Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các startup trong ngành du lịch, khách sạn… Tuy nhiên, thách thức của người này đôi khi lại là cơ hội đối với người khác. Trong đại dịch, có những startup vẫn gọi vốn thành công hàng triệu USD trong nửa đầu năm 2020 như Siêu Việt Group, Propzy, OnPoint, Edoctor, TopDev…

1. Siêu Việt Group

Giá trị đầu tư: 34 triệu USD

Tháng 2 năm nay, Affirma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) – startup cung cấp các dịch vụ tuyển dụng và tìm việc miễn phí cho đối tượng từ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tới các tập đoàn lớn. Hệ thống của Siêu Việt gồm 4 cổng thông tin, bao gồm ViecTotNhat.com, TimViecNhanh.com, ViecLam24h.vn, và gần đây nhất là MyWork.com.vn.

Tính đến thời điểm hiện nay, Siêu Việt cho biết đã giới thiệu hàng triệu người xin việc đến hơn 500.000 công ty tại Việt Nam. Khoản đầu tư sẽ giúp Siêu Việt củng cố, mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, Affirma Capital cho biết trong một tuyên bố.

Thương vụ này là khoản đầu tư thứ 5 của Affirma Capital tại Việt Nam kể từ năm 2014, sau N Kid Corporation, Online Mobile, Tập đoàn Lộc Trời và Golden Gate.

2. Propzy

Giá trị đầu tư: 25 triệu USD

Tháng 6 vừa qua, Propzy.vn – nền tảng công nghệ bất động sản tại Việt Nam công bố đã huy động được 25 triệu USD trong vòng Series A do Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia đầu tư, cùng với các nhà đầu tư hiện tại Next Billion Ventures, RHL Ventures Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.

Ra đời năm 2016, công nghệ của Propzy tham gia vào mọi giai đoạn của một giao dịch bất động sản, từ các trung tâm giao dịch truyền thống đến nền tảng giao dịch trực tuyến, các sản phẩm tài chính như cho vay thế chấp và cuối cùng là phần mềm doanh nghiệp của người quản lý và thuê nhà.

Đại diện của Propzy.vn cho biết các khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để phát triển các dòng sản phẩm mới, cam kết đơn giản hóa các giao dịch bất động sản trọn gói từ đầu đến cuối cũng như các hoạt động hậu cần để hợp lý hóa toàn bộ vòng đời bất động sản như: mua, bán, thuê, quản lý nhà đất và căn hộ chung cư. Đồng thời cung cấp nguồn vốn để mở rộng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho tín dụng bất động sản.

Công ty cũng sẽ tiếp tục mở rộng sang các dịch vụ cho thuê bằng cách tận dụng mô hình kinh doanh trên nền tảng của Propzy.vn, được chứng minh qua mức tăng trưởng 50% mỗi tháng.

3. OnPoint

Giá trị đầu tư: 8 triệu USD

Hồi tháng 4, OnPoint – nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử Việt Nam công bố gọi vốn thành công 8 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Quỹ đầu tư Kiwoom của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (DAIWA-SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P). Tính đến thời điểm này, tổng số vốn OnPoint huy động được đã lên mức 8 chữ số.

Được thành lập vào tháng 12 năm 2017, OnPoint hiện hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (E-commerce Enabler) tại Việt Nam. Công ty cung cấp giải pháp dịch vụ trọn gói (one-stop solution) cho phép các thương hiệu đẩy mạnh sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc thông qua trang web bán hàng riêng của các thương hiệu đó, từ đó tăng nhanh doanh số bán hàng trực tuyến.

Với nguồn vốn mới, startup này dự kiến tuyển dụng thêm nhân sự, đầu tư phát triển các công nghệ mang tính chiến lược và phát triển năng lực phân tích dữ liệu nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

4. Beta Media

Giá trị đầu tư: 8 triệu USD

Giữa tháng 6 vừa qua, Beta Media công bố thoả thuận góp vốn trị giá 8 triệu USD từ quỹ đầu tư Nhật Bản – Daiwa PI Partners. Với thoả thuận này, công ty đạt được mức định giá là 1.000 tỷ đồng.

