Trong năm 2016, Việt Nam đã kết nối được trên 540 chuyên gia giỏi ở nước ngoài, trong đó có khoảng 250 chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong khắp cả nước.

Đó là thành quả được công bố tại buổi gặp mặt thân mật các chuyên gia, trí thức kều bào nhân dịp xuân Định Dậu, tổ chức tại TP.HCM vào ngày 09/02.

Sự kiện do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Phát triển mạng lưới chuyên gia Việt Nam khắp thế giới

Trong năm 2016, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều sáng kiến và đã thu được một số kết quả ban đầu.

Đơn cử, dự án Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (gọi tắt là Dự án FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã kết nối được trên 540 chuyên gia giỏi nước ngoài, trong đó có khoảng 250 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong khắp cả nước.

Bộ KH&CN cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới” với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy kết nối các chuyên gia Việt Nam trên toàn thế giới và các chuyên gia giỏi nước ngoài với các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển đất nước.

Trao đổi thân mật với các chuyên gia trí thức kiều bào, TS Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh tầm quan trọng và đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ các chuyên gia trí thức kiều bào, coi đó là một trong những nguồn nhân lực KH&CN nòng cốt của đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc thu hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết của trí thức Việt Nam trên toàn cầu, huy động nguồn chất xám này kết hợp với nguồn chất xám trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách được chú trọng đặc biệt.

Trong đó, chia sẻ thông tin và tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách về KH&CN là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa.

“Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, kết nối chuyên gia trí thức kiều bào ở trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường việc chia sẻ tri thức hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển đất nước” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Theo đó, Bộ KH&CN cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước mời chuyên gia trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ thiết thực của đất nước.

Nhiều tín hiệu tích cực từ các dự án của trí thức Việt kiều

Tham luận tại Hội thảo, nhiều chuyên gia trí thức kiều bào đã thông báo về các kết quả ban đầu đáng khích lệ về các doanh nghiệp khởi nghiệp của mình tại Việt Nam trong năm qua: Ông Nguyễn Trọng Nhân (kiều bào Pháp) với Hệ thống FABLAB Saigon và Đà Nẵng; ông Nguyễn Vinh (kiều bào Mỹ) đã triển khai VietExd theo mô hình MOOCs đào tạo nhân lực chất lượng cao; ông Phúc Huỳnh (Kiều bào Mỹ) với Teach for Vietnam – phổ cập dạy tiếng Anh đại trà hoặc cựu du học sinh; bà Trương Bảo Trân (Seamedia) với các dự án phát triển bền vững dành cho cộng đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm kết nối thành công chuyên gia trí thức kiều bào với đơn vị mình, TS Nguyễn Ngọc Trung (ĐH Bách khoa Hà Nội) và TS Lê Đức Hùng (ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: Với sự giúp đỡ tâm huyết và hiệu của của chuyên gia trí thức kiều bào ở Singaopre và Nhật Bản, dự án Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT), dự án Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng được Dự án FIRST tài trợ đang được triển khai thực hiện rất thuận lợi và có nhiều tín hiệu tích cực.

TS Nguyễn Trí Dũng (Kiều bào Nhật Bản) cho rằng, với hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản cũng như đề xuất một số giải pháp có tính căn cơ, lâu dài sẽ thúc đẩy trào lưu khởi nghiệp ở nước ta đi đúng hướng và phát huy hiệu quả tổng thể lâu dài cho sự phát triển của đất nước.

TS Dương Minh Trí (Kiều bào Đức) đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý vĩ mô ở các nước tiên tiến để phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển KH&CN của một quốc gia.

Ban quản lý Dự án FIRST đã trình bày và nhận được nhiều ý kiến đóng góp đối với Đề án “Xây dựng Mạng lưới Chuyên gia Việt Nam trên thế giới” như một công cụ chính sách và môi trường kết nối chuyên gia trí thức Việt Nam trên thế giới nhằm thu hút và phát huy chất xám, trí tuệ Việt cho phát triển bền vững của đất nước.

Kiều bào “vi hành” để nắm bắt tình tình KH&CN trong nước

Trước đó, ngày 08/02, hàng chục chuyên gia trí thức kiều bào tham quan và tiếp xúc với Công viên Phần mềm Quang Trung và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Đây là cơ hội thuận lợi để các chuyên gia trí thức kiều bào nắm bắt, cập nhật về tình hình phát triển KH&CN của đất nước và nhận thức rõ hơn về những nhu cầu, “đặt hàng” cụ thể trong nước từ đó thúc đẩy sự đóng góp, hợp tác thiết thực, hiệu quả và bền vững giữa các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với các đối tác trong nước.

Những ý kiến chia sẻ, đóng góp cùng các trao đổi  thảo luận tại đây là những căn cứ để các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và phát huy sự đóng góp quý báu của các chuyên gia trí thức kiều bào cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Hà Thế An – Khampha