số bán hàng. Người tiêu dùng bây giờ đang có xu hướng mua sắm theo số đông, nên việc thêm các feedback tích cực của khách hàng và kèm theo nút “Mua ngay” bên cạnh sẽ giúp khách hàng tin tưởng hơn vào sản phẩm của bạn.

 

7. Chú trọng đến dịch vụ chăm sóc khách hàng

 

Khách hàng thích được chú ý và chăm sóc một cách đặc biệt. Vì thế bạn có thể áp dụng các hình thức chăm sóc khách hàng như giảm giá đặc biệt, cung cấp và hỗ trợ quy trình thanh toán của khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Điều này sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy thoải mái và đánh giá cao trang web của bạn.

 

8. Quan tâm đến khách hàng sau khi họ mua hàng

 

Khách hàng thân thiết sẽ là “lực lượng” chính góp phần lớn trong doanh thu của bạn. Vì thế, bạn nên chú trọng vào việc quan tâm đến khách hàng để có được những khách hàng thân thiết.

Khi khách hàng cảm thấy được quan tâm, họ sẽ không chỉ muốn mua thêm sản phẩm mà họ còn có thể giới thiệu người thân và bạn bè mua hàng của bạn.

Bạn có thể thường xuyên gửi tin nhắn hay email cho khách hàng để hỏi thăm về tình hình chất lượng sản phẩm và độ thỏa mãn của họ, trong đó có thể kèm theo phiếu giảm giá cho các sản phẩm trong tương lai.

9. Hãy kể những câu chuyện hay cho khách hàng

 

 

Khách hàng online thường bị thu hút bởi những câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn. Nhiệm vụ của bạn là tạo nên một câu chuyện lay động lòng người, chạm vào cảm xúc của khách hàng và tạo dấu ấn với họ.

Bạn có thể giới thiệu về mình, về quá trình khởi nghiệp hay niềm đam mê của bạn qua những mẩu chuyện ngắn, video hoặc tranh ảnh. Có những khách hàng sẽ sẵn sàng mua sản phẩm chỉ để ủng hộ cho bạn khi họ tin vào câu chuyện của bạn.

10. Đưa ra sản phẩm có mức giá trung gian

 

 

Điều này có thể áp dụng khi khách hàng đang trong quá trình tìm hiểu sản phẩm và đưa ra quyết định cuối cùng. Khi khách hàng đang phân vân trong việc mua 1 trong 2 sản phẩm, người bán hàng có thể đưa ra lựa chọn trung gian thứ 3, và người mua thường sẽ lựa chọn nó.

Ví dụ, khi trong kho hàng chỉ có 1 gói kẹo to giá 20.000 VNĐ và 1 gói kẹo nhỏ giá 10.000 VNĐ, người mua sẽ có xu hướng mua gói kẹo nhỏ vì họ thấy bỏ ra 20.000 VNĐ để mua kẹo là hơi nhiều.

Nhưng khi bạn đưa ra sự lựa chọn thứ 3 – gói kẹo cỡ vừa với giá 16.000 VNĐ, khách hàng có khả năng cao sẽ mua gói kẹo này và bạn sẽ nhận được nhiều lợi nhuận hơn. Người mua cũng sẽ thấy thỏa mãn, vì đối với họ, mức giá trung gian này là một mức giá tốt, bởi trong tiềm thức họ đã đặt mức giá cao nhất là giá tiêu chuẩn của sản phẩm.

Những phương pháp tâm lý trên đã được chứng minh là có hiệu quả khi được áp dụng vào đúng trường hợp. Vì vậy khi sử dụng những thủ thuật này, bạn nên theo dõi sự thay đổi trong doanh số bán hàng của bạn để có thể điều chỉnh sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Linh Nguyễn Lê (Theo Entrepreneur)