Ý tưởng “Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ” của nhóm tác giả đến từ Bến Tre vừa đạt giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ II, năm 2023” (INNOBE 2023)…

Ý tưởng “Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ” đã mở ra hướng xử lý vỏ sầu riêng – một loại rác thải có số lượng lớn ở các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Từ rác vỏ sầu riêng…

Sầu riêng được nhiều người ưa thích đặt cho là “vua của các loại trái cây”. Thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7-2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 809% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có hơn 1 tỷ USD là sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh chỉ hơn 63 triệu USD.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, Việt Nam có lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300 ngàn tấn, cùng với 23 thị trường xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

Theo ước tính, cả nước có hơn 112 ngàn héc-ta sầu riêng, với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900 ngàn tấn. Riêng tại tỉnh Bến Tre, năm 2022, diện tích trồng sầu riêng 2.500ha, tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành.

Bên cạnh bức tranh sáng về xuất khẩu, vỏ sầu riêng đang là nỗi “đau đầu” của không ít DN chuyên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Bởi vỏ của trái sầu riêng chiếm hơn 70% khối lượng toàn trái.

Đây là nguồn rác thải rất lớn. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách) tốn nhiều công sức để mua đất mở rộng cơ sở chế biến trái cây đông lạnh của mình. Trong đó, có một phần diện tích để chứa vỏ sầu riêng.

Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết: “Chúng tôi vừa tốn nhiều chi phí, lại thêm nhiều công sức chỉ để xử lý đống vỏ sầu riêng. Công ty đang nghiên cứu chọn dòng sản phẩm đầu tư nhằm giải quyết phần vỏ sầu riêng”.


Vỏ sầu riêng phối trộn với nguyên liệu tự kiếm thành thức ăn chăn nuôi vịt.

Ý tưởng “Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ” vừa đạt giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ II, năm 2023” (INNOBE 2023).

Cuộc thi do Mạng lưới Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh. Nhóm tác giả giải nhất đến từ Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, huyện Bình Đại, (tỉnh Bến Tre) gồm: Võ Trần Anh Huy, Võ Phương Thùy, Phan Nguyễn Thảo Vy và Nguyễn Thanh Thúy.

Thành thức ăn chăn nuôi

Thạc sĩ Mai Hữu Thuần – Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, người hướng dẫn nhóm tác giả đạt giải nhất với ý tưởng “Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ” cho hay, mục tiêu chính của ý tưởng là sử dụng vỏ sầu riêng chế biến thành sản phẩm thức ăn hữu cơ thân thiện với môi trường và tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ vỏ sầu riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Cả tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 86 triệu con vịt đang được nuôi (số liệu tổng hợp thông tin điều tra đối với gia cầm trên địa bàn tỉnh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh năm 2023).

Thạc sĩ Mai Hữu Thuần cho biết: “Chúng tôi sử dụng phần vỏ trắng của sầu riêng đem đi xay và phân tích, nhận thấy có hàm lượng một số chất phù hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau khi lên men bột vỏ sầu riêng bằng chủng men S. Cerevisiae phân giải tạo được các chất Kombucha, chất dinh dưỡng vitamin C, B, axit amin, hữu cơ, enzyme… giúp cho sự tiêu hóa của vịt”.

Nhóm tác giả cũng xây dựng quy trình tạo ra thức ăn hữu cơ với 4 bước, khá dễ thực hiện cho nông dân và chỉ cần máy ép viên đơn sơ.

Điều thú vị là nhóm đã nghiên cứu bột vỏ sầu riêng lên men phối trộn với nhiều nguyên liệu có sẵn ở địa phương như: rau muống, cá vụn, bắp vàng, cám dầu dừa ép máy, thân cây chuối… và thu được kết quả khả quan.

Về hiệu quả kinh tế, Thạc sĩ Mai Hữu Thuần cho biết: “Chi phí sản xuất ra 1kg thức ăn chăn nuôi từ bột vỏ sầu riêng lên men khoảng 6.800 – 7.100 đồng. Trong khi đó, giá thức ăn cho vịt trên thị trường từ 9.500 – 10.500 đồng/kg. Mỗi con vịt nuôi 3 tháng, tiêu tốn từ 3,8 – 4,5kg thức ăn (chưa kể chi phí thuốc thú y, tiền mua vịt giống, chi phí chuồng trại…).

Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ giúp người nuôi giảm được từ 8 – 10 ngàn đồng chi phí thức ăn cho mỗi con vịt, người chăn nuôi có thể tăng thêm thu nhập”.

Qua trao đổi với Sở Khoa học và Công nghệ, được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học nào về xử lý vỏ sầu riêng. Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cũng cho hay, chưa có công nghệ nào xử lý vỏ sầu riêng được chuyển giao, áp dụng ở cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

THEO THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)