Những chữ vàng trong bí quyết giữ người thời 4.0
Chuyên gia cao cấp của Microsoft nhấn mạnh việc quản lý con người là một nghệ thuật xuất phát từ sự đồng cảm và giản dị.
Mệt mỏi gõ nhát một trên bàn phím máy tính, Dung – cô sinh viên mới tốt nghiệp loại giỏi – đưa mắt nhìn xung quanh. Ánh mắt cô đã không còn giống như thời điểm mới ra trường dù ký ức ấy chỉ cách đây hơn 1 năm.
Văn phòng còn không ít người ngồi lại dù đồng hồ điểm giờ tan làm đã lâu. Thế nhưng vì dự án chạy gấp, cô và đồng nghiệp hôm nay phải tăng ca cho kịp tiến độ.
Uể oải vươn mình, suy nghĩ bỏ việc bất chợt xuất hiện trong Dung nhưng đây không phải lần đầu tiên. Dù mới vào công ty được khoảng nửa năm, không dưới 5 lần cô đã nghĩ đến việc rời đi và thậm chí, đã từng hai lần viết đơn xin nghỉ.
“Sau khi ra trường, mình đã dành thời gian để du lịch và tìm hiểu một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình thích. Mình quyết định lựa chọn công ty này vì mức lương đối với mình khá ổn và nghe nói môi trường ở đây tốt cho việc học hỏi và thăng tiến”.
“Thế nhưng khi vào làm, chỉ ngay tháng đầu tiên mình đã bị vỡ mộng bởi mọi thứ không còn như hồi sinh viên. Tất cả đều phải chỉn chu và những lời nói không mấy hay ho có thể đổ xuống đầu bất cứ lúc nào”.
“Các dự án cứ đổ về vì sắp cuối năm nhưng do thiếu người nên công việc rất nhiều. Các cấp bên trên liên tục giục xuống nhân viên khiến mình cảm thấy rất áp lực. Thậm chí giờ cứ nghe thấy âm thanh báo email là mình lại sợ”, Dung chia sẻ, ánh mắt cô dấy lên sự mệt mỏi.
Dung cho biết thêm công ty cô rất hiếm khi có 1 buổi liên hoan hay đi chơi cùng nhau và nếu có đi, cũng chỉ là một nhóm nhỏ chơi cùng nhau.
“Không chỉ mình mà rất nhiều người đồng nghiệp khác cũng từng nói chuyện về áp lực, về sự mệt mỏi trong công việc cũng như thiếu động lực từ cấp trên. Trong số đó, rất nhiều người đã rời đi và có lẽ đấy là lý do khiến doanh nghiệp này thường tuyển rất nhiều”.
Lực lượng lao động cần cù, thông minh
Theo báo cáo “Growing Smarter: Learning and Equitable Development in East Asia and the Pacific” được Ngân hàng Thế giới công bố hồi giữa tháng 4 vừa qua, “học sinh Việt Nam và Trung Quốc từ nhóm thu nhập thấp thứ hai (xếp thứ 21 đến 40 về mức độ thu nhập) lại có điểm số tốt hơn mức trung bình của học sinh thuộc khối OECD”.
“Điều này rất đáng chú ý bởi nhìn chung, học sinh xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp rất khó để có được điểm ở mức trung bình hoặc cao hơn học sinh tại các nước thuộc nhóm giàu có”, ông Michael Crawford, đồng tác giả của báo cáo và chuyên gia giáo dục hàng đầu của World Bank nhấn mạnh.
Đây là một trong những bằng chứng cho thấy năng lực của học sinh, sinh viên và sau này là lực lượng lao động Việt Nam cũng không thua kém gì các nước trong khu vực.
Không chỉ vậy, thị trường lao động của Việt Nam còn được đánh giá cao về tính chăm chỉ và cần cù.
Xie Hui, người đứng đầu doanh nghiệp nhập khẩu máy móc công nghệ cao trong ngành đồ gỗ đã 10 năm tại Bắc Ninh cho biết: “Từ khi tôi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, tôi rất ấn tượng với lao động tại đây vì sự cần cù và chăm chỉ”.