Beta Media là công ty vận hành chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas, với 12 cụm rạp và gần 60 rạp chiếu trên toàn quốc, bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Nha Trang, Biên Hòa, Long Xuyên. Với số vốn mới, Beta Media sẽ mở thêm nhiều cụm rạp trong những năm tới, đồng thời phát triển mô hình franchise – nhượng quyền thương hiệu rạp chiếu tại các địa phương để mở rộng nhanh hơn.

5. F88

Giá trị đầu tư: 6 triệu USD

Cũng trong tháng 6, F88 – chuỗi cho vay cầm cố tài sản có số lượng phòng giao dịch lớn nhất tại Việt Nam, thông báo nhận thêm 140 tỷ đồng (6 triệu USD) trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak với định giá gần 2.100 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Sau gần bốn năm hoạt động, F88 đã tăng đáng kể số cửa hàng lên từ 11 cửa hàng lên thành 180 cửa hàng tại 25 tỉnh thành và trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, F88 đã phát hành thành công 200 tỉ đồng trái phiếu (tương đương với trên 8,5 triệu USD).

Đại diện Công ty F88, cho biết: “Khoản đầu tư mới từ 2 cổ đông chiến lược sẽ được sử dụng cho việc mở rộng chuỗi phòng giao dịch của F88 cũng như việc tăng dư nợ cho vay trên 180 phòng giao dịch hiện có”.

6. Go2Joy

Giá trị đầu tư: 2,5 triệu USD

Hồi tháng 2, DealStreetAsia đưa tin, Go2Joy – startup đặt phòng theo giờ tại Việt Nam – đã gọi vốn thành công trong vòng Series A với giá trị 2,5 triệu USD từ STIC Ventures và nhiều nhà đầu tư khác. Những startup nhận được hỗ trợ từ STIC Ventures trước đó gồm: Tiki, Cammsys Việt Nam, Dược Nanogen…

Ra mắt thị trường từ năm 2017, Go2Joy (trước đây là Appro Mobile) được sáng lập và điều hành bởi CEO Simon Byun. Go2Joy giúp đặt phòng khách sạn theo giờ, qua đêm, ngắn ngày một cách nhanh chóng và riêng tư.

7. BuyMed

Giá trị đầu tư: 2,5 triệu USD

Cuối tháng 4, BuyMed – một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến (thuocsi.vn) công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu USD trong vòng tiền Series A. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Ventures.

BuyMed được thành lập vào năm 2018 để đơn giản hóa việc phân phối dược phẩm tại Việt Nam và Đông Nam Á.Hiện tại cổng điện tử thuocsi.vn có độ phủ đến khoảng 7.000 nhà thuốc và phòng khám, đồng thời hợp tác với hơn 700 nhà cung cấp.

Nguồn vốn mới sẽ được BuyMed sử dụng để đẩy mạnh sự phát triển tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Công ty cũng có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự đồng thời xây dựng đội ngũ tại Hà Nội để đảm bảo mạng lưới phân phối trên toàn quốc.

8. JobHopin

Giá trị đầu tư: 2,45 triệu USD

Hồi tháng 5, startup tuyển dụng ứng dụng AI và máy học JobHopin của Việt Nam công bố gọi vốn thành công 2,45 triệu USD trong vòng Series A, nâng tổng số tiền huy động được lên hơn 3 triệu USD. Năm 2018, startup này từng được đầu tư 710.000 USD trong vòng hạt giống.

Ứng dụng công nghệ AI vào tuyển dụng, startup JobHopin giúp tối ưu hóa việc kết nối nhân tài phù hợp nhất với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, JobHopin có hơn 1,400 doanh nghiệp sử dụng và kết nối với hơn 1,5 triệu ứng viên có độ phù hợp cao với các doanh nghiệp tuyển dụng. JobHopin đặt mục tiêu, trong 3 năm tới, sẽ nằm trong nhóm các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cho thị trường Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Các nhà đầu tư rót vốn cho JobHopin qua 2 vòng bao gồm Sema Translink, KK Fund, Mynavi Corporation, Edulab Capital Partners, NKC Asia, Canaan Capital và một số nhà đầu tư thiên thần của Việt Nam.

