Thời gian gần đây, xung đột càng trở nên căng thẳng hơn tại đất nước được xem là “chảo lửa” của Trung Đông. Israel lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy của xung đột, bạo động và nguy cơ chiến tranh bùng nổ.

Phép màu trên hoang mạc và “chảo lửa” chiến tranh

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và dự định dời đại sứ quán từ Tel Aviv tới thành phố này. Quyết định của ông Trump đã châm lửa cho thùng thuốc nổ Jerusalem khiến mọi sinh hoạt tại thành phố này bị xáo trộn và trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nhưng chắc ít ai biết được rằng, Jerusalem đều đã chuẩn bị cho những xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Một công ty xử lý nước của Israel đã khoét núi để tạo thành một hồ dự trữ nước ngọt khổng lồ ngay trong lòng đất. Lượng nước dự trữ tại hồ này được tính toán đảm bảo đủ duy trì cuộc sống sinh hoạt cho cả thành phố một khi xung đột lên đến đỉnh điểm và Jerusalem bị phong tỏa. Bên cạnh đó, công ty này còn có lực lượng lớn xe bồn cung cấp nước sẵn sàng cho mọi tình huống nguy cấp xảy ra.

Song có lẽ không nên bàn quá nhiều về vấn đề chính trị và tôn giáo ở đây, người viết dẫn thực tế và ví dụ trên chỉ để minh chứng cho một điều rằng, ở “thánh địa lửa” của thế giới, tinh thần sáng tạo luôn luôn tồn tại.

Một quốc gia nhỏ bé với khí hậu khắc nghiệt, hai phần ba diện tích là hoang mạc, còn lại chỉ toàn đồi núi, sỏi đá cằn cỗi, tài nguyên thiên nhiên bằng 0 và thiếu nước ngọt trầm trọng. Một quốc gia hơn nửa thế kỷ tới nay luôn ở trong tình trạng mà nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Mặc dù người Israel phải chịu “sống chung” với nghịch cảnh ấy nhưng đổi lại họ luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo để làm chủ hoàn cảnh và vượt lên trên mọi nghịch cảnh.

Công ty xử lý nước trong dẫn chứng ở trên chỉ là một trong số rất nhiều công ty hàng đầu thế giới về xử lý nước tại Israel. Và Việt Nam, một trong những nước giàu tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước đã phải học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ các công ty này về giải pháp nước cho nông nghiệp hay sử dụng nước tại đô thị.

Israel đã biến những điều không thể thành có thể với những sáng chế nhà máy lọc nước biển dọc bờ Địa Trung Hải, tái chế nước thải thành nước sinh hoạt. Và không ai ngờ rằng, Israel đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu.

Sự sáng tạo đột phá đã đưa một quốc gia nhỏ bé trở thành “thung lũng Silicon” trong nông nghiệp và công nghệ nước, khi mà người dân nơi đây có thể tự tạo ra “vườn địa đàng” với các loại nông sản và hoa ngay giữa sa mạc Negey, vùng đất khô cằn nhất thế giới.

“Giải mã” tinh thần sáng tạo Israel

Có thể thấy rằng, tại Israel, một trong những nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới, phép màu luôn xảy ra giữa hoang mạc và cả trong “chảo lửa” của chiến tranh. Tinh thần sáng tạo được coi là năng lượng sống của người Israel – tinh thần luôn “tư duy xé rào”, tiếp cận khôn ngoan và đặc biệt là “tinh thần sáng tạo có trách nhiệm”.

Ở Israel, người ta còn thấy rõ được một tinh thần mà họ gọi là “chutzpah”, có nghĩa là “táo bạo, gai góc, trắng trợn, thần kinh, không liêm sỉ”. Họ đề cao “sự ứng biến hơn là kỷ luật”, “thách thức lãnh đạo hơn là tôn trọng cấp bậc”, và sự “phá vỡ trật tự” ở đây là điều hết sức bình thường.

“Người Israel đề cao tinh thần sáng tạo và thách thức mọi rủi ro, không sợ thất bại. Càng thất bại nhiều càng chứng tỏ có nhiều kinh nghiệm, có ý chí trong khởi nghiệp, kinh doanh”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận định.

Tinh thần sáng tạo cũng là yếu tố quan trọng để quốc gia này tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất thế giới. Mỗi năm ở Israel có tới 6500 công ty công nghệ ra đời. Israel có đến 220 quỹ đầu tư mạo hiểm và 24 vườn ươm khởi nghiệp của Chính phủ (tính đến năm 2016).

Theo bà Kim Hạnh, “gốc của tinh thần khởi nghiệp của Israel là nền giáo dục. Trẻ em được dạy từ khi vào mẫu giáo, về tư duy độc lập, luôn thắc mắc, luôn đặt câu hỏi và quan tâm thiết lập mối quan hệ với bạn bè, chuẩn bị cho việc kinh doanh sau này”.

“Người Israel khởi nghiệp là nói đến tinh thần kinh doanh, sự sáng tạo, không chấp nhận thực tại, đôi khi chỉ là chuyện xây dựng một cái nhà trẻ chẳng hạn”, Tiến sĩ Trần Lương Sơn, nhà sáng lập Công ty VietSoftware và đồng sáng lập MITFive, một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của các cựu sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá.

“Ở Israel, tôi có đến thăm một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và người khởi nghiệp lớn tuổi nhất ở đây đã 72 tuổi. Điều đó cho thấy rằng, khởi nghiệp không phải là câu chuyện kiếm sống hay làm giàu, mà đơn giản là một hoạt động bình thường trong cuộc sống ở đất nước này”.

Trang Phạm – Báo Thanh niên