“Tuy nhiên, người lao động tại đây thường chỉ hài lòng trong một khoảng thời gian ngắn và rời đi sau đó. Tôi đã rất vất vả để tìm và đào tạo các nhân công mới”, ông chia sẻ.
Làm sao để giữ được nhân viên?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế rất lớn vì sở hữu trí tuệ tốt anh và “mọi người nên tự hào là người Việt Nam”.
“Điều cần làm bây giờ là tạo ra một động lực lôi kéo, kết hợp mọi người. Những doanh nghiệp nào kết hợp được sức mạnh con người, doanh nghiệp đó sẽ thành công”, ông nhấn mạnh.
“Việc kéo con người lại với con người nghe chừng khó nhưng lại rất dễ và rất giản dị, xuất phát từ hai chữ đồng cảm. Trong công việc không nên có sự phân biệt quá lớn giữa trên và dưới, phải có sự bình đẳng, đồng nghĩa với việc khi muốn người khác làm gì, người chủ doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng làm điều đó”.
“Trước đây khi quản lý một công ty riêng, khi đến khoảng 7 giờ tối, tôi cảm thấy đói thì nghĩ rằng mọi người cũng thấy đói và sau đó sẽ đi mua đồ ăn cho tất cả. Khi người sếp hiểu được niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ của người khác thì khi đó, việc quản lý mới hiệu quả và trên thực tế thậm chí không cần quản lý”.
Điều thứ hai trong bí quyết giữ nhân sự hiệu quả chính là niềm tin. “Người chủ phải tạo cho nhân viên một niềm tin, tầm nhìn để dù nước sôi lửa bỏng, cám dỗ tiền bạc, người ta vẫn đi theo vì tin vào niềm tin đó”, chuyên gia Microsoft nhấn mạnh.
“Không ít người cho rằng người Việt Nam không trung thành nhưng theo tôi, người Việt sẽ rất trung thành nếu họ được đưa cho một tầm nhìn cao hơn. Trong những năm quản lý doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tôi không hề mất đi một người nhân viên nào”.
Theo ông Tuấn Anh, “mọi người đều cần phải đi làm, họ nhận đồng lương để có thể trang trải chi phí cuộc sống nhưng họ cũng cần một phần tương lai từ người chủ”.
“Các doanh nghiệp Việt hiện vẫn thiếu chế độ ưu đãi và mặc dù các doanh nghiệp còn vừa và nhỏ, chuyện ưu đãi không hề khó khăn. Tuy nhiên, người lãnh đạo phải chấp nhận và sẵn sàng làm chuyện đó”.
“Khi tôi sở hữu một công ty riêng, tôi đã bán cổ phiếu cho nhân viên và sau quá trình hoạt động, mua lại cổ phiếu của mọi người với giá cao hơn và sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho mọi người”.
“Những doanh nghiệp tốt nhất sẽ là những doanh nghiệp của Việt Nam, do người Việt Nam tạo ra và đi theo những nguyên lý quản lý của nước ngoài”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Ông nhận định rằng Việt Nam đang tổ chức doanh nghiệp theo cách không đúng và khi bước vào thời đại mới như cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0, 6.0, những cái sai sẽ ngày càng lộ rõ.
“Người chủ buộc phải chia sẻ lợi nhuận cho mọi người khi sự cạnh tranh sẽ ngày càng trở lên khốc liệt hơn và doanh nghiệp không giữ được nhân viên sẽ khó có thể tồn tại bởi con người là tài sản quý báu nhất”.
Theo chuyên gia của Microsoft, người đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong quản lý và vận hành doanh nghiệp, “để giữ được lao động, nhiều người chủ hiện nay cần thay đổi tư duy, thay đổi cách quản lý. Phần thưởng về vật chất có thể ít nhưng sự tác động lên tinh thần sẽ tạo ra kết quả lớn khi một người sếp hiểu được nhân viên của mình”.
Rõ ràng, trong bối cảnh công nghệ đang xoay vần với tốc độ chóng mặt, lao động là chìa khóa giúp doanh nghiệp tận dụng được làn sóng mới bởi có con người, công nghệ mới được vận hành.
Kiều Mai – TheLeader