“Mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam”.

Đây là một trong những thông điệp chính mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sáng nay, 7/11.

Hỗ trợ cho đổi mới và xây dựng các thành phố đáng sống

Trong khuôn khổ các sự kiện thuộc Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, “Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” là 1 trong 6 chuyên đề thảo luận chính tại các phiên hội thảo.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Forum), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân”.

3 định hướng lớn được phát biểu tại Hội nghị, gồm: tập trung cải thiện chất lượng thể chế và chính sách pháp luật; phát triển nền kinh tế khởi nghiệp và thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế.

“Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Tiếp ngay sau đó, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh: Việt Nam chính là một câu chuyện thành công về phát triển. Thành công đạt được trước đó đã dẫn đến những tham vọng cao trong tương lai.

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam hiện nay chính là: Thành công đó không thể được coi là một sự hiển nhiên, mặc định. Do vậy, các ưu tiên được đặt ra trong thời gian tới là muốn tăng trưởng bền vững, bao trùm đòi hỏi phải có những hành động táo bạo. Trong đó, việc xây dựng các thành phố đáng sống và cạnh tranh chính là là động lực của tăng trưởng, năng suất.

Các quy trình công nghệ sản xuất mới, mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT), người máy tiên tiến, in đắp lớp 3D… đang phát triển. Vì thế, hỗ trợ cho đổi mới, hỗ trợ cho công nghệ sẽ góp phần tích cực để hỗ trợ nhu cầu thị trường, chuẩn bị cho nền kinh tế kỹ thuật số và môi trường toàn cầu đang thay đổi.

Định hướng chính sách để hướng tới thị trường, kinh doanh sáng tạo

Trong 20 khuyến nghị của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh (ABAC) 2017 gửi tới các lãnh đạo kinh tế APEC, các vấn đề liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ cũng được nhấn mạnh, gồm:

  • Cải thiện kết nối Internet và kỹ thuật số
  • Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được với nền tảng kinh tế số và thương mại điện tử
  • Nuôi dưỡng các mô hình kinh doanh sáng tạo

Với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất đến từ 21 nền kinh tế thành viên, cùng hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam và khối APEC, mối quan tâm rất lớn của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp là làm sao để các quyết định của APEC, cả ngắn hạn và trung hạn, đều có thể giúp củng cố con đường dẫn đến tăng trưởng toàn diện, bền vững, công bằng và bao quát hơn.

Chính vì thế, trong việc định hướng chính sách tương lai, để duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô nhằm hướng tới việc hỗ trợ nhu cầu thị trường. Trong đó, quản lý kinh tế vĩ mô vẫn cần được hỗ trợ bởi cải cách cơ cấu như đẩy mạnh sáng tạo, xây dựng thị trường cạnh tranh hơn, khuyến khích sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội, nâng cao khả năng phục hồi kinh tế.

Sau nhiều phiên thảo luận trước đó tại Hội nghị lần thứ 24 các Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vửa, Tuyên bố chung của các bộ trưởng về doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC và đề xuất 2 sáng kiến về Khởi nghiệp sáng tạo và về Chiến lược xanh, bền vững, sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trình lên Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 này.

Cũng trong ngày 7/11, nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cũng được tổ chức trong cả suốt cả ngày tại Đà Nẵng.

 

6 chuyên đề thảo luận chính tại APEC gồm:

  1. Nông nghiệp bền vững.
  2. Tài chính cho phát triển.
  3. Y tế và giáo dục.
  4. Cơ sở hạ tầng.
  5. Du lịch và đặc khu kinh tế.
  6. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Việt Hà – Báo Khám phá