Từ năm 2015 đến nay, chúng ta chứng kiến sự ra đời của hàng loạt công ty startup mang tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực từ làm đẹp, giáo dục đến bất động sản… với người sáng lập là nữ CEO.

Câu chuyện đằng sau mỗi lần khởi nghiệp là gì? Các nữ cường nhân đang truyền cảm hứng cho cộng đồng như thế nào?

Phạm Khánh Linh – Nhà sáng lập và CEO Logivan

“Uber xe tải” Logivan do cô gái sinh năm 1993 Phạm Khánh Linh (Linh Phạm) thành lập vào tháng 11/2017. Linh Phạm tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên của Đại học Cambridge và từng làm việc tại Goldman Sachs ở Anh trước khi quyết định về Việt Nam lập nghiệp.

 

Logivan là nền tảng cung cấp dịch vụ kết nối chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hoá liên tỉnh, vận chuyển Bắc Nam tới mạng lưới các đối tác vận tải di chuyển chiều về rỗng từ một chuyến giao hàng trước đó. Giải pháp của công ty được đánh giá có khả năng giảm 20% đến 30% chi phí vận tải so với phương pháp truyền thống.

Trong vòng gọi vốn gần nhất công bố hồi đầu năm, startup này thông báo huy động thành công 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng của châu Á. Trước đó, vào tháng 4 và tháng 8/2018, công ty của Linh Phạm cũng huy động được 2,4 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài do Ethos Partners, Insignia Venture Partners và Vinacapital Ventures đứng đầu.

Cuối năm 2018, “Uber xe tải” Việt Nam vượt qua startup tỷ USD Pony.ai của Trung Quốc và nhiều công ty khác để giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp trong mạng lưới toàn cầu của Pitch@Palace tại Anh.

Hồ Hồng Bảo Trâm, Đồng sáng lập và CEO Kyna

Hồ Hồng Bảo Trâm (Trâm Hồ) là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) và từng học tại Đại học Warwick (Anh). Trước khi gia nhập nền tảng học trực tuyến Kyna.vn vào năm 2013, Trâm Hồ có thời gian làm việc tại quỹ đầu tư CyberAgent. Năm 2017, cô được bổ nhiệm vào vị trí CEO thay nhà sáng lập công ty Nguyễn Thanh Minh.

 

Đầu năm nay, Kyna.vn công bố gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư SEAF Women’s Opportunity Fund (SWOF); CyberAgent Capital và một số nhà đầu tư khác. Trước đó, vào tháng 4/2016, CyberAgent Capital cũng rót một khoản tiền được tiết lộ lên đến 7 chữ số (triệu USD) vào startup này.

Kyna.vn hiện cung cấp các khóa học đào tạo kỹ năng đa dạng ở nhiều lĩnh vực và Kynaforkids.vn cung cấp các khóa học về Toán học, tiếng Anh cho trẻ từ mẫu giáo đến tiểu học. Nền tảng này cũng cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến cho nhiều doanh nghiệp như Abbott, Đất Xanh, trung tâm đào tạo của tập đoàn Samsung…

Văn Đinh Hồng Vũ – Nhà sáng lập ứng dụng học tiếng Anh Elsa Speak

Ra mắt cộng đồng vào năm 2016, ELSA (English Language Speaking Assistant) là ứng dụng học tiếng Anh với công nghệ A.I. được sáng lập bởi nữ doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ. Nổi bật với tính độc quyền trong lĩnh vực Nhận Diện Giọng Nói (Speech Recognition) và công nghệ Học Sâu (Deep Learning) đạt chính xác trên 95%, ứng dụng phản hồi tức thì những lỗi sai và hướng dẫn người dùng chỉnh sửa lại theo chuẩn bản xứ tới từng âm tiết.

Trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình kinh tế – tài chính FBNC, chị Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ: “Sau một thời gian học ở Stanford, nhận thấy dù có nền tảng tiếng Anh vững chắc nhưng khả năng phát âm của cá nhân tôi và các du học sinh còn nhiều hạn chế, điều này làm chúng tôi trở nên yếu thế trong việc giao tiếp và phát triển sự nghiệp nơi đất khách. Chính vì vậy, tôi cùng đội ngũ thực hiện nghiên cứu và tạo nên Elsa”. Thị trường trước mắt, công nghệ cạnh bên, đội ngũ vững vàng là yếu tố quyết định thành công của startup này.

