7 bí quyết để có 3.000 đô mỗi tháng từ 600 khách hàng của một phần mềm cá nhân
Inkdrop chỉ là một dự án phần mềm cá nhân của Takuya, một ứng dụng ghi chú có tính năng đồng bộ đám mây, như kiểu Everdrop, không có gì quá độc đáo. Điều bất ngờ là nó lại thành công quá mong chờ của tác giả. Mỗi tháng anh thu được hơn 3.000 đô của 600 khách hàng. Và đây là những bí quyết đúc kết lại của anh:
Bạn không cần phải nổi tiếng
Inkdrop được ra mắt hai năm trước. Vì là sản phẩm trong thị trường ngách, nơi đã có sẵn những ứng dụng có tiếng như Everdrop, Inkdrop không được các tờ báo lớn để mắt tới. Takuya cũng không dựa vào quảng cáo để tăng độ nhận diện.
Thay vào đó, anh tập trung cải thiện trải nghiệm của nhóm khách hàng cũ và viết các bài blog về chiến lược thành công của mình. Những “lời truyền miệng” chính là vũ khí mang lại tăng trưởng cho anh.
Theo anh, đó là mức tăng trưởng mà anh có thể kiểm soát được. Chính việc xuất hiện trên những tờ báo lớn, trái lại, sẽ khiến anh bị quá tải khi có quá nhiều khách hàng mới cùng lúc, trong khi máy chủ chưa đủ sức đáp ứng, qua đó làm giảm chất lượng trải nghiệm.
Tại sao tỷ lệ tiêu hao thấp?
Tỷ lệ tiêu hao (churn rate) là tỷ lệ khách hàng bỏ dùng sản phẩm sau một khoảng thời gian nhất định.
Người dùng thông thường sẽ muốn sử dụng tiếp sản phẩm trừ khi họ phát hiện ra lỗi nghiêm trọng. Hiện tại tỷ lệ tiêu hao của Indrop ở mức 2-3%, nghĩa là rất thấp. Lý do là vì thiện cảm từ nhóm người dùng, đặc biệt là nhóm lập trình viên. Họ đã thử nghiệm nhiều sản phẩm khác nhau, và cuối cùng chọn sản phẩm của anh. Đó là lý do họ sẽ không dễ dàng rời bỏ.
Nhưng rủi ro ở đây là họ sẽ luôn tìm một công cụ khác tốt hơn, thậm chí tự tạo công cụ cho mình. Do đó, Takuya phải nỗ lực cập nhật Inkdrop thường xuyên để giữ tỷ lệ tiêu hao ở mức thấp.
Luôn lắng nghe người dùng
Một trong những điều quan trọng là phải có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt ngay từ đầu. Takuya đã mở hẳn 1 diễn đàn để người dùng trao đổi về Inkdrop. Cho đến nay, đã có 264 chủ đề và 1.367 bài viết được đăng, trong đó có 620 bài của chính Takuya.
Takuya đã cho thấy đây không phải là một việc tốn thời gian. Khi ngày càng nhiều người đăng bài viết, diễn đàn trở thành một nơi hỏi-đáp cũng như nơi để Takuya chia sẻ. Khi người dùng Google một vấn đề nào đó, họ sẽ được dẫn tới diễn đàn này để có ngay câu trả lời.
Công bố lộ trình phát triển
Vì đây là một dự án cá nhân, người dùng có xu hướng lo lắng về việc ứng dụng sẽ bị đóng cửa một ngày nào đó. Nhưng bạn luôn có thể thẳng thắn chia sẻ về tương lai của dịch vụ, về những điểm mới để khách hàng có thể kì vọng. Từ khi công bố sản phẩm, Takuya đã đăng 3 bài viết để giới thiệu về lộ trình phát triển của nó. Những phản hồi của người dùng trên những bài viết này chính là động lực để Takuya tiếp tục đổi mới sản phẩm.
Chăm sóc chu đáo các khách hàng trả tiền
Như đã nói, Takuya dành nhiều thời gian để chăm sóc nhóm khách hàng hiện có. Một vài cách mà anh áp dụng bao gồm:
- Thêm huy hiệu sao trên avatar: Những người dùng trả tiền sẽ có một huy hiệu hình ngôi sao bên cạnh avatar của mình trên diễn đàn. Điều đó giúp Takuya nhận diện nhóm khách hàng hiện có để ưu tiên phản hồi trước.
- Thảo luận về lộ trình tiếp theo: Diễn đàn có một khu vực chỉ dành riêng cho khách hàng trả tiền. Đây là nơi Takuya dùng để thảo luận lộ trình sắp tới, qua đó khiến họ cảm thấy mình là người đặc biệt.
- Thử nghiệm riêng: Chỉ những người dùng đã trả tiền mới có thể tham gia thử nghiệm ứng dụng. Những phản hồi của họ thường rất tốt.
- Chia sẻ chiến lược: Ngày càng nhiều người biết đến bạn, bạn càng có thêm cơ hội phát triển sản phẩm của mình. Viết blog là một cách mà Takuya dùng để tiếp cận khách hàng, và đây là nơi anh dùng để nói về các chiến lược của mình, thay vì chỉ kể về các mẹo trong kinh doanh như nhiều người khác. Việc kể chuyện này cũng giúp tăng giá trị cho sản phẩm.
Bỏ qua các đối thủ cạnh tranh
Bạn không cần quan tâm đến đối thủ cạnh tranh, vì bạn biết mình cần đi đến đâu. Kể cả khi họ sao chép sản phẩm, bạn cũng không cần tỏ ra khó chịu. Nếu bạn quá e ngại đối thủ, có thể bạn sẽ bị họ ảnh hưởng và không dám tạo đột phá.
Hãy nhớ rằng mỗi người đều có vấn đề và nhu cầu riêng. Việc của bạn là chăm sóc những người nào cùng chung một mục tiêu.
Chấp nhận những khiếm khuyết
Khi sản phẩm ngày càng phát triển, bạn càng có nhiều việc phải làm. Hãy cứ ra mắt sản phẩm kể cả khi nó chưa thực sự hoàn thiện, vì đó là cơ hội để bạn thử nghiệm tính khả thi. Bạn sẽ không nhận được gì nếu không có bài đánh giá từ cộng đồng.
Rất có thể, một tính năng mới vừa tung ra đã gặp phải một lỗi nghiêm trọng mà bạn không lường tới, và điều đó khiến bạn mất đi khách hàng. Nhưng bạn cần tiếp tục khắc phục và ra mắt các phiên bản mới, để xem sản phẩm của bạn có thể đi đến đâu.
Hiệp (theo Inkdrop)