Nông nghiệp trong tương lai: Không cần đến đất và mặt trời
AeroFarms, startup có trụ sở tại New Jersey, đã tìm ra một giải pháp bền vững và triệt để hơn để sản xuất lương thực cho thế giới trong tương lai.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trồng trọt sử dụng tới 70% lượng nước ngọt dùng cho nông nghiệp và chỉ khoảng ½ trong số đó có thể được tái chế sau khi sử dụng. Trồng trọt cũng đòi hỏi diện tích đất rộng lớn và lượng ánh nắng mặt trời phù hợp.
AeroFarms cho rằng họ sở hữu một giải pháp tốt hơn. Phương pháp canh tác của công ty này tốn rất ít nước và không cần tới đất cũng như ánh sáng mặt trời. Toàn bộ quá trình diễn ra trong nhà, thường là trong một nhà kho cũ, đồng nghĩa rằng trên lí thuyết, bất cứ địa điểm nào cũng có thể trở thành nơi trồng trọt.
Startup có trụ sở tại New Jersey là đứa con tinh thần của Ed Harwood, giáo sư tại trường nông nghiệp thuộc Đại học Cornell. Năm 2003, Harwood đã phát minh ra một hệ thống trồng cây trên vật liệu vải do anh tạo ra.
Dưới tấm vải không phải là đất, thay vào đó, rễ cây được phun sương mù giàu dinh dưỡng. Harwood đã nhận được bằng sáng chế cho phát minh của mình và sáng lập Aero Farm Systems. Sở dĩ công ty có tên gọi như vậy vì “aeroponics” là phương pháp trồng cây không dùng tới đất hoặc nước. Aero Farm Systems bán hệ thống trồng cây đặc biệt này, nhưng nó chỉ là một dự án phụ của Harwood và đã không tạo ra nhiều doanh thu.
Bước ngoặt đến vào năm 2011, khi David Rosenberg, người sáng lập công ty bê tông chống thấm Hycittle, và Marc Oshima, một nhà tiếp thị lâu năm trong ngành thực phẩm và nhà hàng, đã để ý tới sự kém hiệu quả của canh tác truyền thống và coi đây là một cơ hội để đầu tư.
Bộ đôi bắt đầu khám phá các phương pháp canh tác tiềm năng và trong quá trình này đã chú ý tới Aero Farm Systems. Họ thích đứa con tinh thần của Harwood tới mức đề nghị bơm tiền vào dự án này. Đổi lại, họ muốn trở thành những nhà đồng sáng lập. Đồng thời, họ cũng đề xuất một số thay đổi trong mô hình kinh doanh: Rosenberg và Oshima nhận thấy cơ hội lớn hơn trong tối ưu hóa quá trình canh tác và tự bán các loại cây trồng.
Nhận được sự đồng thuận của Harwood, Aero Farm Systems đã trở thành AeroFarms. Harwood, Rosenberg và Oshima đóng vai trò là đồng sáng lập. Họ mua các cơ sở cũ ở New Jersey – một nhà máy thép, một câu lạc bộ, một trung tâm bắn súng sơn – và biến chúng thành các trang trại trong nhà.
Mỗi trang trại của AeroFarms này đều trồng cà rốt, dưa chuột, khoai tây và sản phẩm chính – rau mầm cao cấp – trên các khay xếp chồng lên nhau. Các sản phẩm này sau đó được bán cho các cửa hàng tạp hóa ở Bờ Đông bao gồm Whole Foods, ShopRite và Fresh Direct cũng như phòng ăn của các doanh nghiệp như Goldman Sachs và The New York Times.
Khi canh tác có thể diễn ra ở địa phương quanh năm, AeroFarms hi vọng rằng họ có thể cung cấp các sản phẩm tươi mới hơn với mức giá thấp hơn, vì chi phí vận chuyển được giữ ở mức tối thiểu.
Thêm vào đó, AeroFarms thu thập hàng trăm nghìn điểm dữ liệu tại mỗi cơ sở của mình. Điều này cho phép họ dễ dàng thay đổi hệ thống ánh sáng LED để kiểm soát hương vị, kết cấu, màu sắc và dinh dưỡng của cây trồng. Dữ liệu cũng cho phép startup này điều chỉnh các biến như nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu hóa năng suất cây trồng.
Theo AeroFarms, quy trình này rất hiệu quả: Phương pháp canh tác này có năng suất gấp 130 lần trên mỗi ft2 so với trang trại truyền thống, từ góc độ năng suất cây trồng. Một trang trại Aero Farm tiết kiệm hơn 95% nước và 40% phân bón so với canh tác truyền thống, đồng thời không sử dụng thuốc trừ sâu. Cây trồng thường mất từ 30 đến 45 ngày để phát triển. Trong khi đó, các loại rau xanh nhiều lá chất lượng cao chiếm phần lớn sản lượng của công ty cần ít nhất 12 ngày.
AeroFarms có 120 nhân viên, huy động được hơn 100 triệu USD, từ các doanh nghiệp bao gồm Goldman Sachs và GSR Ventures.
AeroFarms cho rằng phương pháp canh tác của họ đặc biệt hữu ích ở những khu vực có khí hậu không thân thiện với trồng trọt, hoặc nơi khan hiếm nước hoặc đất. Startup này hiện sở hữu 9 trang trại, bao gồm cả các địa điểm ở Saudi Arabia và Trung Quốc. AeroFarms có kế hoạch mở rộng lên 25 trang trại trong vòng 5 năm tới.
K Nguyễn