Vượt qua 420 đơn đăng ký từ khắp thế giới, 65 sản phẩm dự thi, dự án “Beetle Bot” của nhóm bạn trẻ ở Tp.HCM hoàn thành chỉ trong 48 giờ đã giành Giải Nhất hạng mục “Track tăng tốc” của cuộc thi online Hackathon mang tên “Hành trình Cô Vy”. Robot nhằm hỗ trợ y bác sĩ và bộ phận an ninh theo dõi, quản lý, giao tiếp từ xa và phát hiện những vi phạm về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Cuộc thi do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và tổ chức AngelHack triển khai trên toàn cầu. Nhóm bạn trẻ Trần Duy Quang, Dương Duy Chiến, Nguyễn Bảo Ngọc, Nguyễn Lý Phước Trung, Trần Thị Xuân Kim, Phan Châu Tú, Huynh Nic Pho, Trần Huy, Phạm Văn Doanh (ở TP.HCM) đã phát triển và hoàn thiện thêm các ứng dụng lên chú robot mang tên “Beetle Bot” – một sản phẩm đã được Công ty AIOZ phát triển – giúp giám sát, nhắc nhở và cảnh báo người dân có đeo khẩu trang hay thực hiện đảm bảo giãn cách an toàn, có tụ tập đông người hay không.

“Ở Việt Nam đã có một số robot được áp dụng ở bệnh viện, song chỉ dừng lại ở điều khiển từ xa, có tác dụng phun xịt khử khuẩn mà chưa được tự động hóa. Trong khi đó, một robot có thể ứng dụng nhiều tính năng hơn” – Dương Duy Chiến, đại diện nhóm, chia sẻ về ý tưởng thực hiện.

Nhóm bạn trẻ với robot Beetle Bot

Để làm được điều này, robot được gắn hệ thống camera và từ hệ thống thông tin thu được nhờ camera sẽ xử lý ngay tại máy tính nhúng gắn trên robot. Ngay lập tức, robot phát ra cảnh báo người dân ngay tại vị trí đó thông qua loa, màn hình, và biểu hiện của robot với các biểu cảm vui, buồn, giận dữ… giúp thân thiện với người dùng.

Trước đó, chú robot này được nhóm bạn trẻ xây dựng với mục tiêu giúp tự động vận chuyển đồ ăn, thức uống đến những kilômet cuối cùng khi đến tay người dùng. Song trước những yêu cầu cấp thiết do đại dịch COVID-19, nhóm bạn trẻ nhận ra việc xây dựng nhanh các khu bệnh viện dã chiến và khu cách ly sẽ khiến bệnh viện gặp khó về tương tác từ xa làm sao để đảm bảo an toàn. Do vậy, cần thiết phải phát triển thêm ứng dụng lên robot để giải quyết những vấn đề khó khăn nêu trên.

Chiến cho biết ngoài khả năng cảnh báo, robot “Beetle Bot” còn giúp hỗ trợ tương tác từ xa với màn hình robot. Tại phòng bệnh hay phòng cách ly, bệnh nhân, người dân có thể điền vào box nhập liệu thông tin về tình trạng sức khỏe mà không phải nhờ đến y bác sĩ gõ cửa từng phòng. Đồng thời, khi bệnh nhân gặp bất thường, ngay lập tức gọi video call trao đổi với y bác sĩ nhờ chú robot này.

“Điểm hay của dự án là thay vì phải xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng đi dây gồm gắn camera, đi dây ngầm, tính toán băng thông cho những cơ sở công cộng như bệnh viện, trường học,…thì robot sẽ giải quyết linh động các vấn đề đó. Chẳng hạn với môi trường bệnh viện, robot có thể đi vòng quanh thu thập thông tin cho đội ngũ y bác sĩ và lưu thông tin trên hệ thống database nhờ thuật toán AI, robotics” – đại diện nhóm cho biết.

Hiện tại robot “Beetle Bot” có thể kết hợp và xử lý thông tin từ nhiều loại cảm biến, camera khác nhau. Robot này cũng chạy tự động được trong các môi trường văn phòng, các tòa nhà hay chạy được trong môi trường outdoor đã biết trước, đi trên các làn đường đi bộ, băng qua đường với ưu việt là giảm xóc tối thiểu khi vận chuyển hàng hóa, hoạt động trong điều kiện thời tiết khác nhau và hoạt động luôn cả ngày lẫn đêm.

Suốt 8 tháng mày mò chế tạo robot và 48 giờ hoàn thiện các hệ thống AI trên robot “Beetle Bot”, Chiến chia sẻ nhóm gặp rất nhiều khó khăn như phần cứng robot do nhóm tự phát triển, tính toán các động lực học để tìm hiểu những tính năng ưu việt của robot, tính toán chi phí ra sao. “Phải làm đi làm lại rất nhiều mới hoàn thiện được như ngày hôm nay” – Chiến bộc bạch.

Đại diện nhóm bạn trẻ cho biết hiện tại đang tiếp tục cải tiến các tính năng tự động hóa hiện có và bổ sung những tính năng mới như hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, gắn thêm cánh tay máy cho robot để làm các tác vụ phức tạp, gắn thêm hệ thống đèn tiệt trùng vào robot. Thời gian tới sẽ hoàn thiện, tối ưu hóa để đưa robot ra thị trường.

Hàn Mai