10 nhà sáng lập bị sa thải khỏi chính công ty của mình
Bạn là người thành lập công ty, nhưng không phải lúc nào bạn cũng là ông chủ. Khi công ty phát triển, bạn phải quan tâm đến ý kiến của những người khác bởi lúc này bạn không còn là người duy nhất điều hành công ty nữa.
Nhưng thật không may, một số nhà phát minh và doanh nhân nổi tiếng đã không thể làm tốt điều đó, khiến cho công ty bị tuột khỏi tầm tay họ. Dưới đây là 10 nhà sáng lập nổi tiếng đã bị đuổi ra khỏi chính công ty của mình.
1. Steve Jobs, Apple
Mặc dù luôn được công nhận vì trí tuệ và sự nhanh nhạy của mình, Steve Jobs cũng được biết đến với tính tình nóng nảy và khó hợp tác. Jobs quá chi li trong từng chi tiết và không nghĩ đến cảm xúc của người khác, điều này đủ để khiến ông mất vai trò lãnh đạo của mình trong công ty.
Trong những năm 1980, hội đồng quản trị của Apple nhận thấy Jobs quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để điều hành công ty, vì thế, Jobs đã đích thân tuyển CEO của Pepsi là John Sculley. Tuy nhiên, sau nhiều khác biệt và bất đồng trong ý kiến, vào năm 1985, Sculley đã thuyết phục hội đồng để cho Jobs rời khỏi công ty.
Nhưng chỉ hơn một thập kỷ sau, công ty đã thuê lại Jobs khi mua lại công ty khởi nghiệp NeXT của ông.
2. Jack Dorsey, Twitter
Năm 2006, Jack Dorsey, Evan Williams, Biz Stone và Noah Glass đã tung ra Twitter. Trong những ngày đầu công ty mới thành lập, Dorsey đã giành được chức CEO, nhưng không lâu sau, trong công ty xuất hiện những cuộc bàn tán về phong cách quản lý kém, thiếu thông tin liên lạc với các thành viên hội đồng quản trị và thiếu khả năng khắc phục sự cố hỏng máy chủ của ông.
Nhân viên nói rằng Dorsey không thể truyền cảm hứng làm việc cho họ, bởi ông tham gia các lớp học may và lớp yoga khi đang đảm nhiệm một startup trong Silicon Valley.
Dorsey rời khỏi phòng làm việc từ rất sớm để tham gia những lớp học đó, ảnh hưởng đến tinh thần của các nhân viên, mặc dù ông có trở lại công ty để làm việc vào buổi tối thì cũng không có ai biết bởi khi đó hầu hết nhân viên đều đã tan làm.
Năm 2008, Dorsey bị sa thải bởi người đồng sáng lập Evan Williams, nhà đầu tư chính của công ty và cũng là chủ tịch. Nhưng cuối cùng, Dorsey đã được trở lại công ty vào năm 2015 để tìm phương hướng giải quyết khó khăn mà Twitter gặp phải lúc này.
3. Travis Kalanick, Uber
Trong suốt năm 2017, thế giới đã được theo dõi ngày càng nhiều các tranh cãi về Uber được làm sáng tỏ. Từ những cáo buộc quấy rối tình dục đến việc tự lái xe và các vụ kiện với Google, những vấn đề tai tiếng của công ty này vẫn không kết thúc.
Cụ thể, hãng kinh doanh ứng dụng gọi xe này đã đối mặt với vô số chỉ trích về cách đối xử với nhân viên nữ sau khi một cựu nhân viên tiết lộ trải nghiệm đau buồn của cô tại Uber. Sự cố dẫn tới 2 cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ 215 khiếu nại về các hoạt động quấy rối cũng như những cáo buộc khác.
Vụ việc này giáng một đòn nặng nề đến Uber khi nhiều lãnh đạo cấp cao của Uber phải lần lượt từ chức, kể cả một vị quản lý mảng kỹ thuật từng quấy rối tình dục nhân viên nữ ở cơ quan cũ. Người sáng lập kiêm CEO Kalanick được yêu cầu từ chức vào năm 2017 để công ty có thể bắt đầu sửa chữa danh tiếng đã bị phá hỏng của mình.
4. Andrew Mason, Groupon
Vào năm 2013, nhà đồng sáng lập Groupon và là cựu CEO, Andrew Mason, đã bị sa thải khỏi trang web giao dịch hàng ngày sau 4 năm rưỡi thành lập.
Dưới sự lãnh đạo của Mason, cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh và doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng. Mason phải chịu trách nhiệm về tình trạng tài chính nghèo nàn của công ty và sau khi bị sa thải, ông đã tuyên bố với nhân viên của mình rằng:
“Sau bốn năm rưỡi căng thẳng nhưng tuyệt vời với tư cách là CEO của Groupon, tôi đã quyết định sẽ dành nhiều thời gian hơn với gia đình của tôi. Chỉ đùa thôi – hôm nay tôi bị sa thải.”
