Musk và Tesla – cách mạng hay lừa đảo thế kỷ
Vụ vạ miệng trên Twitter gần đây của Elon Musk chỉ là 1 trong những rắc rối không hồi kết của Tesla. Tài chính thua lỗ, sản xuất trì trệ, tổ chức lộn xộn, những lời hứa không được thực hiện, gần như mọi mặt của Tesla đều đang bất ổn.
Thứ duy nhất giúp hãng xe vẫn còn trụ vững đến ngày nay là tài năng marketing của Musk, nhưng dường như cũng sắp hết phép màu. Nhà đầu tư, chính phủ, và cả khách hàng đang mất dần niềm tin vào Musk và Tesla.
Tài chính ảm đạm, sản xuất trì trệ, khách hàng quay lưng, chính phủ cắt viện trợ, nhà đầu tư hoài nghi – Một năm đầy tồi tệ của Tesla
Trong quý 2/2018, Tesla công bố lỗ 718 triệu USD – mức lỗ kỷ lục của hãng xét theo quý. Con số này càng làm ảm đạm thêm bức tranh tài chính của công ty, 8 năm kể từ ngày lên sàn, Tesla ngày càng chìm sâu trong thâm hụt tài chính.
Đáp lại kết quả kinh doanh tồi tệ này, từ cuối tháng 6, Elon Musk đã khẳng định Tesla sẽ có lợi nhuận và dòng tiền dương trong cả quý 3 và 4. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tế cho thấy điều ngược lại: Tesla buộc phải cắt giảm chi phí, giảm tốc độ tiêu tiền, cắt giảm 9% nhân lực trong khi sản xuất vẫn đang trì trệ.
Họ cũng đang phải đối diện với nguy cơ phá sản vì cạn tiền. Khi số tiền nợ của công ty lên đến 10 tỷ USD, và lượng tiền mặt còn lại không tới 3 tỷ USD. Thông thường, con số vẫn thuộc diện chấp nhận được đối với 1 công ty lớn cỡ Tesla, nhưng trong trường hợp cụ thể này thì lại không.
Một phần vì công ty đang trong thời gian khủng hoảng, họ khó còn đủ uy tín để gọi hoặc vay thêm vốn, giúp trả nợ và duy trì sản xuất. Một phần, doanh thu của Tesla sẽ chỉ thật sự được ghi nhận khi xe được giao tới tay khách hàng – đây lại là 1 rắc rối khác của Tesla.
Họ không chỉ gặp vấn đề trì trệ trong khâu sản xuất, khâu chuỗi cung ứng của Tesla cũng thật sự là 1 mớ hỗn độn – Musk cũng đã thừa nhận việc này trên Twitter. Những chiếc xe sau khi được sản xuất phải nằm chờ 1 thời gian dài trước khi được giao đến khách hàng. Khách hàng có thể phải chờ hơn 1 năm để nhận được chiếc xe họ đã đặt năm ngoái.
Không ai có thể đợi được lâu như vậy. Tesla phải đối diện với mức huỷ đơn hàng kỷ lục đối với mẫu xe Model 3: 24% tổng số đơn đặt hàng đã bị huỷ. Số lượng đơn bị huỷ trong thời gian gần đây còn lớn hơn số đơn hàng đặt mới.
Trước sức ép huỷ đơn hàng như vậy, Tesla lại ngày càng thúc ép công nhân và kỹ sư của mình làm việc ngày đêm, kể cả cuối tuần. Công nhân Tesla làm việc 12-16 tiếng mỗi ngày, đến nỗi phải uống nước tăng lực để duy trì tỉnh táo. Tỷ lệ tai nạn trong công xưởng của Tesla cũng cao hơn mức bình thường. Musk trở thành nỗi ám ảnh với phong cách quản lý chi li và tùy hứng của mình.
Những tưởng mọi chuyện đã quá tồi tệ với Tesla: Chi phí ngất ngưởng, sản xuất chậm tiến độ, tổ chức nội bộ không hiệu quả, khách hàng bỏ đi, doanh thu ứ đọng. Như châm thêm dầu vào lửa, Tesla còn gặp vấn đề với chính phủ.
Nếu như trước đây, Tesla được chính quyền Obama viện trợ nhiệt tình để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, cũng như xây dựng các trạm sạc điện. Thì kể từ khi Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa Tesla và chính phủ bắt đầu trở nên tồi tệ. Trump đã cắt những khoản vay và viện trợ mà Obama trước đó đã ưu đãi cho Tesla.
Việc này để lại cho Tesla một gánh nặng cực kỳ lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của mình – gồm nghiên cứu/sản xuất pin và xây dựng các trạm sạc pin trên cả nước. Là người đi đầu trong lĩnh vực xe điện, Tesla phải ôm trọn cả việc xây dựng hạ tầng nếu muốn bán được xe. Và phải khẳng định rằng, việc này cực kỳ khó khăn, gần như bất khả thi đối với năng lực của 1 công ty đơn lẻ.
