Nhận định về tương lai của Fintech
Khái niệm Fintech – công nghệ trong ngành tài chính – chắc hẳn không còn xa lạ gì đối với dân trong ngành cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính. Bởi dù còn non trẻ, nhưng Fintech đã phủ sóng khá nhanh chóng khắp ngành tài chính và tác động tương đối lớn đến sự thay đổi của ngành.
Fintech hiện diện trong rất nhiều các sản phẩm tài chính, từ những sản phẩm dành cho đối tượng là người sử dụng cuối cùng như ví điện tử, tiền điện tử, công cụ huy động vốn…, đến những sản phẩm hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tài chính, như các dịch vụ công nghệ thông minh, blockchain…
Vậy còn trong tương lai? Fintech sẽ thay đổi thế nào và sẽ có những tác động thế nào lên bức tranh toàn ngành tài chính? Có rất nhiều phân tích, dự báo đã được đưa ra, nhưng nhìn chung các chuyên gia đều đồng tình với những nhận định dưới đây về xu hướng của Fintech:
Tương lai của Fintech sẽ là tương lai của ngành tài chính
Sự phát triển của Fintech đồng nhất với sự phát triển của ngành tài chính, hay nói ngắn gọn, tương lai ngành tài chính là Fintech!
Có nhiều lí do rõ ràng để người ta có thể khẳng định như vậy, đặc biệt khi xem xét từ những yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động tài chính, như chi phí, chất lượng dịch vụ, bảo mật thông tin, quản lý rủi ro và an toàn.
Fintech vẫn đang và sẽ tiếp tục giúp giảm chi phí của các dịch vụ tài chính, các công nghệ mới liên tục loại bỏ các khâu trung gian và giúp các dịch vụ tài chính đạt đến mức độ hiệu quả nhất.
Đồng thời, chất lượng dịch vụ cũng tăng lên rõ rệt, bởi độ chính xác và nhanh nhạy của những phần mềm thông minh thực sự vượt trội so với con người. Qui trình đánh giá rủi ro trong các ngân hàng và các định chế tài chính vốn thường phức tạp, nhiều công đoạn đã có thể được thay thế dễ dàng bởi chuỗi phân tích dữ liệu chính xác và nhanh gọn của Fintech. Và đặc biệt các khâu kiểm soát dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng và các tổ chức tài chính được nâng cấp vượt trội nhờ Fintech.
Chính vì Fintech tạo ra những thay đổi mang tính bản lề đối với hoạt động tài chính, nên trong tương lai, gần như chắc chắn các tổ chức tài chính không sử dụng Fintech sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Fintech vươn mình đến tầm cỡ nào, bước đường phát triển của thị trường tài chính cũng sẽ trải theo như thế.
Các sản phẩm Fintech ngày càng đa dạng và thông minh
Cũng như với rất nhiều lĩnh vực khác, công nghệ đem đến những thay đổi lớn lao trong ngành tài chính. Fintech dù mới được nhắc đến nhưng đã để lại vô số dấu ấn, với những thay đổi và tác động rõ rệt lên thế giới tài chính. Rất nhiều sản phẩm dịch vụ Fintech đã có mặt trong đủ loại hạng mục từ tài chính cá nhân, ngân hàng số, thanh toán, blockchain, fintech bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác.
Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Fintech đang được chú trọng đầu tư hơn bao giờ hết, và cùng với đó, loạt sản phẩm Fintech siêu tiện ích, siêu đa dạng sẽ ra mắt trong tương lai là điều rất nhiều chuyên gia kì vọng.
Không ai có thể nói trước được công nghệ số sẽ đi xa đến đâu, nhưng cũng không nhiều người ngạc nhiên nếu Fintech có thể đem đến những sản phẩm tài chính ưu việt và làm thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động cũng như bộ mặt của ngành tài chính.
Đầu tư vào Fintech tiếp tục tăng
Vì những lợi ích thấy rõ của Fintech đối với ngành tài chính, thậm chí Fintech đã gần như trở thành điều kiện không thể thiếu để bứt phá trên thị trường tài chính, tất nhiên các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính, và các startup không thể bỏ qua công cụ tiềm năng này.