5. Jerry Yang, Yahoo
Trong năm 2008, sau khi chống lại sự thâu tóm của Microsoft và thất bại trong việc hợp tác với Google, nhà đồng sáng lập Yahoo, Jerry Yang, đã từ bỏ chức vị CEO của mình để trở về vị trí trong Ban quản trị của công ty.
Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau đó, Yang đã từ chức khỏi công ty hoàn toàn khi các cổ đông của công ty đang tìm cách bán lại công ty – một động thái mà Yang hoàn toàn phản đối.
6. David Neeleman, JetBlue
Năm 1999, David Neeleman thành lập JetBlue và thậm chí không đến một thập kỷ sau đó, vào năm 2007, ông đã bị sa thải khỏi công ty sau một số thăng trầm, đặc biệt là sự cố JetBlue khét tiếng đã xảy ra vào ngày 14 tháng 2 năm 2007. Khi một cơn bão tấn công Bờ Đông, hãng hàng không này đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của cơn bão và thay vì hủy chuyến bay sớm như các hãng hàng không khác, công ty đã giả định sai rằng cơn bão sẽ qua.
Do quyết định tồi tệ này, hơn 1.000 hành khách JetBlue đã bị mắc kẹt tại các sân bay và trong máy bay, và vấn đề này tiếp diễn trong vòng năm ngày liền, dẫn đến dịch vụ khách hàng kém và sự bất mãn của hành khách. Đáp lại, Neeleman nói với báo chí rằng anh ta “bị làm nhục và xấu hổ”, tuy nhiên điều đó không đủ để giữ anh ta ở lại công ty. Công ty đã sa thải Neeleman ngay sau vụ việc này.
7. Mark Eberhard, Tesla
Trong khi nhiều người nghĩ rằng Elon Musk là bộ não đằng sau dòng xe hơi sang trọng thân thiện với sinh thái Tesla, thì người sáng lập thực sự của nó là Martin Eberhard. Eberhard đồng sáng lập Tesla vào năm 2003 và là Giám đốc điều hành của công ty cho đến năm 2007, khi ông bị sa thải bởi Musk, người chỉ là chủ tịch vào thời điểm đó.
Sau một cuộc họp hội đồng quản trị loại trừ Eberhard, cựu CEO đã nhận được một cú điện thoại từ Musk nói rằng ông sẽ không còn là giám đốc điều hành của công ty nữa.
Eberhard nói với báo chí: “Không có cuộc thảo luận nào diễn ra cả. Tôi không nghe được những gì họ nói. Tôi không bảo vệ bản thân mình. Tôi cảm thấy hoàn toàn bị mắc kẹt.”
Bởi vì cuộc họp riêng đã vi phạm luật pháp, Eberhard không thể bị sa thải và thay vào đó được gọi là chủ tịch công nghệ, một vị trí mà ông không chịu trách nhiệm hoặc kiểm soát.
8. Rob Kalin, Etsy
Năm 2008, 3 năm sau khi Etsy được thành lập, người đồng sáng lập và sau đó là CEO Rob Kalin đã từ chức giám đốc điều hành của mình. Ông đã thuê Maria Thomas, phó chủ tịch cấp cao về truyền thông kỹ thuật số tại National Public Radio, để tiếp quản vị trí này.
Tuy nhiên, hai năm sau, Kalin lại cầm quyền, lấy lại chức danh CEO. Không lâu sau đó, công ty đã sa thải Kalin khi anh vật lộn để mở rộng quy mô công ty. Kalin được thay thế bởi CTO Chad Dickerson của công ty.
9. Dov Charney, American Apparel
Tương tự như Kalanick của Uber, sự sụp đổ của Dov Charney ở American Apparel cũng gây tai tiếng và được công bố rộng rãi. Vào năm 2014, Charney bị trục xuất khỏi công ty vì hành vi sai trái của mình. Bằng chứng về hành vi tình dục sai trái của Charney đã nổi lên, cũng như những tin đồn liên tục bên trong công ty, cuối cùng dẫn đến việc anh ta bị sa thải.
Sau khi bị sa thải, công ty giữ anh ta như một nhà tư vấn nhưng không lâu sau đó, khi nỗ lực thất bại trong việc mua lại phần lớn quyền sở hữu công ty của Charney để được đưa ra ánh sáng, American Apparel đã chính thức đuổi việc anh ta.
10. George Zimmer, Men’s Wearhouse
Người đồng sáng lập của Men’s Wearhouse, George Zimmer, đã không thể rời công ty của mình một cách tốt đẹp. Vào năm 2013, Zimmer đã bị sa thải khỏi công ty, và theo Zimmer, đó là bởi vì hội đồng quản trị đã không lắng nghe những mối quan tâm của ông ấy.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố của công ty, Zimmer không ủng hộ Giám đốc điều hành của công ty, một vị trí mà ông đã từ bỏ hai năm trước. Thay vào đó, Zimmer ủng hộ những thay đổi mạnh mẽ có lợi cho ông và giúp ông giành lại quyền kiểm soát công ty.
Linh Nguyễn Lê (theo Entrepreneur)