Không còn được sự hậu thuẫn của chính phủ, kỳ trăng mật của Tesla dường như đã chấm dứt. Niềm tin của thị trường dành cho Tesla ít nhiều bị sụp đổ, việc Elon Musk bị phạt 20 triệu USD và giáng khỏi vị trí chủ tịch chỉ là giọt nước tràn ly. Cổ phiếu từ mức 375 USD rớt xuống mức 300 USD, có lúc còn xuống gần 260 USD. Ngay cả khi Tesla vừa mới công bố họ đạt chỉ tiêu sản xuất quý 3, giá cổ phiếu vẫn giảm.
Niềm tin là điều tối quan trọng đối với những công ty kiểu Tesla – những công ty phụ thuộc vào nguồn bên ngoài để tồn tại. Việc đầu tư vào Tesla giờ trở nên rủi ro hơn bao giờ hết. Những nhà đầu tư lão luyện không muốn đánh cược vào 1 công ty như vậy. Với những đợt lên xuống thất thường, mã TSLA dường như trở thành cổ phiếu của những người thích mạo hiểm để lướt sóng.
Tesla đứng trước 1 tương lai đen tối, và Elon Musk trở thành kẻ tội đồ, chịu trách nhiệm cho tình trạng bết bát đó.
Sống còn dựa vào niềm tin…
“Đây hoặc sẽ là một mô hình lừa đảo Ponzi lớn nhất mọi thời đại, hoặc sẽ là một dự án cực kỳ thành công” – Mike Jackson, CEO của AutoNation nói về Tesla.
Câu nói trên thể hiện rõ nhất cách thức Tesla vận hành từ xưa tới nay. Elon Musk vẽ ra 1 bức tranh đầy hứa hẹn về cái cách họ có thể tạo ra 1 cuộc cách mạng trong lĩnh vực vận tải, về nguồn năng lượng sạch, và xe điện không người lái. Musk dùng viễn cảnh này và sự thu hút của mình để kêu gọi đầu tư, để thuyết phục cộng đồng, để cổ vũ nhân công làm việc ngày đêm.
Người ta gọi ông là Steve Jobs mới, là Iron man ngoài đời thật. Hình ảnh của Musk ngày càng được đánh bóng, và nó kéo theo hình ảnh của Tesla. Giá cổ phiếu của Tesla tiếp tục tăng và vốn đầu tư được tiếp tục rót vào. Mọi thứ đều được bồi đắp dựa trên niềm tin vào Musk – 1 giá trị vô hình đang thổi phồng giá trị công ty so với với những giá trị hữu hình khác.
Vậy mà qua bao năm đốt tiền, ngoài những sản phẩm dừng ở mức tiềm năng, Tesla vẫn chưa cho thấy được những dấu hiệu chứng tỏ họ có thể có lời. Đến tháng 7 năm 2018, Tesla mới chỉ chiếm 1.44% thị phần xe hơi và xe tải nhẹ ở Mỹ. Vấn đề cơ sở hạ tầng vốn dĩ không phải là bài toán mà khu vực tư nhân có thể giải quyết. Chưa hoàn thiện sản phẩm đã vấp phải sự cạnh tranh của những ông lớn xe hơi truyền thống khác nhảy vào.
Dẫu biết mọi cuộc cách mạng đều cần thời gian, như Amazon đã phải mất 10 năm chịu lỗ ròng định nghĩa khái niệm thương mại điện tử, để rồi khi thành công, Jeff Bezos trở thành người giàu nhất Thế Giới. Nhưng đối với trường hợp của Tesla, mọi thông số đều đang chống lại công ty. Bất kỳ ai đang có tiền trong hãng xe này cũng đều thấp thỏm ít nhiều. Tranh cãi nổi lên gay gắt.
Khi niềm tin vào Musk giảm dần, cũng là lúc nguồn vốn đổ vào Tesla cũng cạn kiệt đi. Bản chất của mô hình lừa đảo Ponzi là dùng tiền đầu tư mới để trả cho các nhà đầu tư cũ. Nếu Tesla là một kế hoạch Ponzi vĩ đại, thì nó sẽ sụp đổ khi nguồn tiền bên ngoài đổ vào không đủ để bù đắp sự bất ổn bên trong.
Có thể nói Tesla tồn tại đến bây giờ là nhờ khả năng marketing tài tình của Elon Musk. Nhưng cũng chính vì vậy, ông đang mang trong mình một trọng trách cực kỳ lớn. Nếu thành công Musk sẽ có tất cả, nhà đầu tư và cộng đồng cũng sẽ có tất cả. Nếu thất bại Musk có thể trở thành một trong những kẻ buôn bánh vẽ lớn nhất mọi thời đại.
Hoàng Phi (Theo Enternews)