Ngày càng nhiều tổ chức lớn đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon trước khi các công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ngày càng nhiều tổ chức lớn, như các quỹ đầu tư quốc gia và các nhà quản lý quỹ lương hưu đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon trước khi các công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Nguồn vốn dồi dào như vậy đang khiến cho cuộc chơi của các nhà đầu tư mạo hiểm trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời cũng thổi phồng giá trị của các công ty tư nhân.

Việc các công ty mới trì hoãn IPO lâu hơn vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của sự thay đổi này.

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm cho rằng, các quy định là nguyên nhân khiến IPO trở nên tốn kém hơn nên việc duy trì trạng thái là một công ty tư nhân sẽ “dễ thở” hơn.

Ý kiến khác lại cho rằng, tính chất của các công ty mới đang thay đổi khi giờ đây họ cần ít vốn hơn trước để khởi nghiệp và phát triển.

Các công ty có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên miễn phí để lập trình các phần mềm và ứng dụng trên điện thoại thông minh như mã nguồn mở.

Kết quả là các chủ doanh nghiệp giờ đây có nhiều quyền lựa chọn hơn các nhà đầu tư và họ không muốn phải chịu sự soi xét mà một công ty thường phải chấp nhận khi đã “lên sàn”.

So với sự suy giảm về nhu cầu vốn thì một sự thay đổi quan trọng hơn là sự gia tăng đều đặn nguồn cung vốn đầu tư.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước đã thúc đẩy hơn nữa sự sụt giảm trong lãi suất dài hạn vốn một phần do xu hướng tiết kiệm quá mức. Bên cạnh đó, lợi suất của các cổ phiếu đã niêm yết cũng giảm xuống.

Vì vậy, nhận thấy sự bùng nổ giá cổ phiếu của các công ty công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm đã tìm đến phương án đầu tư vào các công ty chưa IPO để kiếm lời nhiều hơn.

Các công ty tư nhân giờ đây vẫn có thể có được số vốn mà trước đây chỉ có thể huy động thông qua IPO.

Một hệ quả của xu hướng nói trên là sự sụt giảm số lượng các công ty niêm yết. Thời kỳ tăng trưởng doanh thu thần tốc của một công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ có thể kết thúc khi startup này tiến hành IPO. Nỗi lo sợ này đã khiến nhiều công ty chùn chân trong kế hoạch “lên sàn”.

Bên cạnh đó, khi ngày càng nhiều vốn được đổ vào Thung lũng Silicon, một hệ quả tất yếu là giá trị của các công ty sẽ bị thổi phồng.

Mới đây, startup cung cấp dịch vụ chia sẻ văn phòng WeWork đã buộc phải hủy kế hoạch IPO khi giới đầu tư quay lưng với mức giá “trên trời” mà Wework đưa ra.

Với đợt giải cứu tài chính của Tập đoàn SoftBank, giá trị của WeWork đã “rơi tự do” từ mức công ty này tự định giá là 47 tỷ USD xuống còn 8 tỷ USD.

Có ý kiến cho rằng, cần phải có một thứ gì đó đột biến, như giá cổ phiếu công nghệ sụt giảm hay lãi suất tăng mạnh mới có thể kìm hãm dòng vốn đổ vào Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, tham vọng vẫn là một phần không tách rời của đầu tư mạo hiểm.

Mỗi người đi câu trên những vùng nước này vẫn luôn nuôi hy vọng có thể câu được một con cá voi.

Năm 2012, Facebook đã chi 1 tỷ USD để mua lại Instagram, một startup lúc ấy mới chỉ có 13 nhân viên và còn chưa đến hai năm tuổi.

Nghe có vẻ là một sự phóng tay quá mức, nhưng sau tất cả mọi thứ đã chứng minh đây là một “món hời” đối với “ông lớn” mạng xã hội này.

Khánh Ly (Theo The Economics)