Nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất sợi từ thân cây chuối, Hồ Xuân Vinh và đội ngũ Abaca Việt Nam kỳ vọng góp phần tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm “xanh”.

Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Abaca Việt Nam.

Thân cây chuối có thể mang về 1 tỷ USD mỗi năm

Ngành dệt may đang phát triển dưới áp lực “xanh hóa” từ các nhãn hàng quốc tế. Vì vậy, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu đảm bảo bền vững môi trường trở thành xu hướng. Những thứ trước đây được coi là phế phẩm nông nghiệp giờ được tận dụng làm nguyên liệu thô cho ngành dệt may và nhiều ngành sản xuất khác.

Với Hồ Xuân Vinh (sinh năm 1987) và đội ngũ Abaca, đổi mới sáng tạo khoa học – công nghệ là nền tảng vững chắc để phát triển trên con đường sắp tới. Từ những trăn trở về việc phát triển ngành nông nghiệp để mang lại giá trị cao cho bà con nông dân, Vinh đã nghiên cứu các công nghệ và mô hình hoàn chỉnh để họ có thể ứng dụng, nâng cao giá trị kinh tế từ nguyên liệu sẵn có.

Hồ Xuân Vinh có 10 bằng độc quyền sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, 5 giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ, 16 sản phẩm đã thương mại hóa…, như máy bẻ đai thép tự động, máy trợ thở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế năm 2021…

Abaca Việt Nam được Hồ Xuân Vinh thành lập tháng 10/2021. Với các sản phẩm từ sợi chuối như giấy, sợi, nước dinh dưỡng cho cây trồng từ thân chuối giàu kali, Abaca Việt Nam đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021; giải Nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An Techfest Open 2021. Đặc biệt, Abaca Việt Nam đã vượt qua hơn 400 dự án trên cả nước để giành giải Ba tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2021.

Theo đội ngũ Abaca Việt Nam, chuối là loại cây ăn quả có diện tích trồng lớn nhất cả nước, khoảng 200.000 ha, tương đương 8 triệu tấn thân chuối hàng năm, song chỉ một phần nhỏ thân chuối được người dân sử dụng để làm thức ăn gia súc, phần còn lại trở thành phế phẩm nông nghiệp. 8 triệu tấn thân chuối hàng năm nếu được sử dụng công nghệ tách sợi của Abaca có thể tạo ra 400.000 tấn sợi, giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Ngoài ra, từ thân chuối, Abaca Việt Nam còn có thể sản xuất ra các sản phẩm khác như phân bón hữu cơ; nước ép từ bã chuối được ủ thành nước dinh dưỡng giàu kali cho cây trồng…

“Chúng tôi tự nhận lấy trách nhiệm trở thành đơn vị tiên phong, dấn thân vào một ngành mới, cung cấp công nghệ chế biến sợi từ thân chuối nhằm góp phần đảm bảo tính bền vững cho nền kinh tế nói chung”, Vinh chia sẻ.

Để tạo ra một ngành mới, Abaca Việt Nam cần hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó, thiết bị và công nghệ đóng vai trò quan trọng. Hồ Xuân Vinh và các cộng sự đã nghiên cứu ra 5 dây chuyền công nghệ chế biến sợi, gồm: dây chuyền tách sợi thô, dây chuyền sản xuất sợi nguyên liệu dệt, dây chuyền dệt vải, dây chuyền sản xuất giấy từ sợi chuối và dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, nước dinh dưỡng cho cây trồng.

Đồng thời, họ còn tạo ra 6 mô hình sản xuất, chế biến sợi chuối, gồm: sản xuất sợi chuối thô, sản xuất sợi chuối tinh/xe sợi nguyên liệu, sản xuất dệt vải/khẩu trang vải, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ/ép lá, sản xuất giấy/làm thiệp/bao bì giấy và mô hình sản xuất phân hữu cơ/nước dinh dưỡng.

Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch được tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu, có thể đan thành túi, giỏ, khay, thảm… Những đôi dép bện từ tơ chuối được khách quốc tế ưa chuộng vì độ êm, mềm và thoáng mát. Những mảnh sợi vụn cũng được tận dụng để ép thành giấy, làm đèn lồng hoặc làm giấy vẽ tranh ấn tượng…

Kế hoạch chuyển giao mô hình sản xuất

Abaca đã bắt đầu chuyển giao mô hình sản xuất cho nhiều khách hàng trên cả nước và đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến sợi, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.

“Chúng tôi làm chủ công nghệ sản xuất sợi, có thể tùy chỉnh và cải tiến để phù hợp với từng vùng miền khác nhau… Abaca Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giữa các nhà đầu tư, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân”, Vinh nói.

Sau khi chuyển giao công nghệ chế biến sợi chuối, Abaca Việt Nam sẽ “vào vai” đơn vị thu mua sản phẩm sợi để cung cấp cho các đơn vị sản xuất vải, giấy, tã bỉm, đồ thủ công mỹ nghệ, túi, giỏ, võng xếp, phân bón hữu cơ…, tạo thành hệ sinh thái các sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường.

Doanh thu của Abaca Việt Nam đến từ 2 kênh, gồm cung cấp thiết bị, công nghệ và sợi thành phẩm. Công ty vừa ký kết hợp tác với một khách hàng tại Hà Nam đặt 10 tấn sợi chuối thô/tháng và đang xây dựng nhà máy nhằm đáp ứng đơn hàng này; từng bước phát triển một ngành mới – ngành chế biến sợi tự nhiên tại Việt Nam.

Vinh cho biết, với những đặc tính như nhẹ, dẻo dai, thấm hút tốt, chống cháy, kháng nấm mốc, thoáng khí, cách âm, cách điện…, sợi chuối đã trở thành nguyên liệu để sản xuất hàng vạn sản phẩm, vật phẩm tiêu dùng như tiền giấy, giấy in, giấy gói, giấy túi lọc, chỉ may, vải, lốp xe hơi, ván ép cao cấp dùng trong du thuyền…

“Nếu được sản xuất quy mô lớn, thị trường các sản phẩm làm từ sợi chuối còn nhiều tiềm năng phát triển, tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương mà vẫn đảm bảo tính thân thiện với môi trường”, Vinh chia sẻ.

THEO HỒNG PHÚC
(Báo Đầu tư)