Tham gia SpeedUp để biết mình đang ở đâu
Phần lớn các dự án không được chọn là do ý tưởng của dự án chưa thật sát với thị trường, khả năng viết, trình bày dự án cũng chưa tốt.
Cần có sự chuẩn bị kỹ
Speed Up 2017 là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được Sở KH&CN TP.HCM phát động, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mức hỗ trợ tối đa cho mỗi dự án lên đến 2 tỷ đồng trong thời hạn 2 năm thông qua các vườn ươm.
Mặc dù được đánh giá là chương trình tiên phong, thiết thực, tuy nhiên cho đến nay, hội đồng thẩm định của chương trình mới chỉ chọn hỗ trợ 14 dự án trong tổng số 122 hồ sơ dự án đăng ký. Phần lớn các dự án không được chọn là do ý tưởng của dự án chưa thật sát với thị trường, khả năng viết, trình bày dự án cũng chưa tốt.
Dự án phát triển hệ thống đỗ xe thông minh là một trong những dự án bị rớt từ vòng tuyển chọn của Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Phan Văn Hán, trưởng nhóm dự án, cho biết bãi đỗ xe thông minh là một giải pháp có thể làm giảm tình trạng kẹt xe hiện nay. Tuy nhiên, dự án tâm huyết của bạn trẻ này lại không thể hiện thực hóa vì chi phí thiết kế quá lớn. Nhóm của Hán hiện chỉ có thể thiết kế mô hình mini và vẫn đang ngày đêm tìm kiếm đơn vị hỗ trợ làm mô hình thật.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công viên phần mềm Quang Trung, Phó Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM cũng thừa nhận, khi xét chọn các chương trình tham gia SpeedUp có rất nhiều dự án khởi nghiệp bị rớt vì không có sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông Tuấn cho biết, nhiều dự án khởi nghiệp khi tham gia SpeedUp chỉ ở giai đoạn ý tưởng hoặc phát triển mới một phần sản phẩm. Song, mục tiêu của chương trình SpeedUp là các dự án khởi nghiệp phải có sản phẩm hoàn thiện và có khả năng thương mại hóa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho rằng việc có nhiều dự án khởi nghiệp bị rớt khi tham gia SpeedUp cũng xuất phát sự chuẩn bị chưa kỹ càng của các nhóm dự án.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp phải thể hiện được sự hấp dẫn, tính khả thi về mặt công nghệ, nhân lực, tài chính với hội đồng tuyển chọn. Sản phẩm có thể thương mại hóa được, mô hình kinh doanh đó có thể nhân rộng. Đây là điều mà nhiều dự án khởi nghiệp vẫn chưa làm được.
Hướng đến cộng đồng
Bên cạnh các yếu tố khả thi, khả năng thương mại hóa, thì hướng đến cộng đồng cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của các dự án trước hội đồng chuyên môn.
Dự án khởi nghiệp Media Dictionary (ứng dụng giáo dục từ điển tiếng Anh đa phương tiện) vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp vốn 500 triệu đồng từ chương trình SpeedUp để tiếp tục phát triển.
Chia sẻ “bí quyết” của mình, ông Nguyễn Văn Bền, trưởng nhóm dự án, cho biết, ông đã thuyết phục được hội đồng chuyên môn vì mục tiêu của dự án là phục vụ miễn phí cho các em học sinh. Giáo viên đang giảng dạy tại các trường học cũng được miễn phí 50% khi sử dụng phần mềm.
Theo ông Bền, dự án khởi nghiệp nào cũng phải hướng đến cộng đồng. Khởi nghiệp vì sự cho đi thì sau này mới mong nhận lại được
Cũng là một giải pháp hướng tới cộng đồng, nhưng dự án sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo, nấm ăn sạch của ông Khương Văn Thuấn lại hướng tới bà con nông dân. Ông Thuấn cho biết, sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất nấm ăn cho nông dân tại TP.HCM.
