Ngành công nghiệp fintech (tạm dịch: công nghệ tài chính) đang bùng nổ ở mọi nơi trên thế giới – đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Khu vực này vốn nổi tiếng với hình ảnh các ngôi đền, đàn voi, “tây ba lô”, mì cay và những bãi biển đẹp, nhưng hãy làm quen với một Đông Nam Á rất khác – một “mảnh đất hứa” cho fintech.

Đông Nam Á đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi công nghệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau như khách sạn, thương mại điện tử, du lịch và nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ tài chính mới thực sự có những bước nhảy vọt. Sự bùng nổ bắt đầu vào năm 2010 trong lĩnh vực thương mại điện tử với các công ty như Ensogo, Groupon và Zalora. Trong vài năm qua, trọng tâm đã chuyển hướng sang fintech với một số kết quả khá thú vị.

Quả bom fintech trong vài năm qua

Ngày càng nhiều khoản đầu tư được tập trung vào thị trường Fintech ở Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy xu hướng toàn cầu mới này.

Trong một bài viết của TechCrunch, có tổng cộng 3 tỷ USD được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á vào năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Trong số này, 345 triệu USD đã đến tay các công ty fintech, chiếm tỉ lệ 21,6%. Theo báo cáo toàn cầu mới nhất của CB Insights, hơn 2 tỷ USD đã được bơm vào các công ty fintech châu Á trong quý đầu tiên của năm 2018.

Fintech, hay còn gọi là Công nghệ tài chính, là lĩnh vực liên quan đến bất kỳ đổi mới công nghệ nào liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Các dịch vụ này bao gồm ngân hàng, đầu tư, thanh toán điện tử, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn và nhiều hơn nữa. Theo Forbes, có 50.000 tổ chức tài chính và phi ngân hàng trong khối ASEAN cùng với hơn một triệu tổ chức tài chính vi mô khác.

Các yếu tố cấu thành “vụ nổ fintech Đông Nam Á”

Vậy tại sao Fintech lại phát triển mạnh ở Đông Nam Á? Có thể kể đến các yếu tố như dân số lớn và cơ sở hạ tầng ngân hàng. Ngoài ra, hãy nhớ rằng:

  • 70% dân số của ASEAN dưới 40 tuổi.
  • Khu vực này là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. GDP cao hơn 2% so với mức trung bình toàn cầu.
  • Tầng lớp trung lưu đa phần là người trẻ, có học thức và ngày càng giàu có, qua đó sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
  • Do thói quen mua sắm của người Đông Nam Á thay đổi theo xu hướng mua hàng trực tuyến, lĩnh vực fintech sẽ phát triển hơn nữa.
  • Chỉ có 27% trong số hơn 600 triệu người trong khu vực có tài khoản ngân hàng. Ở các nước nghèo như Campuchia, con số này chỉ là 5%. Điều này mang đến cơ hội cho các công ty fintech để lấp đầy khoảng trống này với các giải pháp cung cấp công nghệ cho nhóm khách hàng tiềm năng.
  • Nhóm người di cư ở Đông Nam Á chiếm con số lớn, vì nhiều người làm việc ở một quốc gia và gửi tiền cho gia đình sống ở quốc gia khác. Điều này chứng minh nhu cầu lớn về các dịch vụ chuyển tiền chi phí thấp.
  • Trên thực tế, rất nhiều cá nhân không có quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng truyền thống, dẫn đến nhu cầu lớn về ví di động, ứng dụng thanh toán di động và ngân hàng di động.
  • Cơ hội cũng nằm ở việc cung cấp các khoản vay ngắn hạn nhỏ cho các doanh nghiệp nhỏ địa phương khi họ cần kiếm thêm nguồn cung cấp. Điều này cho phép các doanh nghiệp kiếm nhiều tiền hơn trong mùa cao điểm, thay vì chỉ bán những gì họ có thể mua được.
  • Lĩnh vực fintech cũng sẽ cung cấp công nghệ mà các chủ doanh nghiệp ở Đông Nam Á có thể sử dụng để hưởng lợi từ việc phân tích dữ liệu.

Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau để tạo thành “cái kén” hoàn hảo cho sự tăng trưởng fintech ở Đông Nam Á. Khi các điều kiện đều đúng, cơ hội là rất nhiều.

Tương lai của Fintech khu vực Đông Nam Á

Nhiều nước Đông Nam Á đã đang đầu tư vào fintech. Trong năm 2015, Malaysia là quốc gia ASEAN đầu tiên ban hành một khung pháp lý cho hoạt động huy động vốn từ cộng đồng, qua đó hỗ trợ cho việc tham gia thị trường của các công ty khởi nghiệp. Điều này tạo ra một không gian an toàn cho các startup về fintech để thử nghiệm và tung ra sản phẩm của họ.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều cuộc hội thoại về khả năng tồn tại và mở rộng trong tầm khu vực của fintech. TechGrind là một tổ chức có tầm nhìn xây dựng Thung lũng Silicon tiếp theo ở Đông Nam Á, và họ xem Thái Lan như một trung tâm thuận lợi cho các công ty trong tương lai. Để tạo ra một thị trường lành mạnh, họ chỉ đầu tư vào các công ty có sản phẩm và dịch vụ mà họ tin rằng có khả năng cạnh tranh trong quy mô khu vực.

Efraim Pettersson Ivener, một đối tác sáng lập, nói với tạp chí Forbes rằng bất kể việc khởi nghiệp fintech tuyệt vời ở Thái Lan là bao nhiêu, nếu họ không thể vươn ra đến tầm khu vực, họ sẽ lạc hậu trong ba năm. Ông dự đoán rằng nếu một startup có cách giải quyết một vấn đề lớn và có khả năng kinh doanh trên quy mô quốc tế, họ có thể “quét sạch” tất cả các đối thủ cạnh tranh.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Fintech của Thái Lan Akaradej Disyadej cho biết ông nghĩ rằng lĩnh vực fintech tại Thái Lan rất mạnh và có khả năng cạnh tranh với các thị trường lân cận trong ASEAN.

Tất nhiên, có một số trở ngại cần phải vượt qua. Có những luật và quy định về thuế có thể khiến việc kinh doanh tại khu vực này trở nên khó khăn. Những bộ luật này đi theo hướng lý luận cũ và có thể tăng khối lượng công việc quản trị cho các công ty nhỏ – cũng như yêu cầu tư vấn pháp lý mà nhiều công ty khởi nghiệp không đủ khả năng chi trả.

Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của các nhà đầu tư và doanh nhân, bối cảnh fintech Đông Nam Á ngày càng trở nên sáng sủa.

Hiệp (Theo Medium)