Trong đại dịch Covid, FoodMap đã phối hợp đưa nông sản Việt lên hai sàn thương mại điện tử Tiki và Lazada, từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Giữa tháng 5 vừa qua, Tiki và Lazada đã phối hợp cùng FoodMap ra mắt mảng thực phẩm tươi phục vụ nhu cầu về thực phẩm tươi của người dân tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19.

Thành lập từ năm 2018, FoodMap là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến  với các thương hiệu riêng là Đặc sản Ngon lành (như đường, mật ong, rau củ quả…), Maloka (trà và cà phê) và HappyNut (các loại hạt dinh dưỡng).

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, FoodMap cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, ngoài ra, các thương hiệu riêng được phát triển chuyên nghiệp nhằm tạo chỗ đứng cho các nông sản bản địa độc đáo nhưng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.

Hồi tháng 9.2019, FoodMap được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là startup tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực agri-tech (nông nghiệp công nghệ). Năm 2020 này họ đại diện Việt Nam tham gia vòng bình chọn ở khu vực Đông Nam Á.

Cũng trong tháng 9 năm ngoái, FoodMap đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải Sáng kiến có tác động lớn nhất (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do Viện hàn lâm Kỹ thuật hoàng gia Anh và quỹ Newton tổ chức. Đây là giải thưởng dành cho các startup, tập thể nhà nghiên cứu, viện khoa học có những phát minh, những giải pháp đột phá trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội.

Nói về cách xây dượng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, nhà sáng lập FoodMap Phạm Ngọc Anh Tùng, người từng là từng là giám đốc nông trại Cầu Đất Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng) và hơn năm năm hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, thay vì “đốt tiền” chạy quảng cáo và giảm giá thu hút khách hàng thì FoodMap lại chọn cách “chạy chiến dịch” trong một khoảng thời gian nhất định cho những loại nông sản vùng miền nổi bật như mật ong tươi, dầu đậu phộng, đường thốt nốt, hồng treo gió… thông qua xây dựng câu chuyện liên quan đến quá trình làm ra sản phẩm, đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung, hình ảnh, video…

Phạm Ngọc Anh Tùng, người sáng lập của FoodMap

Trung bình thực hiện 1-2 chiến dịch mỗi tháng, đến khoảng 15 chiến dịch thì FoodMap có được kha khá tệp khách hàng lẫn nhà sản xuất nhờ đủ độ hấp dẫn để thu hút người mua và thuyết phục được người bán là các nông dân hoặc nhà sản xuất. Đến nay công ty hợp tác với hơn 100 nông dân hoặc nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm từ hơn 20 tỉnh thành cho hơn 5.000 người dùng cuối và nhà bán lẻ.

Để giải quyết bài toán khó trong chuỗi cung ứng nông nghiệp nằm ở khâu hậu thu hoạch, giảm thiểu hàng dư hàng tồn, công ty chọn cách vận hành theo mô hình đặt hàng trước (pre-order), chiếm khoảng 30-35% sản phẩm bán ra, đồng thời cung cấp cho cả khách hàng B2B (70%) lẫn B2C (30%).

Tùng cũng cho rằng tiềm năng phát triển mảng thực phẩm tươi trên các kênh trực tuyến còn rất lớn bởi đại dịch Covid-19 đã bước đầu tạo thói quen của người tiêu dùng thấy sự tiện lợi khi mua nông sản trên các sàn TMĐT.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư và quỹ tại khu vực Đông Nam Á đang quan tâm đến lĩnh vực này. Đặc biệt thị trường Indonesia đang cực kỳ sôi động, nhiều startup đã gọi vốn vòng series A hàng chục triệu đô. Có nhiều điểm tương đồng với Indonesia, thị trường Việt Nam thường có độ trễ khoảng ba năm. Trên thực tế, trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, số lượng startup Việt ở mảng này cũng đang tăng thêm và đều còn ở giai đoạn đầu đầu tư.

Phạm Ngọc Anh Tùng cho rằng nếu startup Việt không “chạy nhanh”, nhiều khả năng vài năm nữa các công ty lớn tại các nước đi trước sau khi gọi vốn thêm vòng mới sẽ tiến vào thị trường mua lại các công ty Việt hoặc đầu tư riêng bằng tiềm lực tài chính mạnh và lợi thế về kinh nghiệm vận hành. Hiện FoodMap cũng đang làm việc với một số quỹ đầu tư để gọi vốn vòng đầu tiên trong kế hoạch mở rộng quy mô. Đồng thời giải quyết các hạn chế hiện tại về nền tảng công nghệ, quy mô kho hàng và khâu vận hành.

“Dù có niềm tin vào việc xây dựng một sàn thương mại điện tử cho nông sản Việt nhưng để thành công sẽ phải trải qua nhiều thử thách phía trước. Chúng tôi không đặt cược tất cả vào đó,” Tùng chia sẻ và bày tỏ tham vọng về mô hình sao biển của FoodMap: “Mỗi thương hiệu nông sản do FoodMap sở hữu là một dự án hoàn chỉnh để phát triển riêng, phục vụ tham vọng xuất khẩu nông sản Việt với giá trị cao hơn.”

Hàn Mai