Khởi nghiệp tinh gọn – Lean Startup có thật sự hiệu quả?
Lean Startup – Khởi nghiệp tinh gọn, là một phương pháp xây dựng, quản lý trong khởi nghiệp nổi tiếng, từ lâu đã trở thành ‘kim chỉ nam’ cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới. Nhưng liệu Lean Startup có thực sự hiệu quả hay không?
Khẩu hiệu của Lean Startup là đổi mới liên tục, ‘fail fast, fail cheap’ (thất bại nhanh và thất bại rẻ). Theo ‘lý thuyết’, đầu tiên bạn tung ra sản phẩm dùng được ở mức tối thiểu hay còn gọi là MVP (minimum viable product), và rồi bạn thực hiện liên tục các thử nghiệm nhỏ xung quanh việc dự đoán sản phẩm: đưa sản phẩm cho khách hàng hoặc đối tác, nhận phản hồi và cải tiến; sau đó lại tiếp tục đưa cho khách hàng, nhận phản hồi và cải tiến tiếp… cứ như vậy không ngừng.
Nhưng vấn đề là từ lúc ra đời MVP cho đến khi có hàng triệu khách hàng, các nhà khởi nghiệp không có con đường nào khác ngoài việc huy động một số tiền lớn chỉ để tồn tại một cách ‘trôi nổi’.
Sự trôi nổi này xảy ra bởi khi tập trung vào độ khả thi và tính năng của sản phẩm, chúng ta sẽ bỏ quên nhiều tiêu chí quan trọng khác của một startup, ví dụ như việc xây dựng hệ thống vận hành hay tính toán cash flow (dòng tiền). Và rồi như thế, mọi thứ sẽ xuống dốc. Sau mỗi lần nhận phản hồi và cải tiến, ta sẽ càng ‘lao đầu’ vào cải thiện tính năng của sản phẩm.
Kết quả cuối cùng nhận được đôi khi không phải là một sáng chế thay đổi được cả thế giới như mong muốn ban đầu, mà là một sản phẩm bị quên lãng.
Một ví dụ cho trường hợp này là Juicero – startup đã thất bại với sản phẩm máy ép hoa quả của mình. Juicero cung cấp các gói hoa quả và rau củ cho người sử dụng đặt vào máy ép để thu được nước ép hoa quả hay rau xanh.
Startup này đã trở thành đối tượng bị chế giễu khi sử dụng khoản vốn 120 triệu đô la của mình để sản xuất ra một chiếc máy, mà theo tờ Bloomberg, hoạt động kém hơn cả sức người. Người sử dụng có thể dùng tay bóp các gói hoa quả thành nước với tốc độ nhanh hơn cả chiếc máy. Và startup này đã tuyên bố ‘giải tán’ sau 16 tháng hoạt động, kết thúc một quá trình dài cố gắng cải tiến sản phẩm khả dụng tối thiểu của mình mà không đạt được kết quả gì.
Một startup thành công khi nó đạt tới tầm ổn định và không còn là một startup nữa. Trong thực tế, khi nhìn vào những hình mẫu như Jobs, Wozniak, Gates, Bezos, Hastings, Ford, Edison, tất cả đều có một khởi đầu ‘start’, nhưng họ đạt được mục tiêu thực sự của kinh doanh: tạo ra một tổ chức bền vững, chứ không tiếp tục hành động như một startup.
Để khắc phục được vấn đề tồn tại trong lý thuyết của Lean Startup, chúng ta phải chấp nhận rằng: đổi mới là việc biến những ý tưởng tưởng chừng như không thể thành những cái khả thi – có nghĩa là nếu đó đã là sản phẩm khả dụng tối thiểu rồi, thì không thể coi là sự sáng tạo nữa.
Ý tưởng chính của Lean Startup giống như một công thức để cố gắng ‘hack’ một sản phẩm chưa đủ tốt để đưa nó vào thị trường. Điều này bị đánh giá là thiếu khoa học và không khả thi. Nguồn tài trợ nên dùng để mở rộng quy mô tổ chức, chứ không phải chỉ để xác thực ý tưởng về sản phẩm.
Thời gian và tài năng là tài sản quý giá nhất của một doanh nhân và nhà sáng tạo, chứ không phải là ý tưởng về sản phẩm. Theo ông Luis Perez-Breva, tác giả của cuốn sách “Innovating: A Doer’s Manifesto”, sau 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu Lean Startup và các biến thể của nó, ông thấy rằng đó là một công thức đắt tiền để làm một doanh nhân ‘tồn tại’ lâu hơn, chứ không thực sự phù hợp với việc đổi mới.
Linh Nguyễn Lê (Theo Quartz)