Theo diễn giả Ngọc Lan, khởi nghiệp không quan trọng bạn xuất phát ở vị trí nào và nhận bao nhiêu thất bại, điều quan trọng là chúng ta học được gì sau những thất bại đó và biết cách đứng lên.

Đây có phải lúc để khởi nghiệp? Nên hay không nên? Bắt đầu từ đâu và như thế nào? Đó là những câu hỏi xoay quanh buổi hội thảo với chủ đề “Khởi nghiệp khi đang còn là sinh viên, nên hay không nên” vừa diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

“Khởi nghiệp từ con số 0”

Với sự dẫn dắt của diễn giả Đoàn Thị Ngọc Lan – CEO của Hệ thống Trung tâm Anh ngữ IRIS, hơn 500 bạn sinh viên có mặt tại hội trường đã được lắng nghe những chia sẻ về con đường xây dựng IRIS cũng như giải đáp các thắc mắc xoay quanh chủ đề này.

Diễn giả Đoàn Thị Ngọc Lan chia sẻ: “Tôi từng là một sinh viên bình thường, thậm chí có học lực xếp vào loại yếu trong những năm đầu ngồi ghế giảng đường. Tôi không tự hào về khoảng thời gian đó bởi tôi nhận thấy mình chới với, thiếu quyết tâm để tiếp tục đặt ra những dự định cho bản thân.

Khởi nghiệp lần đầu, tôi thất bại sau 7 tháng mở quán cà phê và mất khoản vốn 500 triệu đồng gia đình gom góp được. Từ đó tôi nhận thấy khởi nghiệp chưa bao giờ thực sự dễ dàng và hệ quả là tôi đã nếm trải mùi vị thất bại đầu đời rất cay đắng. Dần dần tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận và tư duy”.

Theo diễn giả Ngọc Lan, khởi nghiệp không quan trọng bạn xuất phát ở vị trí nào và nhận bao nhiêu thất bại, điều quan trọng là chúng ta học được gì sau những thất bại đó và biết cách đứng lên.

Sinh viên luôn mang tâm lý đổ lỗi và chờ đợi với vô số suy nghĩ bất mãn đại loại như: Tại sao lại không tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên mới ra trường? Tại gia đình khó khăn nên tôi không thể bắt đầu thực hiện những dự định của mình? Tại tôi không có phương tiện đi lại, tôi không có kỹ năng…

“Chúng ta bắt đầu đổ lỗi, nhưng lại không biết hoàn thiện bản thân để sẵn sàng tạo cho mình những cơ hội. Chính tôi cũng từng bắt đầu khởi nghiệp với một con số 0 tròn trĩnh”, CEO Hệ thống Trung tâm Anh ngữ IRIS chia sẻ.

Biết cảm ơn những thất bại

Đưa ra những lời khuyên, diễn giả Ngọc Lan cho rằng, sinh viên trong thời đại đổi mới cần phải dám thay đổi, kỹ năng ra quyết định và thay đôi tư duy sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời của mỗi người.

Vì những gian khó, thất bại trải qua sẽ giúp chúng ta ngày một có thêm sức mạnh để đối đầu với những con sóng dữ. Do vậy, chúng ta nên biết ơn thất bại.

Phần lớn khoảng thời gian giao lưu, nhiều bạn sinh viên đã mạnh dạn đặt ra những câu hỏi xoay quanh chủ đề khởi nghiệp.

Bạn Nguyễn Văn Thanh (sinh viên năm 1, ngành Sư phạm Vật lý) đặt vấn đề: “Với sinh viên muốn khởi nghiệp, khó nhất theo em vẫn là vốn. Làm thế nào để chúng em có thể huy động được một số vốn để bắt tay vào dự định khởi nghiệp của mình, bởi vay ngân hàng một số tiền lớn với một sinh viên chưa có công việc là điều rất khó khăn”.

Tiếp lời Thành, bạn Võ Thị Thanh Vi (sinh viên năm 2, ngành Báo chí) thắc mắc: “Em có nhiều ấp ủ và dự định, nhưng nó lại gắn liền với những nơi xa xôi, ở các vùng núi. Nếu mình chọn khởi nghiệp không phải là thành phố mà ở vùng sâu, vùng xa có bị xem là điên rồ không?”.

Ghi nhận từng thắc mắc của các bạn sinh viên, diễn giả cho rằng: “Gia đình luôn là điểm tựa tuyệt vời nhất mà mỗi người có được trong cuộc sống. Ba mẹ sẽ là những người sẵn sàng lắng nghe về dự định và luôn mong những điều tốt nhất cho bạn. Tại sao các bạn không thử thuyết phục để ba mẹ trở thành những nhà đầu tư đầu tiên cho con đường khởi nghiệp bạn đang hướng đến.

Còn với những bạn kém khó khăn hơn, các bạn có thể tìm những người cùng chí hướng để chung vốn, hoặc bắt đầu dự định với quy mô nhỏ thôi và phát triển nó bằng năng lực bản thân.

Một điều cần lưu ý là không quan trọng bạn thực hiện nó ở đâu, có hàng trăm câu chuyện về những doanh nhân khởi nghiệp từ nông thôn hay vùng núi. Nếu lúc đó họ cũng xem điều họ làm là điên rồ và không ngại thử thách thì đã không có được thành công của ngày hôm nay”.

Sau khi giải đáp hết tất cả băn khoăn của các bạn sinh viên, diễn giả Đoàn Thị Ngọc Lan đúc kết: “Trau dồi kiến thức sẽ giúp các bạn biết được nhiều điều có ích cho công việc. Học không bao giờ là thừa. Bạn có thể học mọi lúc mọi nơi. Đọc nhiều sách giúp bạn uyên thâm hơn và nhìn nhận sự việc bao quát hơn. Để có một tương lai như bạn mong ước, một sự nghiệp thành công, các bạn sinh viên cần phải quyết tâm hết mình. Và hãy khởi nghiệp ngay từ bây giờ”.

Nhóm PV – Khampha