Các công ty khởi nghiệp đã biến thành ‘xác sống’ như thế nào
Rất đơn giản.
Bạn có một ý tưởng và bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ trở thành một ‘Google’ thứ hai.
Bạn tập hợp vài “chiến hữu” và làm ra một sản phẩm demo.
Bây giờ, bước đầu tiên chắc chắn là gây quỹ từ các nhà đầu tư kém hiểu biết hoặc những người không quan tâm đến startup của bạn: đó có thể là chính phủ hay các nhà đầu tư thiên thần, các chương trình hỗ trợ. Tiền này sẽ giúp cho bạn hoạt động trong 12 – 18 tháng.
Có phiên bản demo, đã đến lúc bạn tham dự các cuộc thi, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm. Đó là khi bạn bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, có một cơ hội nói chuyện trong vòng hạt giống, và thậm chí là series A.
Sau đó, sản phẩm của bạn sẽ được tung ra thị trường. Nhưng rồi sản phẩm của bạn là một thất bại: người tiêu dùng không quan tâm đến nó. Đã đến lúc phải hoảng hốt. Làm sao để đi tiếp đây?
Đây là bí quyết: nâng cấp thành sản phẩm dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng nên thuê các CEO và CFO có kinh nghiệm về thị trường và những người thực sự hứng thú với startup của bạn – vì bây giờ tất cả mọi người đều muốn làm việc trong các startup!
Và bởi vì bạn đã có quan hệ với các nhà báo, bạn có thể đăng thông tin về công ty của mình. Và rồi bạn huy động nhiều tiền (từ các nhà đầu tư tệ hại), có một đội ngũ cao cấp (mà không có sản phẩm để bán) và có những điều thú vị để nói.
Lúc này bạn sẽ đi lên báo, đi nói chuyện để gợi cảm hứng, kể chuyện, truyền kinh nghiệm về tinh thần kinh doanh của mình. Startup của bạn được bao phủ bằng những từ ngữ có cánh như AI, chatbots hay crypto. Bạn trở thành “doanh nhân salon”.
Giai đoạn tiếp theo, khi vào một vòng tài chính mới, lúc này các nhà đầu tư không muốn mất tiền oan và họ bắt buộc phải đầu tư thêm để bạn tồn tại với hi vọng có lợi nhuận. Con đường sống của startup lại trở nên dài hơn chút nữa.
Các nhà đầu tư có thể thay thế CEO (hoặc không). Nếu người sáng lập có thể trở nên thu hút và được yêu thích trong giới doanh nghiệp, họ có thể xoay xở để tiến lên. Trong đa số các trường hợp, họ sẽ bị đào thải dần dần, nhưng startup thì vẫn tồn tại. Tồn tại chứ không ‘sống’, trở thành một xác sống.
Càng có nhiều người quan tâm đến các startup, các startup càng có thêm nhiều nguồn lực để tồn tại, ngay cả khi các công ty này thực ra nên ‘chết’.
Điều này dẫn đến nghịch lí: hệ sinh thái khởi nghiệp càng khỏe mạnh, các startup thực sự ‘sống’ càng khó nhận ra, bởi các startup ‘zombie’ trở nên tràn lan và quá nhiều.
Linh Nguyễn Lê (theo Threader.app)