Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con đường IPO vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và càng khó khăn hơn với các startup.

Là startup đầu tiên của Việt Nam thực hiện IPO, Yeah1 đã có 12 năm chuẩn bị cho việc trở thành công ty đại chúng và có định hướng ngay từ ngày đầu thành lập, tuy nhiên, khi nhìn lại chặng đường đã qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 vẫn thừa nhận rằng: “Với các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ, IPO hay lên sàn là câu chuyện khó, không phải là một sớm, một chiều có thể làm được”. Và đây là một hành trình tốn rất nhiều công sức, tiền bạc.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (Ảnh: Như Huỳnh)

Không những thế, khi đã lên sàn doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều thách thức, từ việc không thể hiện cảm xúc cá nhân công khai đến phải trả lời cổ đông về các vấn đề hoạt động của doanh nghiệp.

“Mặc dù vậy, IPO là cuộc chơi thú vị. Doanh nhân sẽ có 2 yếu tố về vật chất lẫn tinh thần. Về vật chất, khi DN lên sàn, doanh nghiệp có cơ hội bán cổ phiếu, thu hồi vốn, trang trải khi cần. Về tinh thần, đây là động lực để công ty có những tiêu chuẩn để vận hành phát triển đi xa”, chủ tịch Yeah1 chia sẻ.

Do đó, theo ông Tống, muốn IPO thành công, doanh nghiệp phải xác định rõ ai là người mua cổ phiếu của họ, những người kì vọng vào doanh nghiệp. Hiện nay, con đường ngắn hơn để IPO cho startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ là tìm các quĩ đầu tư, nhà đầu tư để sáp nhập tiến tới IPO, nhưng trước hết vẫn phải đảm bảo doanh nghiệp thật sự tốt.

Còn theo bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Tâm Anh, nếu đã hướng tới giấc mơ IPO thì chủ doanh nghiệp phải biết rằng, những yêu cầu về vốn, về tỉ suất lợi nhuận chưa phải là thách thức lớn nhất. Vấn đề cần quan tâm hơn là doanh nghiệp của họ có sẵn sàng để mọi con mắt nhìn vào, đã sẵn sàng để minh bạch công ty và đã lường hết được những nguy cơ khi minh bạch.

“Khi IPO, những nhân sự chủ chốt, vấn đề điểm yếu tài chính tạm thời có thể lộ và đối thủ sẽ khai thác. Ngoài ra, chúng ta phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu, đó là điều kiện để nhà đầu tư chú ý, bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá, đột biến mới đầu tư”, bà Mai phân tích.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoài Ân, Trưởng phòng phân tích của Merlin Capital, nhấn mạnh rằng tại Việt Nam, tỉ lệ huy động vốn qua sàn chứng khoán rất thấp.

Trong cả năm ngoái, 1.674 công ty trên sàn huy động được 93.000 tỉ đồng nhưng 80% số tiền “chảy” vào công ty lớn. Do đó, startup cần xác định mục tiêu IPO, lên sàn là gì và nếu đang tiếp cận vốn ngân hàng thì cứ tiếp tục, thay vì lên sàn.

Theo ông Ân, cơ hội thu hút nhà đầu tư đại chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề của doanh nghiệp. Những ngành sản xuất nhựa, bao bì… sẽ rất khó lên sàn và nếu có thể lên sàn, họ cũng khó huy động vốn.

“Muốn IPO thì doanh nghiệp phải có mô hình kinh doanh phù hợp, tức là hoạt động ở những ngành mà nhà đầu tư dễ quan tâm”, ông Ân nói.

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub, thì việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng là mục tiêu tiên quyết mà doanh nghiệp hướng đến với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. IPO mang lại cho doanh nghiệp kênh tiếp cận vốn rẻ hơn nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Hàn Mai