9. Waves

Giá trị đầu tư: 1,2 triệu USD

Hồi tháng 2, Waves – nền tảng nội dung chuyên về âm thanh do Kevin Cao và Ben Minh Le thành lập năm ngoái – công bố gọi vốn thành công 1,2 triệu USD trong vòng hạt giống từ đối tác Singapore, Insignia Ventures Partners. Các nhà đầu tư khác bao gồm quỹ Hustle Fund và Skystar Capital.

Waves hiện cung cấp dịch vụ thu âm, làm video, audio chuyên nghiệp, bao gồm các thiết bị, phòng thu hiện đại, chỉnh sửa, làm marketing… Với trọng tâm là nội dung âm thanh bằng tiếng bản địa Đông Nam Á là điểm khác biệt lớn mà Waves nhắm đến để cạnh tranh với các nền tảng công nghệ âm thanh lớn trong khu vực và thu hút người dùng từ YouTube.

Startup này đặt mục tiêu trở thành một trong những nền tảng hàng đầu ở Đông Nam Á về nội dung podcast và thu âm.

10. JupViec

Giá trị đầu tư: triệu USD

Hồi đầu tháng 3, Tech in Asia đưa tin STI vừa hoàn tất khoản đầu tư chiến lược vào startup JupViec. Không tiết lộ con số cụ thể nhưng ông Trần Tuấn Tài – Giám đốc đầu tư STI cho biết số tiền đầu tư lên tới hàng triệu USD. Sau thương vụ STI trở thành cổ đông lớn nhất của JupViec.

Thành lập vào năm 2012, JupViec là nền tảng giúp kết nối người có nhu cầu giúp việc với các hộ gia đình. Trước STI, startup này từng gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư của Mỹ Patamar Capital (năm 2018) và CyberAgent Ventures (năm 2015).

JupViec cho biết khoản tiền sẽ dành cho đào tạo nhân viên và cải thiện chất lượng dịch vụ. Startup này dự định nâng cao trải nghiệm trên ứng dụng, đa dạng hóa danh mục công việc như nấu ăn, ủi đồ, khử trùng virus, vệ sinh gia đình, bảo trì điện tử và dịch vụ quản gia.

Đối với lao động giúp việc trên nền tảng, JupViec sẽ cung cấp nhiều cơ hội việc làm và các phúc lợi đi kèm, tăng tần suất đào tạo và đảm bảo thu nhập cho các thành viên thông qua nền tảng.

11. Hoozing

Giá trị đầu tư: triệu USD

Tháng tháng 05/2020, startup công bố gọi vốn thành công triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc – SmileGate Investment (SGI). Trước đó, năm 2015, Hoozing nhận vốn đầu tư bởi quỹ Expara, Singapore Hoozing là nền tảng mua bán bất động sản với mục đích minh bạch hóa thị trường bất động sản, kết nối nhanh chóng người có nhu cầu mua/thuê bất động sản với chủ sở hữu.
Khoản đầu tư, theo Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Hoozing, Hai Le, sẽ được sử dụng để đảm bảo doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu của chủ nhà và khách hàng ở giữa đại dịch COVID-19.

Sau thành công của ứng dụng cho thuê căn hộ cao cấp và nhận được đầu tư của SmileGate Investment, Hoozing tiếp tục ra mắt Ứng dụng Hoozing, nền tảng giao dịch bất động sản thông minh, giúp tối ưu giao dịch bất động sản một cách nhanh chóng và hiệu quả, hướng tới mục tiêu dẫn đầu xu hướng bất động sản 4.0 tại Việt Nam.

 12. Voiz FM

Giá trị đầu tư: Không tiết lộ

Tháng 05/2020, Voiz FM tiết lộ họ đã huy động thành công khoản đầu tư vòng hạt giống từ quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam.

