Những người nghe chuyện khởi nghiệp bằng… cử chỉ
Trong suốt Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM (WHISE 2017), có một cô gái lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia, rồi “phiên dịch” lại cho cậu bạn khiếm thính của mình. Cô gái nhỏ nhắn ấy khiến nhiều người phải tò mò…
Qua trò chuyện, chúng tôi mới biết, cậu bạn của cô gái đặc biệt ấy là Đỗ Hoàng Thái Anh, một người khiếm thính, chủ nhân của một dự án khởi nghiệp cho chính những người đồng cảnh ngộ như anh.
“Những kiến thức về những công nghệ mới trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thật thú vị. Nó mở ra cho tôi những gợi mở cho dự án của mình” – Thái Anh cho biết bằng ngôn ngữ kí hiệu.
Dự án của Thái Anh đã mở ra cho chúng tôi câu chuyện về tinh thần khởi nghiệp tuyệt vời của những người không may bị khuyết tật. Dù gặp rất nhiều hạn chế trong việc giao tiếp, trao đổi thông tin nhưng anh cùng với cô bạn “phiên dịch viên” Vũ Hương Giang vẫn chăm chỉ tham gia các buổi hội thảo.
Thái Anh mong muốn ứng dụng tiến bộ công nghệ để tạo ra một chương trình giúp người khiếm thị dễ dàng trao đổi thông tin, tiếp cận với nhiều người bạn mới. Chương trình này sẽ có một phiên dịch viên trực tuyến, hỗ trợ người khiếm thính dễ dàng trao đổi thông tin với mọi người.
“Người khiếm thính sẽ cảm thấy tự ti và đơn độc hơn khi không tương tác, chia sẻ với người khác. Dù không có đôi tai để nghe nhưng họ vẫn là những người rất giỏi, có thể đóng góp cho xã hội. Ứng dụng này sẽ một phần nào đó giúp người khiếm thính bước chân ra bên ngoài thế giới của riêng mình”- Thái Anh bày tỏ.
Cậu bạn này cũng chia sẻ rằng, ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc hay Singapore nhà nước luôn quan tâm và hỗ trợ cho cộng đồng người khiếm thính. Có nhiều giải pháp công nghệ đã được phát triển để giúp người khiếm thính có thể giao tiếp với người khác. Trong khi đó, ở Việt Nam thì chưa có ai làm việc này. Vì thế, Thái Anh mong muốn giải pháp của mình sẽ giúp cho người khiếm thính có thể hòa nhịp với cuộc sống, chia sẻ giá trị cho cộng đồng.
“Muốn làm được điều đó cần phải có những người phiên dịch thật tốt. Những người như Vũ Hương Giang thật sự ở Việt Nam còn rất ít. Cô ấy chính là chìa khóa để chúng tôi đón nhận những tri thức mới và kết nối được với nhiều người” – Thái Anh chia sẻ.
Đam mê ngôn ngữ “lạ”
Vũ Hương Giang (28 tuổi) là một phiên dịch viên của Hội phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu có trụ sở tại Hà Nội.
Cô gái này “bén duyên” với công việc này từ sự tò mò. Ngay từ những năm học phổ thông, Giang biết được các ngôn ngữ ký hiệu này qua tivi và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn. Năm 2010, Giang đăng ký học ngôn ngữ “lạ” này tại Hội phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu. Càng học càng bị thu hút, cô bạn này bị kéo vào cộng đồng của những người khiếm thính lúc nào không hay. Sau 7 năm gắn bó, cô vẫn mong muốn tiếp tục đồng hành với người khiếm thính.
“Rất nhiều người khiếm thính thông minh và có khả năng làm việc. Họ có thể là giáo viên, người kinh doanh, thậm chí là nhà sáng chế. Thiệt thòi, nhưng họ đã vượt qua tất cả để trở thành những người có chỗ đứng trong xã hội. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ nghị lực của họ” – Giang kể.
Chính vì lý do đó mà Giang đã chọn công việc làm phiên dịch viên. Cô muốn mình sẽ đóng góp khả năng của bản thân giúp người khiếm thính bước ra khỏi cộng đồng của mình để hòa đồng với xã hội bên ngoài.
Nhưng một mình Giang có lẽ không đủ. Bởi vì số lượng người khiếm thính ở Việt Nam là hơn 1 triệu, nhưng đến nay những người làm công việc phiên dịch ký hiệu cơ thể như cô chỉ đếm trên đầu ngón tay (Giang nhẩm tính cả Việt Nam chỉ có 6 người).
“Những sự kiện như WHISE là cơ hội cho bạn tôi có thêm tri thức, kết nối để có thể hoàn thiện dự án. Đó là động lực rất lớn để tôi đồng hành với người khiếm thính trên hành trình bước ra thế giới bên ngoài của họ” – Giang hào hứng nói.
Phối hợp ăn ý
Giang chia sẻ, trước khi tham gia một hội thảo khoa học, hoặc các hội thảo chuyên đề, người phiên dịch phải gặp bạn đồng hành của mình. Cuộc gặp này sẽ giúp Giang đánh giá xem khả năng của họ thế nào.
Nếu ngôn ngữ ký hiệu của người được phiên dịch bị hạn chế thì cô sẽ phải dùng ký hiệu nhiều hơn và ngược lại. Mặt khác, người phiên dịch phải đọc trước tài liệu hội thảo để nắm bắt được nội dung trước.
“Trong quá trình phiên dịch bằng ký hiệu, có những chỗ mà người khiếm thính không hiểu, họ sẽ ra hiệu để hỏi lại. Vì thế trong quá trình phiên dịch luôn có sự tương tác hai bên. Có những người khiếm thính rất thông minh, họ chỉ cần đọc khẩu hình là có thể hiểu được và ra hiệu với tôi là họ đã hiểu. Vậy là cả hai cùng cười” – Giang kể.
Hà Thế An – Khám phá