Thông thường, một xu hướng lớn trong thị trường công nghệ sẽ sản sinh ra những xu hướng mới đi ngược lại chính nó. Xu hướng ngược chiều này xuất hiện để đáp ứng một nhu cầu nào đó trên thị trường, hoặc đơn giản là chỉ cung cấp các lựa chọn thay thế khi mọi người đối diện với các hậu quả không mong đợi từ xu hướng ban đầu.

Ví dụ về sự nở rộ của điện thoại thông minh và nhu cầu về tính riêng tư của người dùng chính là minh chứng điển hình cho lý thuyết trên. Khi điện thoại thông minh thống lĩnh thị trường, con người lại có xu hướng giữ bí mật danh tính của bản thân. Nhu cầu này kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng nhắn tin nặc danh.

Trong số những ứng dụng ấy, Yik Yak nổi lên như một tên tuổi hàng đầu. Thành lập vào năm 2014, Yik Yak là một ứng dụng cho phép người dùng đăng và chia sẻ những tin nhắn nặc danh đến những người xung quanh. Ứng dụng này lập tức trở nên phổ biến ở các trường trung học hoặc đại học, cao đẳng, vì các học sinh – sinh viên rất thích bàn tán những câu chuyện học đường một cách nặc danh.

Với sự đón nhận mạnh mẽ từ lớp trẻ, Yik Yak đã nhanh chóng có chỗ đứng trong giới startup, gọi được 73 triệu đô-la tiền vốn, nâng mức giá trị lên đến 400 triệu đô-la.

Thế nhưng, startup này đã không tồn tại lâu dài. Giống như mọi thất bại khác trong cuộc sống, sự thất bại của Yik Yak cũng không đến từ một vấn đề riêng lẻ, mà đó là tập hợp của nhiều vấn đề. Nhưng tựu chung lại, Yik Yak sụp đổ bởi thiếu sự phát triển.

Một phần của sự thất bại này đến từ việc Yik Yak chỉ hướng đến đối tượng tuổi teen, đầu 20. Nên nhớ, đây là những độ tuổi luôn dễ bị hấp dẫn bởi những cái mới và có thể ngay lập tức từ bỏ cái cũ mà không hề cảm thấy tiếc nuối. Và rõ ràng, thị trường công nghệ thì không bao giờ đứng yên cả. Do vậy, những ứng dụng (ngoài ba ông lớn Facebook, Instagram và Twitter) đều phải cạnh tranh rất khốc liệt để giữ được chỗ đứng của mình trên thị trường. Trong tình thế ấy, Yik Yak không phải là những kẻ thua cuộc duy nhất.

Tiếp theo đó, những vấn đề như bắt nạt trên mạng, tấn công, hoặc xuyên tạc nhau cũng khiến Yik Yak sụp đổ. Đây là những vấn đề không mới và cũng không phải xuất hiện duy nhất ở Yik Yak, tuy nhiên tính nặc danh của tin nhắn trên hệ thống Yik Yak đã khiến những vấn đề đó càng trầm trọng hơn. Và có lẽ, đây là vấn đề đã được dự báo trước. Thế nhưng đáng tiếc nay, Yik Yak vẫn dẫm theo vết xe đổ của những người anh em công nghệ khác.

Hình ảnh thương hiệu gắn liền với những vụ bê bối, cộng thêm sự sụt giảm độ hứng thú sau thời gian ban đầu, Yik Yak đã tụt dốc không phanh. Trong quá trình ấy, công ty này đã sa thải 60% nhân viên và cố gắng thay đổi ứng dụng để cứu vãn tình hình, chẳng hạn thêm những tính năng mới như nhóm chat hoặc bút danh/ ký hiệu. Nhưng cuối cùng, công ty này vẫn tuyên bố đóng cửa vào năm 2017.

Mặc dù thất bại, nhưng những gì Yik Yak làm được cũng gây ấn tượng với một số người. Chẳng hạn công ty Square đã ngỏ ý tuyển nhân viên của Yik Yak, đồng thời mua lại tài sản của công ty với giá 1 triệu đô. Tuy nhiên với một công ty từng có giá trị lên đến gần nửa tỷ đô, con số 1 triệu này cũng đánh dấu một bước trượt dài.

Từ thất bại của Yik Yak, chúng ta học được gì? Đó là phải có cái nhìn tầm xa, phải dự đoán được những hậu quả có thể xảy ra, phải biết xây dựng một kế hoạch kinh doanh dài hơi. Có thể đôi khi chúng ta quá hào hứng với dự án mà cố tình bỏ lơ những hậu quả tiềm ẩn. Rồi đến một lúc nào đó, những hậu quả ấy sẽ xảy đến và kéo công ty xuống dốc.

Thất bại của Yik Yak có lẽ đến từ tầm nhìn. Thế giới đã nâng cao ý thức về những mối nguy từ thói quen, hành vi online từ vài năm trước. Và 2014 cũng chẳng phải cách quá xa thời kỳ này. Việc người dùng này có ý đồ xấu với người dùng khác không phải là chuyện khó dự đoán. Và việc nhóm người dùng tuổi teen – đầu 20 thường xuyên thay đổi sở thích không phải là điều mới mẻ.

Tiếc thay cho Yik Yak, họ đã không nhìn tới được những vấn đề này và để thương hiệu của mình chìm vào quên lãng.

Hải Vy (Theo Forbes)