Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn phối hợp cùng Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Du lịch thông minh “Công nghệ và giải pháp cho ngành du lịch – dịch vụ thời kì hậu Covid – 19”.

Đổi mới, thích ứng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đang là hướng đi mới giúp ngành du lịch – dịch vụ hướng đến, vượt qua khủng hoảng trong và sau đại dịch Covid-19. Các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, phục hồi ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và đã tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp nước ta đã tích cực chung tay, nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch – dịch vụ.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong quý 1-2020, tổng thiệt hại  của ngành du lịch thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý 2-2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng. Ước lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt xấp xỉ 1 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 575.000 lượt, giảm 50% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 493.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch giảm 51% so với cùng kỳ lũy kế 4 tháng 2019.

Theo ông Nguyễn Đắc Huân – Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng, du lịch thông minh đã được đặt nền tảng tại Đà Nẵng khi thành phố triển khai hạ tầng wifi miễn phí, cho phép các thiết bị di động của người dùng kết nối internet mọi lúc mọi nơi. Tiềm năng của hạ tầng wifi đó giúp người dùng internet tiếp cận hệ sinh thái thông tin về du lịch dịch vụ; đồng thời, chính quyền cũng có thể khai thác “dữ liệu lớn” từ các điểm truy cập trong thành phố để phân tích, hoạch định du lịch.

“Đến năm 2019, Đà Nẵng tham gia hợp tác trong chương trình phát triển Liên hiệp quốc về việc hình thành thành phố thông minh Đà Nẵng (city lab). Đà Nẵng cũng đang xem xét hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA để khai thác dữ liệu lớn phục vụ công tac phân luồng giao thông, quy hoạch tuyến điểm du lịch cũng nư có thông tin chính xác hơn về tính chất của các thị trường khách quốc tế.” – ông Huân thông tin thêm.

Trong bối cảnh hiện tại, đây cũng là giai đoạn đã thúc đẩy đưa công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo được áp dụng vào trong cuộc sống gần hơn. Mỗi ngày trên các kênh như: website danangfantasticity.com; fanpage Danang FantastiCity, Instagram… đều được cập nhật các nội dung mới, giới thiệu về một cảnh đẹp, một địa điểm du lịch của Đà Nẵng. Chiến dịch đã tạo sức lan tỏa khá lớn thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, du khách trong nước và quốc tế trên các trang mạng xã hội…

Công ty cổ phần giải pháp kinh doanh Lê Vũ – VuFood được biết đến là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đưa ra giải pháp kinh doanh thời đại 4.0 cũng đã có những chia sẻ tại đối với cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.

Hiện tại VuFood đang phân phối sản phẩm là máy bán hàng tự động caffe và trà sữa Vufood. Được thành lập từ năm 2019, đến nay Vufood đã triển khai hơn 400 máy đặt tại trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm hành chính… tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Phan Anh, đại diện Vufood cho biết, gia đoạn dịch Covid – 19 là giai đoạn Vufood sống được. Với giá sản phẩm ở mức bình dân, chất lượng bảo đảm, những máy bán caffe và trà sữa đã thu hút và đáp ứng yêu cầu của người dân giai đoạn giãn cách xã hội.

Tại Hội thảo, Ứng dụng phòng thử đồ ảo và gợi ý trang phục dành cho mọi lứa tuổi (Smart Fashion); Nền tảng thống nhất quản trị & điều hành doanh nghiệp (Base.vn) và Nền tảng ứng dụng Triển lãm Du lịch – Dịch vụ trực tuyến (Online Fair) cũng đã giới thiệu về các giải pháp công nghệ mới để thích ứng với tình hình hiện nay, giúp các doanh nghiệp trong ngành du lịch – dịch vụ khởi động lại sau thời kỳ dịch Covid-19.

Giám đốc Trung tâm ươm tạo Sông Hàn – Lý Đình Quân cho rằng, sứ mệnh của Trung tâm là giúp các doanh nghiệp tiếp cận đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp có yếu tố công nghệ đổi mới sáng tạo tiếp cận được với cộng đồng.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy quản lý nhà nước cũng như cộng đồng đưa du lịch thông minh nhiều hơn, thúc đẩy lên TP thông minh. Mang lại những tiện ích tốt nhất, giá trị tốt nhất cho du khách, doanh nghiệp và người dân.” – Ông Quân cho biết.

Cũng theo ông Lý Đình Quân, thế giới đã thay đổi nhiều thông qua cuộc CMCN 4.0, toàn cầu trở nên kết nối, du lịch thông minh là cầu nối, kết nối toàn cầu. buộc thay đổi cách thức quản lý, cách thức thưcj hiện để tiếp cận xu hướng mới, là xu hướng điểm đến . Xây dựng thương hiệu địa phương để ngành du lịch địa phương phát triển

“Hiện nay chúng ta sở hữu một nguồn tài nguyên bản địa vô cùng lớn, mỗi địa phương có lịch sử, thiên nhiên, văn hoá, con người … nhiều giá trị tài nguyên mà bằng trí tuệ và công nghệ mới khai thác được. Như thế rất cần áp dụng khoa học công nghệ vào việc phát triển du lịch hiện nay.” – Giám đốc vườn ươm tạo Sông Hàn nói.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng truyền tải sự liên kết hợp tác giữa cá doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị, khi khách sạn, lữ hành, điểm đến, ứng dụng CNTT, cơ chế chính sách… cùng nhau xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh… tạo 1 điểm đến an toàn, điểm đến xanh thì ngành du lịch sẽ được phục hồi và phát triển.

Tuấn Vỹ

Nguồn