Chỉ mất 2 ngày để ra được phiên bản chạy thử, Lê Tự Quốc Minh đã cùng với đồng nghiệp sáng tạo ra một nền tảng chia sẻ nội dung âm thanh Waves với tham vọng đón đầu xu hướng podcast và radio online tại Việt Nam.

Tại các nước đang phát triển, xu hướng nội dung âm thanh đã trở nên phổ biến với sự thống trị của Spotify và Soundcloud. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm chia sẻ nội dung âm thanh còn khá mới, mặc dù người tiêu dùng có thói quen sử dụng Youtube và Facebook để xem và nghe khá nhiều.

Từ ý tưởng ban đầu về một nền tảng chia sẻ nội dung âm thanh, đồng sáng lập Btaskee Lê Tự Quốc Minh đã bắt tay cùng Kevin Gao, một cựu sinh viên Stanfort đã có kinh nghiệm sáng lập 3 startup tại thung lũng Silicon để thực hiện ý tưởng.

Chỉ sau 2 ngày, phiên bản thử nghiệm đầu tiên đã ra đời với nhiều nội dung khác nhau. Đến nay, sau hơn 6 tháng ra mắt, startup công nghệ âm thanh Waves đã có hơn 30 chương trình tự sản xuất, hợp tác với hơn 100 nhà sản xuất nội dung và có hơn 500.000 chương trình âm thanh podcast và online radio bằng nhiều ngôn ngữ.

Tham vọng đón đầu xu hướng.

Theo báo cáo thì Việt Nam là một trong năm thị trường có lượng tiêu thụ nội dung YouTube lớn nhất trên thế giới và ước tính có khoảng 20-30% số người dùng YouTube bật video lên để nghe khi đang bận tay làm việc khác như tập thể dục, lái xe, làm việc, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

Nhưng thật sự YouTube không phải là một nền tảng lý tưởng để nghe nội dung vì xem video tốn kha khá lưu lượng dữ liệu và không tiếp tục nghe được nội dung khi tắt ứng dụng YouTube… Waves ra đời nhằm giải quyết vấn đề đó, đồng thời mang tới cho các khán giả những chương trình podcast và online radio thú vị như tóm tắt sách, học tiếng Anh, chuyện ngắn, tâm sự, kinh doanh, lịch sử, thể thao, sức khỏe, tâm lý, tình cảm… một cách dễ dàng và tiện lợi nhất.

Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng về số lượng các phương tiện cá nhân là ô tô, thói quen nghe radio trên ô tô cũng là một thuận lợi cho sự phát triển của nền tảng nội dung âm thanh. Với suy nghĩ đó các nhà sáng lập của Waves đã đặt ra sứ mệnh cho mình là “tạo ra một ứng dụng có phổ biến mang tính khu vực hoặc toàn cầu. Tham vọng của Waves là tiến ra toàn khu vực và trở thành một trong những niềm tự hào của người Việt”.

Chia sẻ cùng tầm nhìn với các nhà sáng lập, Tổng giám đốc quỹ Insignia Ventures Partners tại Singapore Yinglan Tan – quỹ đầu tư đã rót vốn vào Waves tin rằng: “Với sự thống trị của các nền tảng như Spotify và SoundCloud ở những nước đã phát triển, xu hướng nội dung âm thanh sẽ trở thành cuộc cách mạng tiếp theo của nội dung số, và xu hướng này đã đến khu vực Đông Nam Á”.

Tăng sức cạnh tranh bằng chất lượng nội dung âm thanh

Hiện tại, khách hàng có nhiều lựa chọn với nhiều nền tảng âm thanh online  khác nhau như Spotify, SoundCloud, Apple, Google… Sức hấp dẫn của mỗi nền tảng nằm ở sự khác biệt của các nhà sáng tạo nội dung (creator).

Nhận thức đước điều đó, Waves đã tập trung thu hút được hơn 100 creator hàng đầu để phát hành kênh podcast như IELTS Face-Off (VTV7), nhà xuất bản Nhã Nam, Tinh Tế, Spiderum, Liêu Hà Trinh, An Nguy, Tôi Đi Code Dạo… Ngoài ra, Waves còn hợp tác và quảng bá những chương trình podcast như Những câu chuyện làm “Ngành”, The Blue Expat, Unlock FM, Du và Học Podcast, Nằm nghe đọc truyện – Hathaya Audio.

Một trong những chương trình do Waves và đối tác phối hợp sản xuất

Không chỉ vậy, Waves thu hút và giữ chân thính giả bằng một số chương trình podcast tự sản xuất và phát hành trên ứng dụng của mình như những câu chuyện đơn giản nhưng sâu sắc của con người trên khắp Việt Nam với Humans of Vietnam, Bookaster Tóm Tắt Sách, những câu chuyện, bài thơ, tâm tư gửi gắm từ thính giả với Hộp Đen Cảm Xúc (do Liêu Hà Trinh thực hiện cùng các khách mời đặc biệt như Nguyễn Trần Trung Quân, Đào Bá Lộc…), đã thu hút được nhiều sự chú ý trên Facebook. Waves cũng tập trung vào việc mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người nghe trên ứng dụng với tính ổn định cao, giao diện đơn giản, số lượng chương trình đa dạng với thuật toán chuyên giới thiệu nội dung tiếng Việt khi người dùng đăng nhập bằng tiếng Việt và có thể tải về để nghe dù không có Internet.

Với trọng tâm là nội dung âm thanh bằng tiếng bản địa Đông Nam Á là điểm khác biệt lớn mà Waves nhắm đến để cạnh tranh với các nền tảng công nghệ âm thanh lớn trong khu vực và thu hút người dùng từ YouTube. Trong năm 2020, startup này sẽ tập trung hoàn thiện hơn theo nhu cầu của các nhà sáng tạo nội dung và người dùng để Waves trở thành một thói quen hằng ngày của người Việt.

Hàn Mai