Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019 với chủ đề “Borderless – Không biên giới” mở ra tư duy, góc nhìn đa chiều trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang biến động không ngừng.

Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019 (Vietnam Young Leaders Forum 2019) là diễn đàn thường niên lớn nhất dành cho các Nhà lãnh đạo trẻ do Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM (YBA) phối hợp cùng Startup Việt tổ chức.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 700 lãnh đạo trẻ Việt Nam và nhiều diễn giả là những người đã khởi nghiệp thành công ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý có bà Trương Lý Hoàng Phi – TGĐ VinTech City, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM; GS. Vũ Ngọc Tâm – nhà sáng lập và điều hành Earable; bà Lê Diệp Kiều Trang – Quỹ đầu tư Alabaster..

Tại diễn đàn, các khách mời đã có những chia sẻ về sự thành công, góc nhìn xuyên biên giới, tổng quan trong kinh doanh, chiến lược thu hút nhân tài… Bên cạnh đó, những câu chuyện thực tế từ những kinh nghiệm của các diễn giả cũng được chia sẻ nhằm đưa ra những đường lối, chiến lược giúp người trẻ đổi mới tư duy và tìm ra điểm sáng trong hội nhập.

GS. Vũ Ngọc Tâm, nhà sáng lập Earable – Thiết bị đeo tai thông minhm cho biết phải rất nhiều năm anh mới hiểu rõ những giới hạn của bản thân, của tri thức. “Khi đi học Tiến sĩ, tôi luôn nghĩ nền tảng học vấn là quan trọng nhất nhưng chỉ sau 3-4 năm, tôi nhận ra điều này không đúng nữa”, anh nói.

GS Vũ Ngọc Tâm, sáng lập và điều hành Earable, phát biểu tại diễn đàn.

Bản thân GS Tâm đã từng thất bại khi tuyển dụng những người cộng sự với nền tảng chuyên môn rất giỏi nhưng mỗi khi giải quyết vấn anh chỉ nhận được một trong 2 câu trả lời là dễ quá và quá khó. Mặc nhiên vấn đề khó không thuộc phạm trù của họ để giải quyết và lỗi ở người đưa ra đề tài.

“Tôi nhận ra thay vì tuyển người chỉ nhìn vào hồ sơ của họ thì tốt nhất phỏng vấn trực tiếp và làm việc cùng nhau trong một khoảng thời gian. Sau này những người được chọn để làm việc cùng tôi đơn giản chỉ học trường bình thường, ít kinh nghiệm nhưng lại làm việc rất chăm chỉ”, anh Tâm chia sẻ.

GS. Vũ Ngọc Tâm cho rằng, Internet và công nghệ đã khiến khởi nghiệp trở nên không biên giới. Quan trọng là bạn hướng tư duy mình ở đâu. Bản thân anh Tâm khi thành lập các phòng thí nghiệm của mình cũng không bó hẹp ở một quốc gia nào cả.

Cậu chuyện này giống như việc bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu đồng sáng lập Minfit biến startup của mình thành một công ty toàn cầu ngay từ thành lập. Hoạt động tại Mỹ, nghiên cứu tại Việt Nam và sản xuất tại Hàn Quốc là con đường mà bà Trang cùng với chồng mình vận hành nó trong suốt nhiều năm trước khi bán lại Minfit cho tập đoàn Fossil.

“Minfit ở Việt Nam có đội ngũ những người cùng chí hướng, những kĩ sư giỏi không chỉ trong công nghệ mà còn trong lĩnh vực sáng tạo để làm ra những sản phẩm bán ở thị trường thế giới. Đó cũng là cảm hứng để chúng tôi phát triển”, bà Trang chia sẻ.

Tham dự diễn đàn, nhiều nhóm sinh viên, học sinh mang đến những mô hình, dự án sáng tạo. Điển hình như nhóm sinh viên Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM giới thiệu đề tài bàn ăn hỗ trợ người già, người mắc bệnh Parkinson gây run, cứng cơ, khó vận động với ứng dụng công nghệ thông tin. Nhóm sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giới thiệu đề tài “Đũa Việt” dành cho gia đình, làm quà tặng với giải pháp thủ công mỹ nghệ…

Điều mong muốn của các nhóm thực hiện dự án hay mô hình là giao lưu cùng với diễn đàn, học tập kinh nghiệm và tìm được đối tác tốt để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng…

Hoàng An