“Chúng tôi xây dựng giải pháp này xuất phát từ thực tế dư thừa không gian tại các vùng nông thôn. Tôi nhận thấy hầu như gia đình nào cũng có dôi dư một phòng. Tại sao không tận dụng phòng đó để trồng nấm, tăng thêm thu nhập, giải quyết vấn đề lao động lúc nông nhàn” – ông Thuấn nói.
Dự án của ông đã thuyết phục được hội đồng chuyên môn và được nhận hỗ trợ 1 tỉ đồng từ chương trình.
Theo ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), nhà đầu tư chỉ quan tâm đến dự án khởi nghiệp sẽ mang lại điều gì cho cộng đồng, giải quyết vấn đề gì của cuộc sống.
“Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thường hay sa vào nói về cá nhân, đội nhóm của mình mà không đề cập đến những giải pháp thiết thực cho cộng đồng. Điều này vẫn là hạn chế rất lớn của startup khi gọi vốn”– ông Hiếu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, giải pháp hướng đến cộng đồng là điều mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nói đầu tiên và nói nhiều nhất khi tiếp cận nhà đầu tư.
“Những startup khởi nghiệp về công nghệ thường mắc một “căn bệnh” rất lớn của dân kỹ thuật là nói quá nhiều thứ về chuyên môn, những công nghệ mới mẻ, chưa ai dùng. Song, những công nghệ này được ứng dụng ra sao, mang lại lợi ích gì cho cộng đồng thì lại chưa được quan tâm”, ông Tuấn cho biết.
Tham gia SpeedUp để tự kiểm chứng dự án của mình
Đây là chia sẻ của nhiều startup khi tham gia chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Hà Văn Lộc – trưởng nhóm dự án Sài Gòn TCS – dự án vừa nhận được 700 triệu đồng từ chương trình SpeedUp, chia sẻ: “Hội đồng chuyên môn vốn đứng ở góc độ người trưởng thành. Khi đánh giá những dự án khởi nghiệp, họ sẽ rất dễ nhìn thấy ngay những khuyết điểm. Hội đồng sẽ có những đề xuất để startup khắc phục những khuyết điểm này. Điều này khiến tôi rất coi trọng hội đồng chuyên môn tại chương trình SpeedUp”.
Đồng quan điểm với Lộc, Trương Công Hải, thành viên dự án Trợ lý ảo Hana, cũng đánh giá cao vai trò của hội đồng chuyên môn.
“Tôi chưa thấy một hội đồng chuyên môn nào tốt như ở SpeedUp với chuyên gia tài chính, truyền thông, kinh doanh, công nghệ… Điều đó giúp chúng tôi định hình được mình đang ở đâu”, Hải bày tỏ.
Theo Hải, sự tham vấn từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp cho các startup nhìn nhận rõ mức độ đáp ứng thị trường của giải pháp mình có. Mỗi vấn đề từ hội đồng đặt ra, startup sẽ phải nghiên cứu để giải quyết một cách thấu đáo.
“Nếu vấn đề đó không được giải quyết thì startup cần phải nhìn nhận lại dự án của mình để điều chỉnh”– Hải chia sẻ.
Cần những đổi mới trong việc xét chọn dự án tham dự SpeedUp
Từ góc độ vườn ươm, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới sẽ đề xuất thay đổi một số nội dung tuyển chọn để có thêm nhiều dự án được hỗ trợ từ SpeedUp.
“Quá trình tham gia chương trình, tôi nhận thấy có nhiều dự án rất hay nhưng chưa có sản phẩm hoàn thiện và bị rớt. Đây là điều hết sức đang tiếc”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, hình thức đề xuất là có thể chia các dự án khởi nghiệp thành các giai đoạn như: ý tưởng, sản phẩm hoàn thiện một phần, sản phẩm sắp hoàn thiện…để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Quá trình hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào sản phẩm đó ở giai đoạn nào, tính khả thi đến đầu để tiến hành cấp vốn hoàn thiện sản phẩm.
“Với đề xuất này, chúng tôi mong muốn trong các đợt sau của chương trình SpeedUp sẽ có nhiều dự án được tham gia chương trình này”– ông Tuấn cho biết.
Hà Thế An – Khám phá