Theo thống kê của chúng tôi, trong giai đoạn 2015-2018 có 4 doanh nghiệp huy động được số vốn có giá trị vượt trội, đạt trên 1.000 tỷ đồng (hơn 50 triệu USD), gồm Yeah1 Group, Tiki, Sendo và MoMo.

Tuy nhiên trong thế giới của startup thì vấn đề lại khó khăn hơn nhiều dù quy mô huy động có thể chỉ là vài tỷ đồng. Dù vậy, so với 5-7 năm trước thì hiện nay kênh huy động cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đã rộng mở hơn rất nhiều khi mà cả chính phủ lẫn các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn đều dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh này.

Vài năm trở lại đây, số lượng và giá trị của các thương vụ huy động vốn đã tăng lên nhanh chóng. Các thương vụ có quy mô vài triệu USD đã “nhiều không đếm nổi”. Một số thương vụ đáng chú ý gần đây như Rever, Logivan, Luxstay đều có quy mô 4-5 triệu USD.

Mới đây, kỳ lân công nghệ (từ để chỉ các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) duy nhất ở thời điểm hiện tại – Công ty cổ phần VNG – đã huy động được hơn 30 triệu USD khi tái phát hành một lượng nhỏ cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn Temasek. Thương vụ này định giá VNG ở mức hơn 2 tỷ USD. Lần huy động vốn gần nhất của VNG diễn ra vào năm 2013, khi đó giá trị của công ty này lần đầu chạm mốc 1 tỷ USD.

Tuy vậy, vì nhiều lý do mà số lượng những doanh nghiệp startup huy động được vài chục triệu USD trở lên vẫn còn rất ít. Theo lãnh đạo của một quỹ chuyên đầu tư vào startup, trong điều kiện kinh doanh của Việt Nam, không phải mô hình kinh doanh nào cũng cần đến quá nhiều vốn ở giai đoạn khởi nghiệp ban đầu.

Thực tế không có nhiều ý tưởng kinh doanh đủ lớn đủ hấp dẫn để hấp thụ được lượng vốn từ các nhà đầu tư trừ một số lĩnh vực đang rất ngốn tiền như thương mại điện tử, ví điện tử hay gọi xe trực tuyến chính vì vậy mà những doanh nghiệp gọi vốn nhiều nhất đều tập trung ở lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cũng có không ít startup không muốn gọi vốn quá lớn để tránh bị mất quyền kiểm soát vào tay nhà đầu tư.

Theo thống kê của chúng tôi, trong giai đoạn 2015-2018 có 4 doanh nghiệp huy động được số vốn có giá trị vượt trội, đạt trên 1.000 tỷ đồng (hơn 50 triệu USD), gồm Yeah1 Group, Tiki, Sendo và MoMo.


Quán quân huy động vốn thuộc về MoMo với gần 1.950 tỷ đồng với 2 đợt gọi vốn năm 2016 và 2018 từ các quỹ như Warburg Pincus hay Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs. Tiếp đến là Sendo với 1.700 tỷ, Tiki hơn 1.200 tỷ đồng và Yeah1 gần 1.200 tỷ đồng.

Trong đó, việc gọi vốn của Yeah1 là một phần của lộ trình niêm yết. Năm2018, Yeah1 phát hành riêng lẻ gần 4 triệu cổ phiếu với giá 300.000 đồng/cp nhưng sau “sự cố với Youtube” đầu năm nay, hiện cổ phiếu này chỉ còn chưa đến 80.000 đồng.

Ba doanh nghiệp còn lại đều là những tên tuổi hàng đầu trong những lĩnh vực đang diễn ra cuộc chạy đua “đốt tiền” giành thị phần đầy khốc liệt là thương mại điện tử và ví điện tử – những lĩnh vực được dự báo là sẽ còn lỗ lớn trong một thời gian dài nữa.

Với Tiki, trong 4 năm qua doanh nghiệp này lỗ gần 1.300 tỷ đồng – cao hơn cả số vốn đã huy động được. Sendo cũng lỗ 1.200 tỷ và Momo lỗ hơn 900 tỷ đồng. Mặc dù con số lỗ rất lớn nhưng con số này chưa thấm vào đâu khi so với việc cả Lazada và Shopee đang chấp nhận mức lỗ tới 2.000 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.

Cuối tháng 6/2019, Tiki tiếp tục huy động thêm lượng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư mới nhưng giá trị không được công bố. Theo nguồn tin của Deal Street Asia, VNPAY hiện đang có kế hoạch huy động với quy mô 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và GIC. Nếu thành hiện thực, thương vụ này sẽ là một cột mốc mới trong lịch sử huy động vốn của các startup Việt.


Bên cạnh nhóm doanh nghiệp trên, một số startup khác cũng huy động được 5-10 triệu USD trở lên như Appota, Vntrip, Con Cưng, hệ thống cầm đồ F88, chuỗi dược phẩm Pharmacity, hệ thống rạp Beta Cinema, ứng dụng gọi xe Be Group…

Các thông kê nêu trên chỉ tính đến kênh huy động vốn cổ phần. Trong khi đó, hình thức huy động vốn thông qua các khoản vay chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi cũng ngày càng thông dụng.

Ngay cả việc phát hành cổ phần cũng có rất nhiều loại bên cạnh cổ phần phổ thông như: cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết vốn rất phổ biến trong giới đầu tư startup. Như trong trường hợp của Momo, các loại cổ phiếu ưu đãi chiếm tới gần 1/2 tổng lượng cổ phiếu đã phát hành.

Kiến Khang (Theo Trí thức trẻ)

Bài gốc