ELSA được Forbes nhắc đến trong danh sách top 04 công ty sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo thay đổi thế giới, và lọt vào top 05 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay, ngang hàng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google. Startup này hiện có 04 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới.

Cathy Thảo Trần – Nhà sáng lập ứng dụng tìm nhà trọ Ohana

Gây chú ý khi tham dự Shark Tank mùa đầu tiên, Cathy Thảo Trần đại diện ứng dụng tìm trọ Ohana đến kêu gọi số vốn 3,5 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần. Cuối cùng, dù chưa được đánh giá cao ở phần thuyết trình, cô vẫn được Shark Dũng và Shark Hồng Anh hướng dẫn, đồng ý đầu tư 3,5 tỷ đồng cho dự án nhà ở của mình.

Tốt nghiệp cử nhân văn học ở Mỹ, Cathy Thảo Trần chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn đem suy nghĩ của mình ảnh hưởng tới mọi người. Khi chuyển sang làm công nghệ, tôi thấy tầm ảnh hưởng có thể nhiều hơn. Do đó, tôi chọn công nghệ phát triển tầm ảnh hưởng một cách hiệu quả hơn. Tôi bắt đầu với Ohana nhưng không nghĩ là thị trường bất động sản mà nghĩ đây là nhu cầu về chỗ ở của rất nhiều người. Theo nghiên cứu, 30% người dân sinh sống ở TP.HCM có nhu cầu thuê nhà. Thị trường đang có những bất cập, đang có những rắc rối cần giải quyết.”

Cathy Thảo Trần cho biết, Ohana là ứng dụng chạy trên nền tảng di động và web, kết nối người đi thuê nhà và chủ nhà cho thuê. Trong đó, người đi thuê đa số là các bạn sinh viên, những người mới ra trường, có khả năng chi trả từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng.

Hiện Ohana đã có 40.000 người dùng. Tầm nhìn trong tương lai là phát triển ứng dụng thành hệ sinh thái có những sản phẩm nhỏ để giải quyết những nhu cầu của người Việt Nam. Rộng ra là người Việt Nam ở Thái Lan, Philippines, Malaysia. Rộng hơn nữa là người dân bản địa ở Philippines, Malaysia, Indonesia.

Oanh Nguyễn – Nhà sáng lập ứng dụng “từ điển làm đẹp” Lookme.vn

Không hẳn là một cái tên đình đám nhất trong giới startup, nhưng Lookme là một ứng dụng dần được lòng người dùng mê làm đẹp, ưa thư giãn dù chỉ xuất hiện trên thị trường hơn 1 năm. Ra đời vào những tháng hè của năm 2018, Lookme là tâm huyết của founder Oanh Nguyễn cùng đồng sự, xuất phát từ nhu cầu được nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc bản thân của cá nhân và cộng đồng.

Chị chia sẻ: “Trong thời điểm thị trường làm đẹp thông tin nhiễu loạn, người dùng thường tốn rất nhiều thời gian và công sức để tìm địa điểm uy tín, giá cả hợp lý, phục vụ chuyên nghiệp, bởi đã quá quen thuộc với lời mời gọi từ những nơi chốn kém chất lượng. Ấp ủ mong muốn đồng hành cùng người dùng trong quá trình tìm kiếm địa điểm, đặt lịch hẹn và ghi lại những đánh giá thực tế; đồng thời hỗ trợ chủ cơ sở làm đẹp quảng bá hình ảnh và quản lý đặt lịch tiện lợi hơn, Lookme đang từng bước xây dựng hệ sinh thái làm đẹp của mình.”

Với quan điểm “làm đẹp là chuyện không của riêng ai”, đội ngũ Lookme luôn lắng nghe và tiếp thu đóng góp của người dùng, điều chỉnh giao diện và tối ưu quy trình nhằm nâng cao tốc độ tìm kiếm và đơn giản hoá mọi thủ tục rườm rà. Đến nay, startup này phát triển không ngừng với hơn 6.000 điểm làm đẹp và hệ thống thông tin đa dạng từ website đến app.

Oanh Phạm ( Tổng hợp)