‘Công thức triệu USD’ của vườn ươm khởi nghiệp ở Sài Gòn
Vườn ươm khởi nghiệp nhỏ ở Sài Gòn với số sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng giá trị hàng chục triệu USD.
Không ươm tạo nhiều dự án nhưng trong cộng đồng khởi nghiệp tại TP HCM, Upstar Labs là một “lò đào tạo” giá trị, nơi đã có hai sản phẩm gọi vốn được hơn tổng cộng 43 triệu USD trong 2 năm qua.
Với anh Trần Kiến Uy – Giám đốc điều hành UpStar Labs, cha đẻ QASymphony – sản phẩm được đầu tư 40 triệu đôla năm 2017 và sáp nhập với Tricentis trở thành một trong 10 startup Unicorn của châu Âu – không có quy trình rập khuôn để thành công. Tuy nhiên, vẫn có các công đoạn khác nhau cần thực hiện và các tiêu chí cơ bản cho mỗi công đoạn đó. Trong trò chuyện gần đây với VnExpress, anh chia sẻ 5 kinh nghiệm với các startup đang có “giấc mơ triệu USD”.
Thứ nhất, đa phần ý tưởng sẽ đến từ kinh nghiệm và sự hiểu biết của người sáng lập về ngành, thấy những cơ hội và nhu cầu chưa được đáp ứng thoả đáng. Sau đó, xác minh độ khả thi của ý tưởng từ người dùng tương lai, không nên bắt tay xây dựng sản phẩm ngay. Đây là bước quan trọng nhất đảm bảo thành công.
Thứ hai, nghiên cứu thị trường và các đối thủ rất quan trọng. Phải biết mình đang “đánh” với ai và “đánh” như thế nào. Ví dụ, khi phát triển một trò chơi trẻ em, cần hiểu rõ đối tượng người chơi vì mức độ tương tác, độ phức tạp, mức giá… sẽ khác nhau tùy độ tuổi.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ trí tuệ và kinh nghiệm, đầy đủ các mảnh ghép để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh. Đồng thời, tìm kiếm người dùng càng sớm càng tốt để họ giúp định hình sản phẩm, tránh việc tự nhận định sai.
Thứ tư, tận dụng tối đa được thời gian, con người và số tiền đầu tư. Thời gian phát triển sản phẩm nên được rút ngắn nhất có thể vì sẽ rất tốn kém, và có thể khi một, hai năm sau ra mắt sản phẩm thì đã bị lỗi thời.
Thứ năm, tiến hành cùng lúc hoạt động kinh doanh và tiếp thị. “Người làm sản phẩm đôi khi nghĩ người dùng không biết dùng. Nhưng thật ra, không có người dùng không biết dùng, mà là mình làm sản phẩm chưa đúng. Lối mòn suy nghĩ này nhiều bạn đang mắc phải và cần thay đổi”, anh Uy chia sẻ.
Người đứng đầu UpStar Labs cho rằng, văn hóa và tinh thần khởi nghiệp đang dần được ưa chuộng và có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn xa. Năng lực kỹ thuật và khả năng lập trình của Việt Nam ngày càng phát triển và được công nhận rộng rãi tại các sân chơi quốc tế. Người tiêu dùng trong nước đón nhận và chú trọng hơn các giá trị sản phẩm công nghệ có thể đem lại. Tuy nhiên, các startup công nghệ phần mềm ở Việt Nam vẫn còn một số sai lầm phổ biến.
Thứ nhất, tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho công ty chưa được trau chuốt. Đôi khi, người làm sản phẩm không xác định được đối tượng người dùng của mình mà tự vẽ ra lý lịch khách hàng lý tưởng nhưng lại không thực tế.
Thứ hai, không ít các doanh nghiệp chỉ tập trung gọi vốn và hoàn vốn trong thời gian đầu mà lơ là mục tiêu lâu dài. Nhiều đơn vị còn thiếu yếu tố xây dựng nguồn nhân lực cho công ty. “Thực sự công nghệ không quyết định tất cả, những người làm công nghệ đang lầm tưởng rằng phải có một công nghệ thật sự nổi bật và độc đáo thì mới thành công, nhưng đó không phải là yếu tố sống còn, quan trọng là các giá trị khác mà mình thêm vào cho sản phẩm đó”. anh Uy nói.
Để cộng đồng startup phát triển hơn, anh Uy cho rằng, chính phủ có thể đưa ra mô hình, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp thấy cơ hội và tiềm năng đầu tư; cung cấp kỹ năng quản lý tài chính, vận hành doanh nghiệp, tư vấn pháp luật khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, tạo ra những vườn ươm để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và là thị trường cho các nhà đầu tư tìm đến.
Đại diện UpStar Labs cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm quen thuộc về kiểm thử như Kobiton (đã gọi được 3 triệu USD vốn đầu tư từ Mỹ) và Katalon. Vườn ươm này dự kiến tung sản phẩm mới về nhân sự và có thể sẽ bắt đầu làm việc với các đối tác bên ngoài, như quỹ đầu tư hoặc tìm các sản phẩm mới, tiềm năng trên thị trường để về ươm tạo.
Trong cách nhìn rất thực tế, anh Uy nói rằng làm startup không dành cho tất cả mọi người, sẽ có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trải nghiệm và phần thưởng đáng giá sẽ đến nếu có đủ bền bỉ và tỉnh táo để đi trên con đường đó.
“Trước hết các bạn phải là người chấp nhận rủi ro và có tầm nhìn để biết được mình sẽ đạt được gì, thành công như thế nào. Có thể nói, quan trọng nhất là phải có đam mê, đam mê về ý tưởng của mình, đam mê về phát triển công nghệ, đam mê về đóng góp cho cộng đồng”, anh nói.
Viễn Thông – Vnexpress