Grab vừa công bố khánh thành trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mới tại Kuala Lumpur, Malaysia, nơi Grab đã khởi nghiệp hoạt động kinh doanh vào năm 2012. Đây là trung tâm R&D thứ 7 của Grab, bên cạnh các trung tâm R&D trên toàn cầu được đặt tại Bangalore, Bắc Kinh, TP. Hồ Chí Minh, Jakarta và Singapore.

Grab đặt kế hoạch tuyển dụng 100 kỹ sư công nghệ cho trung tâm R&D tại Kuala Lumpur trong năm đầu tiên hoạt động, bao gồm kỹ sư phần mềm, chuyên gia dữ liệu và chuyên gia phân tích dữ liệu.

Đội ngũ kỹ sư sẽ tập trung vào việc phát triển và nâng cao các tính năng giao tiếp thông tin theo thời gian thực, ví dụ như điện thoại VOIP (truyền giọng nói trên giao thức IP) thông qua tính năng GrabChat; xây dựng những sản phẩm web mới, hấp dẫn cho Grab; và nâng cao, phát triển các giải pháp an toàn thông qua máy học (machine learning).

Ông Ditesh Gathani, Giám đốc Kỹ thuật của Grab, cho biết: “Nhiều công ty công nghệ quyết định địa điểm thành lập trung tâm R&D dựa trên đội ngũ nhân tài đã có sẵn tại nơi đó. Với Grab, chúng tôi lựa chọn địa điểm có nhiều tiềm năng để phát triển đội ngũ nhân tài. Bằng việc mở một trung tâm R&D tại Malaysia, chúng tôi muốn góp phần vào việc phát triển đội ngũ nhân tài công nghệ tại đất nước này, đặc biệt là ở những lĩnh vực như máy học.”

Chỉ trong năm 2018 này, Grab đã đẩy mạnh mở rộng hoạt động kinh doanh vào mảng thanh toán di động, cũng như mở thêm những mảng kinh doanh mới như giao nhận thức ăn, giao nhận hàng tạp hóa và giao nhận hàng hóa.

Grab cũng đã nâng số lượng 30 thành phố có mặt vào đầu năm 2017 lên 235 thành phố tính đến thời điểm hiện tại. Kể từ cuối năm 2017, Grab đã tăng gấp đôi số lượng kỹ sư khắp 6 trung tâm R&D, và có kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 kỹ sư nữa trong năm 2019.

Phần lớn đội ngũ kỹ sư của Grab sẽ tiếp tục làm việc cho các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Grab là vận chuyển, trong khi đó, số lượng kỹ sư được tăng thêm sẽ tiếp tục phát triển GrabPlatform, một loạt giao diện lập trình ứng dụng (API) giúp các đối tác có thể tích hợp dịch vụ của họ vào nền tảng Grab, khi công ty đang chuẩn bị có sự tăng trưởng mạnh về số lượng quan hệ hợp tác và dịch vụ trong vòng 12 tháng tới.

Grab cũng đang đẩy mạnh năng lực AI nhằm phục vụ cho mục tiêu tận dụng dữ liệu – một trong những bộ dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á – để không chỉ cải tiến và phát triển dịch vụ mới mà còn giải quyết các thách thức phức tạp nhất trong khu vực, ví dụ như ùn tắc giao thông và các giải pháp tài chính.

Ông Theo Vassilakis, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Grab, cho biết: “Quyết định mở trung tâm R&D tại Malaysia là sự mở rộng của triết lý phát triển những giải pháp có tính địa phương hóa cao ở những quốc gia có người dùng Grab, trong khi vẫn thu hút được những tài năng công nghệ xuất sắc nhất khắp thế giới.”

Mô hình phân tán các đội ngũ kỹ sư của Grab cho phép công ty tiếp cận với những nhóm chuyên môn cụ thể tại mỗi trung tâm R&D khắp thế giới, ví dụ như máy học, phân tích dự báo dữ liệu, công nghệ di động mới nhất và trải nghiệm người dùng tập trung vào khách hàng.

Châu Phong – Thế giới tiếp thị

Bài gốc