Voiz FM là ứng dụng sách nói ra đời năm 2019 trên kho App Store và Google Play. Hiện tại, startup có hơn 1.000 nội dung âm thanh, với trên 20.000 người dùng, mỗi ngày lượt nghe chiếm 20%-30% trong tổng số thành viên.

Với số tiền trong vòng gọi vốn lần này, Voiz FM dự tính sẽ nâng cao trải nghiệm nghe của người dùng bằng việc ra mắt thuật toán gợi ý (recommendation) vào đầu tháng 7 dựa trên hành vi nghe của họ. Đồng thời, startup không giấu tham vọng mở rộng ra toàn Đông Nam Á trong vòng 12 tháng tới.

13. TopDev

Giá trị đầu tư: Không tiết lộ

Tháng 02/2002, nền tảng tuyển dụng IT TopDev công bố hoàn thành vòng gọi vốn đầu tư chiến lược đến từ SaraminHR, nền tảng tuyển dụng việc làm số một tại Hàn Quốc. SaraminHR là công ty niêm yết trên sàn KOSDAQ, được biết đây là thương vụ đầu tư chiến lược của họ cho kế hoạch phát triển toàn cầu. Giá trị đầu tư không được tiết lộ, nhưng được biết đây là thương vụ lên đến 7 con số USD.

TopDev là một nền tảng tuyển dụng và việc làm dành riêng trong lĩnh vực IT sở hữu 300.000 hồ sơ lập trình viên, với các khách hàng là hầu hết các công ty công nghệ tại Việt Nam và khu vực.

Startup tuyển dụng ứng dụng công nghệ AI giúp các công ty tiếp cận danh sách các ứng viên tìm việc thông qua CV của họ hy vọng giúp 10.000 người tìm được việc làm trong năm nay.

14. Sapo

Giá trị đầu tư: Không tiết lộ

Tháng 05/2020, Sapo công bố hoàn tất vòng gọi vốn và nhận đầu tư lên tới 7 chữ số USD từ Quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) và Quỹ Teko Ventures (Việt Nam). Trước đó, tháng 1/2014, Sapo từng nhận được khoản đầu tư lớn từ Cyberagent Nhật Bản dành cho những công ty nhiều tiềm năng phát triển đang hoạt động trong lĩnh vực Internet.

Sapo là nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được sử dụng nhiều nhất Việt Nam với hơn 67,000 khách hàng. Sapo mang đến cho các cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ một nền tảng quản lý và bán hàng tổng thể từ online đến offline kết nối xuyên suốt các giải pháp, giúp bán hàng tại tất cả các kênh.

Khoản vốn mới được Sapo đầu tư mở rộng lĩnh vực thanh toán và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp, với mục tiêu đưa Sapo trở thành nền tảng hỗ trợ quản lý và bán hàng đa kênh lớn nhất và được sử dụng nhiều nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

15. Edoctor

Giá trị đầu tư: Hơn 1 triệu USD

Ngày 31/3/2020, startup cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ di động eDoctor cho biết đã nhận vốn đầu tư từ 4 quỹ lớn là CyberAgent Ventures, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc).

eDoctor là dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cho phép người dùng có thể gửi câu hỏi cho bác sĩ mọi lúc mọi nơi; đặt dịch vụ xét nghiệm tại nhà nhận kết quả sau 3 giờ; dịch vụ khám và tư vấn sức khỏe tại nhà. eDoctor kết hợp với điều dưỡng, bác sĩ, các trung tâm xét nghiệm, phòng khám và bệnh viện giúp người dùng tiết kiệm thời gian, không cần phải chờ đợi ở cơ sở y tế.

Hiện startup này hợp tác với hơn 500 điều dưỡng, hơn 400 bác sĩ, 80 phòng khám và bệnh viện trên cả nước. Ứng dụng đã phục vụ gần 100.000 lượt khám sức khỏe cho cá nhân, gia đình và các doanh nghiệp.

Với nguồn vốn mới, startup sẽ tập trung hoàn thiện mô hình chăm sóc sức khoẻ với các dịch vụ: khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), chăm sóc sức khỏe tại nhà (home healthcare) và chăm sóc sức khỏe chủ động (preventive healthcare).

Hàn Mai