Những ý tưởng khởi nghiệp khả thi sẽ được doanh nghiệp đầu tư ngay; Ý tưởng chưa hoàn thiện sẽ được tham dự các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo để tiếp tục tích lũy kiến thức, kỹ năng phát triển.

Mục tiêu này nhằm hướng cho sinh viên xây dựng ý tưởng, giải pháp thiết thực giải quyết các vấn đề về xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sáng 28/02, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng đổi mới sáng tạo và ươm mầm khởi nghiệp với chủ đề “Sáng tạo cùng nông sản Việt”.

Chương trình diễn ra ngay sau Chiến dịch “giải cứu chuối” cho bà con nông dân Đồng Nai do Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trường tổ chức.

Kết nối mật thiết với doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp - 1

Th.s Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và tư vấn đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, đây là chương trình tiếp nối để giải quyết một phần những vấn đề của nông sản bằng những ý tưởng, giải pháp của sinh viên trong chế biến, bảo quản nông sản, nâng cao giá trị cho nông sản Việt.

Với sự tham gia của các doanh nghiệp Quận Tân Phú, những ý tưởng khả thi sẽ được doanh nghiệp đầu tư ngay. Còn với ý tưởng chưa khả thi, sẽ được các nhà khoa học, chuyên gia tiếp tục ươm mầm để khả thi hóa ý tưởng.

Sau khi trình bày các ý tưởng, chủ nhân sẽ được tham gia các hoạt động đào tạo khoảng 1 tháng bởi chuyên gia đến từ trường ĐH, doanh nghiệp. Những ý tưởng được cụ thể hóa bằng những sản phẩm sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp sẽ đánh giá những sản phẩm và chấm giải cho cuộc thi. Các giảng viên chỉ là người hỗ trợ về mặt công nghệ, tạo môi trường cho sinh viên nghiên cứu”– Th.s Sơn nhấn mạnh.

Vừa hoàn thành xong phần đăng ký tham gia cuộc thi, Nguyễn Kim Hoài – sinh viên năm 4, ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM chia sẻ, ý tưởng khởi nghiệp của nhóm hướng đến gia tăng giá trị cho cây thốt nốt, một loại thực vật được trồng rất nhiều ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam.

Kim Hoài cho biết, lâu nay cây thốt nốt được sử dụng để làm đường hoặc nước giải khát. Song, phần quả của thốt nốt lại ít được tận dụng, người dân thường bỏ đi.

Theo nghiên cứu của nhóm, phần vỏ của quả thốt nốt có chứa rất nhiều tinh bột, có thể được trích ly để làm tinh bột, trà,…

“Được tham dự cuộc thi là cơ hội rất lớn để chúng em tích lũy thêm kiến thức từ các thầy cô, thăm dò và tìm hiểu thị trường từ doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để chúng em theo đuổi ước mơ khởi nghiệp với cây thốt nốt nhằm làm gia tăng giá trị cho nông sản Việt”, Kim Hoài nói.

Sắp thành lập CLB phát triển khoa học sinh viên (HDS)

Những sinh viên ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM yêu thích nghiên cứu khoa học sẽ tập hợp nhau lại để thành lập CLB phát triển khoa học của trường. Mục tiêu của CLB là tổ chức các chương trình gặp gỡ, hội thảo, các cuộc thi học thuật để lôi kéo sự tham gia nghiên cứu khoa học của các sinh viên trong trường.

Nguyễn Trương Phụng Nhân, Chủ nhiệm CLB phát triển khoa học sinh viên chia sẻ: “Hiện nay nhiều vấn đề về giá trị nông sản Việt Nam đang trở nên rất nóng bỏng. Điều đó khiến những sinh viên công nghệ thực phẩm sẽ phải “xắn tay áo” bằng các công trình nghiên cứu cụ thể, ứng dụng khoa học nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp”.

Hà Thế An – Khampha