Dù phần lớn startup Fintech hiện vẫn đang chống chọi với doanh số, thị phần và nhiều khó khăn khác, các Startup Fintech mới vẫn liên tục ra đời. Và ngân sách của các Qũy đầu tư, các thể chế tài chính, thậm chí các công ty ngoài ngành rót vào Fintech cũng không ngừng tăng lên mỗi năm.
Xu hướng này sẽ còn tiếp tục ít nhất trong 5 năm tới. Đặc biệt càng ngày thị trường tài chính càng đón thêm nhiều khách hàng trẻ – thế hệ lớn lên cùng các thiết bị số và công nghệ, nên những tiện ích mà Fintech đem lại là thực sự cần thiết để chinh phục các nhóm đối tượng này. Ngân sách dành cho Fintech cũng như tiềm năng của Fintech rõ ràng không thể giảm bớt!
Fintech bùng nổ đồng đều ở các thị trường Á, Âu, Mỹ, Úc
Nếu như đa số sản phẩm dịch vụ công nghệ thời thượng khác thường bắt nguồn và bùng nổ trước tiên ở Mỹ, thì Fintech lại hơi khác biệt. Các công ty Fintech và các sản phẩm Fintech vẫn hoạt động sôi động nhất ở Mỹ, mà cụ thể là ở trung tâm tài chính phố Wall và thung lũng công nghệ Silicon, nhưng Trung Quốc mới là thị trường dẫn đầu trong việc sử dụng dịch vụ Fintech. Trên 60% người dân Trung Quốc đã tiếp cận Fintech trong khi tỉ lệ này ở Mĩ chỉ là trên 30%.
Sở dĩ như vậy là vì rất nhiều dịch vụ Fintech gắn với điện thoại di động, phương tiện không thể thiếu của người trẻ hiện nay. Đồng thời, người trẻ cũng có xu hướng cởi mở với công nghệ mới hơn, kể cả trong lĩnh vực tiền bạc.
Vì vậy mà giai đoạn đầu, hầu hết các quốc gia có công nghệ phát triển và có lượng dân số trẻ lớn là những quốc gia sử dụng Fintech nhiều nhất, như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Braxin, Úc… Xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai và sẽ tương đối cân bằng ở cả 4 lục địa sôi động nhất là Á, Âu, Mỹ, Úc.
Gia tăng hợp tác giữa các công ty Fintech với các thể chế tài chính
Nắm lợi thế về công nghệ, ý tưởng cách tân, tổ chức linh hoạt, cơ sở hạ tầng, nhưng các công ty Fintech lại thường thiếu khả năng nhân rộng đối tượng khách hàng, thiếu uy tín thương hiệu để có thể nhanh chóng phát triển thị trường.
Ngược lại, các định chế tài chính dù có dữ liệu khách hàng lớn, có thương hiệu lâu năm, có đủ tài chính và kinh nghiệm hoạt động nhưng thường không dễ để khai thác được những bí quyết công nghệ tiên tiến nhất trong vòng quay hoạt động già cỗi của mình.
Vì thế, hai đối tượng này tiến tới hợp tác với nhau – xu hướng này đã diễn ra trong vài năm gần đây và được dự báo sẽ vẫn là mô hình chủ yếu trong những năm tới. Sự hợp tác đó có thể mang lại sức mạnh cho cả đôi bên và giúp đẩy mạnh cả Fintech lẫn hệ thống tài chính lên những tầm cao mới.
Không biết sự hợp tác này sẽ mãi êm đềm, hay những con cá mập kinh doanh tài chính có thể nuốt chửng các công ty Fintech, hoặc ngược lại, công ty Fintech sẽ lấn sang cạnh tranh với chính thể chế tài chính đó. Những diễn biến này còn ở tương lai xa và chưa thể có câu trả lời. Tuy nhiên, trước mắt, cái bắt tay giữa thể chế tài chính và công ty Fintech khá nồng nhiệt, chân thành, và hứa hẹn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp trong tương lai gần đây.
Hà