Đồ công nghệ: càng giản đơn, càng đáng tiền (phần 1)
Như thế nào là một thiết bị công nghệ xứng đáng với sự lựa chọn và số tiền bỏ ra? Cây bút chuyên về công nghệ Terry Sullivan sẽ tiết lộ cho chúng ta trong bài viết dưới đây.
Con gái tôi là một người đam mê công nghệ và đã từng đánh giá một thiết bị: WobbleWorks 3Doodler Create+, một chiếc máy in 3-D có bề ngoài như một chiếc bút. Vẻ ngoài trông như đồ chơi của 3Doodler Create+ chắc hẳn sẽ khiến nhiều người tự hỏi “thiết bị công nghệ đây sao?”, nhưng trên thực tế, chiếc bút 3-D này cho phép người dùng vẽ ra vật thể theo cách thức và vật liệu tương tự như một chiếc máy in 3-D thực thụ.
Theo lời con gái tôi, chiếc bút này là hiện thân của công nghệ in 3-D chân thực nhất. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là chiếc bút mang lại cảm giác thú vị và dễ dàng khi sử dụng, đến mức tôi cho rằng nó là hiện thân của công nghệ đơn giản mà hiệu quả. Không cần phần mềm đi kèm rối rắm, thậm chí không cần kết nối máy tính – chỉ đơn giản là “cắm và chạy” mà thôi.
Chiếc bút 3-D trên là một ví dụ về tiêu chuẩn tối thượng cho các đồ dùng công nghệ, một tiêu chuẩn để phân định sản phẩm được duy trì lâu dài với những món đồ có khả năng bị lãng quên chỉ sau một vài năm: tính đơn giản.
Diện mạo của “sản phẩm công nghệ đơn giản”
Tôi nhớ đến 2 sản phẩm khác cũng sở hữu tiêu chuẩn tối thượng trên. Đầu tiên là máy quay bỏ túi Flip của hãng Pure Digital. Lúc đầu, tôi gần như đã từng chối đánh giá về nó vì nghĩ rằng nó quá đơn giản đến mức không thể bằng máy quay tiêu chuẩn; nhưng rồi tôi thực sự ấn tượng với chính… sự đơn giản của nó: bấm nút đỏ để quay hoặc ngừng quay, xóa những đoạn không mong muốn, tua lại để xem, hết. Một thiết kế không thể trực quan hơn.
Tiếp đến là ứng dụng làm nhạc GarageBand của Apple. Trước khi ứng dụng này ra đời, tôi phải rất vất vả để vừa làm vừa tìm hiểu với những phần mềm biên tập nhạc đầy đủ tính năng nhưng thiết kế rất tệ trên máy tính: thật là bất mãn khi dành vài tháng để nắm vững một chức năng nào đó chỉ để… bỏ cuộc.
Khi Táo khuyết cho ra đời GarageBand, tôi đã tạo ra một bản nhạc từ đầu đến cuối chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chi tiết tôi thích nhất là cách trợ giúp của ứng dụng này trên phiên bản dành cho iPad: khi nhấn vào dấu chấm hỏi, mô tả bằng văn bản sẽ xuất hiện toàn màn hình để giải thích mục tương ứng. Cách hỗ trợ như vậy là rất cần thiết trong trải nghiệm người dùng – nhất là những nhà làm nhạc nghiệp dư.
Sự hấp dẫn tỉ lệ thuận với mức độ đơn giản và dễ dùng
Từ trước đến nay, công nghệ và những thứ đi kèm với nó đều “được” (hoặc “bị”) gán mác “phức tạp” hay “rối rắm”. Theo lời của Jeffrey Zeldman – một nhà thiết kế web, tác giả, và nhà kinh doanh, lí do của định kiến trên là vì… công nghệ có truyền thống mang trong mình sự phức tạp.
Ông nói: “Hồi tôi mới bắt đầu thiết kế web, máy móc chỉ dành cho đám mọt tin.”
Giới công nghệ trong 2 thập niên 1980 – 1990 đều đã quen với cảnh: một kĩ sư tạo ra sản phẩm, để rồi sau đó bổ sung các tính năng mà sếp anh ta cho rằng “khách hàng sẽ cần” – một cách làm hiệu quả nhưng thiếu trực quan.
Cũng theo Zeldman, tình hình đã thay đổi trong 20 năm qua, khi những hãng công nghệ và sản phẩm số thành công nhất lại chính là những hãng và sản phẩm thực sự thấu hiểu nhu cầu người dùng và cho phép người dùng thỏa mãn các nhu cầu đó – những cái tên tiêu biểu cho xu hướng này gồm trùm thương mại điện tử Amazon, gã khổng lồ tìm kiếm Google, và tập đoàn ngàn-tỉ-đô Apple.
Không chỉ vậy, xu hướng này còn giải thích sự thất bại của một số sản phẩm. Đơn cử như hệ điều hành Windows 8 của Microsoft: giao diện ô vuông Metro rất màu mè hấp dẫn, phù hợp với xu thế thay đổi của thị trường, và tích hợp các yếu tố thiết kế trên điện thoại, nhưng chỉ vì không có nút Start đặc trưng mà Windows 8 đã bị dập tơi tả – người dùng muốn một điểm bắt đầu quen thuộc, và đối với mọi hệ điều hành Windows thì đó chính là nút Start.
Quốc Huy (theo NYTimes)