Startup nhận đầu tư của nhà đầu tư ngoại là được tiếp thêm sức mạnh và mở ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ NextTech

Khi bắt đầu khởi nghiệp, bất kỳ một startup nào cũng mong muốn nhận được vốn đầu tư để có thể phát triển doanh nghiệp của mình. Kêu gọi vốn đầu tư là một trong những cách hiệu quả giúp startup đi nhanh và tiến xa.

Hiện nay, dòng vốn ngoại đầu tư vào các startup Việt đang ngày càng tăng. Theo báo cáo thường niên tình hình khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute đã công bố, tổng số vốn đầu tư vào vào các startup Việt Nam năm 2018 là gần 900 triệu USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm trước đó.

Trong đó chỉ 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, bao gồm 100 triệu USD đầu tư vào Yeah 1, 50 triệu USD vào Topica, 51 triệu USD vào Sendo.vn và 7 thương vụ không được công bố.

Tuy nhiên, con đường gọi vốn không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, nhiều startup vẫn băn khoăn rằng, gọi được vốn ngoại sẽ là cơ hội hay rủi ro. Và làm thế nào để phát triển startup một cách an toàn khi nhận được dòng vốn cũng là một câu hỏi mà startup Việt đặt ra.

Mở ra những cơ hội

Khi bắt đầu khởi nghiệp, startup nào cũng sẽ gặp phải tình trạng thiếu vốn. Vì hầu hết khi khởi nghiệp, startup đều có nguồn vốn rất hạn hẹp. Do vậy, họ phải đi kêu gọi vốn từ các quỹ các quỹ đầu tư.

Một startup khi nhận được đầu tư từ bất cứ một quỹ đầu tư nào cũng sẽ cảm thấy vui và may mắn. Vì họ sẽ có kinh phí để khởi động, chiếm lĩnh thị trường, tăng trưởng, phát triển hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ NextTech nói: “Khi startup thì phải chạy ăn từng bữa, thậm chí có thể là tháng sau không có tiền để trả lương cho nhân viên. Lúc đó, có người đầu tư cho mình thì tất nhiên là phải mừng”.

Vào giai đoạn mới bắt đầu, nhận được đầu tư như một sự cứu cánh đối với doanh nghiệp startup. Trong khi các startup đang bắt đầu sôi sục tinh thần khởi nghiệp nhất mà nhận được vốn đầu tư thì chẳng khác nào diều gặp gió.

Rất nhiều minh chứng thực tế đã cho thấy rằng, khi nhận được vốn đầu tư, các doanh nghiệp startup đã tăng trưởng rất nhanh, từ hàng chục đến hàng trăm lần so với thời điểm trước đầu tư.

Nói về sự tăng trưởng sau khi nhận được vốn đầu tư ở lĩnh vực thương mại điện tử phải kể đến Tiki, xuất thân từ một trang bán sách trực tuyến nhưng sau khi nhận được dòng vốn đầu tư ngoại, Tiki đã vươn lên trở thành một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

Ông Phạm Hoàng Thái Dương, Giám đốc điều hành Color life, chủ sở hữu điện hoa công nghệ – Hoa yêu thương chia sẻ: “Năm 2017, Hoa yêu thương nhận được vốn đầu tư 1 triệu USD từ một công ty của Hà Lan. Sau 3 năm nhận đầu tư, cổ phiếu tăng giá trị lên gấp 10 lần”.

Có thể nói, dòng vốn mà nhà đầu tư mang lại đã thay đổi cục diện của các doanh nghiệp startup. Điều này giúp họ có vị thế trên thị trường và mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai.

Luôn phải cẩn trọng

Không thể phủ nhận những tác động tích cực khi các startup nhận được dòng vốn từ quỹ đầu tư ngoại. Tuy nhiên, startup cũng phải đối mặt với những thách thức và phải tìm cách vượt qua.

