Theo công bố chính thức của ban tổ chức cuộc thi Fe Xcelerate, 11 start-up xuất sắc nhất đã vượt qua vòng loại Pitch Day và chính thức tiến sâu vào giai đoạn gay cấn nhất của cuộc thi – Vòng Đua Tăng Tốc (Accelerator Program).

Chỉ trong vòng 4 tuần mở đơn đăng ký, sau khi các start-up được thông báo về 8 đề tài mà FE CREDIT đang tìm kiếm giải pháp và đồng thời cũng là 8 vấn đề trọng điểm của ngành Fintech tại Việt Nam, thì các đội thi đã ngay lập tức bắt tay vào việc nghiên cứu giải pháp và dấn thân vào chuyến tàu Khởi nghiệp Fintech do FE CREDIT và MEDICI cùng phát động.

Theo chia sẻ của ông Basker Rangachari – Giám đốc Trung tâm Tiếp thị của FE CREDIT, cuộc thi năm nay trở nên đa dạng và kịch tính hơn bao giờ hết khi sức nóng của nó không chỉ đến từ các đội thi chủ nhà Việt Nam mà còn từ các đại diện đến từ nhiều châu lục trên thế giới như Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Phi.  Mặc dù đây là năm đầu tiên chương trình được khởi động nhưng FE Xcelerate đã có một khởi đầu đầy thuận lợi khi số lượng các fintech start-up đăng ký vượt ngưỡng mong đợi của ban tổ chức. Cụ thể:

172 start-up đã đăng ký tham gia, trong đó 38 start-up đến từ Việt Nam và 134 start-up đến từ các nước khác.

28 start-up sở hữu những sản phẩm đầy tiềm năng và được lựa chọn vào vòng thuyết trình diễn ra trong 2 ngày.

Ông Kalidas Ghose, Phó Chủ Tịch HĐTV kiêm Tổng Giám Đốc FE CREDIT đánh giá về phần thi của start-up.

Bên cạnh đó, ông Basker cũng cho biết, hiện tại, một trong những vấn đề nan giải nhất mà các start-up tại Việt Nam đang phải đối mặt đó là 80% trong số họ rất khó tồn tại sau 2 năm dù những sản phẩm mà họ sở hữu đầy tiềm năng. Do đó, sự ra đời của FE Xcelerate sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác giúp các start-up có được một nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện từ khâu ý tưởng đến giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Thông qua chương trình, các start-up sẽ được trải nghiệm lộ trình đào tạo bài bản với quy mô toàn cầu và có cơ hội trở thành đối tác với FE CREDIT – Đơn vị đứng đầu về lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam với hơn 50% thị phần.

Có thể nói, trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng và ngân hàng phát triển mạnh mẽ thì các ứng dụng công nghệ là một trong những mấu chốt đem lại thành công cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này. Công nghệ đang từng ngày, từng giờ thanh đổi toàn bộ hệ thống cung ứng, vận hành dịch vụ tài chính có từ trăm năm nay. Trong bối cảnh đó, hàng loạt fintech start-up đã ra đời kèm theo rất nhiều giải pháp đáng chú ý. Tuy nhiên, trở ngại mà họ gặp phải của họ đó là: ít vốn, không có cơ hội ứng dụng và tiếp xúc sâu với các tổ chức tài chính để phát triển sản phẩm. Trong khi đó, “bên cần” lại luôn tích cực tìm kiếm các giải pháp công nghệ tối ưu để nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển kinh doanh. Về bản chất, fintech chính là sự kết hợp giữa Finance (tài chính) và Technology (công nghệ), hiểu nôm na là công nghệ tài chính. Từ đó có thể thấy mối quan hệ giữa 2 yếu tố này là không thể tách rời.

Hiểu được nhu cầu của cả bên cần lẫn bên có, FE Xcelerate ra đời với mục tiêu tìm ra bên “có” cho bên “cần” và là cầu nối dung hoà để bên có có thể giải đúng bài toán cho bên cần chứ không phải đưa ra hàng trăm các bài toán mông lung khác.

Ông Amit Goel, đại diện đến từ MEDICI, đơn vị đồng tổ chức cuộc thi khẳng định ông rất hài lòng về chất lượng cũng như số lượng các start-up Fintech tham gia vào FE Xcelerate năm nay. Đồng thời, ông rất ngạc nhiên trước những giải pháp sáng tạo mà họ trình bày. Ông hy vọng sau cuộc thi, cùng với sự hỗ trợ mà FE Xcelerate mang lại thì fintech start-up có thể tạo nên nhiều đột phá trên thị trường tài chính.

Vòng loại pitch day kết thúc với 11 start-up xuất sắc nhất được được bước tiếp vào 12 tuần tăng tốc của cuộc thi, nơi họ sẽ được trải nghiệm những hành trang thực tiễn đến từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Trạm dừng chân đầu tiên của cuộc thi đã khép lại trong sự thành công và những phản hồi tích cực. Hãy cùng đón chờ những cột mốc mới, những điểm nhất mới trong cuộc đua Tăng Tốc Hành Trình Khởi Nghiệp Fintech mang tên FE Xcelerate.

Khánh Ly – Nhịp sống kinh tế

Nguồn