Nhận được vốn đầu tư từ các quỹ ngoại không phải là điều dễ dàng, trước khi được rót vốn, các startup đã phải trải qua rất nhiều thử thách để chứng minh tiềm năng của mình. Và trong quá trình hợp tác với các quỹ ngoại, startup cũng cần phải hết sức cẩn trọng từng hành động để không đánh mất chính mình.

Trên thực tế, không ít những startup sau khi nhận được vốn đầu tư đã bị ràng buộc và phải tuân theo những chiến lược của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ NextTech chia sẻ rằng: “Trong một bài viết mà tôi đã từng đọc được về quỹ đầu tư mạo hiểm, chỉ có 10% quỹ đầu tư mạo hiểm có thể gia tăng được giá trị thật sự cho các doanh nghiệp startup.

Ở một số trường hợp, startup bị ràng buộc và người sáng lập không còn là chính mình nữa mà sẽ sa vào vòng xoáy, chạy theo mục tiêu của các nhà đầu tư đặt ra”.

Không chỉ phải tuân theo những chiến lược của nhà đầu tư mà trên thực tế đã có rất nhiều minh chứng cho rất nhiều doanh nghiệp startup đã bị thâu tóm bởi quỹ đầu tư ngoại.

Câu chuyện về thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan là một minh chứng rõ ràng và điển hình nhất về việc doanh nghiệp Việt dần bị thâu tóm bởi quỹ đầu tư ngoại.

Khoảng đầu những năm 90, Dạ Lan chiếm 70% thị phần trên cả nước và 90% tại thị trường Đà Nẵng trở ra Bắc. Sau khi tiến ra Bắc, thương hiệu thành công nhờ cách tiếp thị độc đáo và đánh bật các thương hiệu của Trung Quốc. Nhưng đến năm 1995, Dạ Lan liên doanh với Colgate Palmolive (Mỹ). Và từ đây, doanh nghiêp này đã dần bị thâu tóm. Đến năm 1998, người sáng lập rời liên doanh, nhận 5 triệu USD và phải cam kết không tham gia ngành hóa mỹ phẩm trong vòng 5 năm.

Ông Trịnh Thành Nhơn – người sáng lập Dạ Lan đã từng chia sẻ: “Liên doanh với Colgate là sai lầm lớn nhất của đời tôi”.

Chính sự tin tưởng, ngây thơ và cả tin của người sáng lập đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngoại có thể thâu tóm thương hiệu.

Luôn để cho mình một con đường lui

Được rót vốn đầu tư là nhận được cơ hội tuy nhiên các startup cũng cần để cho mình một đường lui để phòng tránh những rủi ro sau này.

Ông Bình đưa quan điểm: “Nhận đầu tư của nhà đầu tư ngoại cũng giống như việc lấy vợ lấy chồng, nên chúng ta luôn phải đề phòng. Nếu cứ trong tình trạng “đồng sàng dị mộng” thì bản thân startup rất khó để phát triển”.

Trên thực tế, có rất nhiều startup chỉ chăm chăm vào tỷ lệ sở hữu mà không để ý đến quyền của nhà đầu tư nên dẫn đến tình trạng có nhà đầu chỉ nắm 10, 15% cổ phiếu thôi nhưng họ lại nắm tất cả quyền quyết định”.

Khi nhận đầu tư, các startup cần lưu ý đến vấn đề quyền sở hữu và điều hành. Ở giai đoạn đầu, startup cần nắm được tỷ lệ trước và sau khi tiếp nhận vốn. Đồng thời, nhà sáng lập phải luôn ghi nhớ công thức chia cổ phần cho nhà đầu tư và những vấn đề pháp lý.

Startup không nên vì quá đói vốn mà đánh đổi tỷ lệ cổ phần sở hữu và đánh mất quyền tự quyết hay phủ quyết trong mối quan hệ với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, startup cũng cần hiểu rõ biến đổi cơ cấu sở hữu qua từng giai đoạn, từ khi nhà đầu tư bắt đầu rót vốn cho đến khi giải ngân.

Khởi Minh – Trí Thức Trẻ

Bài gốc