10 lý do khiến công ty khởi nghiệp giống như một đứa con bé bỏng
Một công ty khởi nghiệp công nghệ chẳng khác nào một đứa trẻ sơ sinh và các nhân viên đều là những thành viên trong một gia đình chung tay chăm sóc cho đứa bé. Đây chính là 10 lý do giải thích tại sao công ty khởi nghiệp chính là “đứa con” của nhà khởi nghiệp.
1. Công ty là “đứa con” được tạo ra từ chất xám của bạn
Bạn chính là người khởi tạo công ty từ con số 0. Bạn đã phải nuôi dưỡng ý tưởng ban đầu cho đến tận khi nó trở thành một công ty hoàn thiện. Điều này đặc biệt đúng khi bạn có ý định tạo ra sản phẩm công nghệ mang tính đột phá mà thế giới chưa từng thấy trước đây.
2. Lớn lên
Giống như nuôi nấng một đứa trẻ, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện khi chứng kiến công ty của bạn từng bước lớn mạnh và đạt được thành công.
3. Nỗi đau
Việc nuôi nấng một công ty khởi nghiệp chẳng hề dễ dàng chút nào. Trên thực tế, việc này còn khó khăn hơn bạn dự định lúc ban đầu rất nhiều. Chắc hẳn bạn đã bị bủa vây bởi hàng tá những câu chuyện về nỗi cực nhọc này. Tuy nhiên, phải đến khi bạn bắt tay vào xây dựng công ty bạn mới thực sự cảm nhận được nỗi khó khăn này.
4. Sự chăm sóc không ngừng nghỉ
Công ty khởi nghiệp giống như một đứa trẻ, bạn có trách nhiệm phải túc trực bên nó để chăm sóc cho dù nó có khóc lóc lúc nửa đêm hay vào cuối tuần. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, bạn vẫn phải ở bên cạnh nó.
5. Sự phụ thuộc hoàn toàn
Ít nhất là trong giai đoạn đầu, công ty sẽ phụ thuộc vào bạn hoàn toàn và tuyệt đối. Cần phải có thời gian để công ty có thể tự bước đi trên đôi chân của mình và tự mình vận hành mà không cần hướng dẫn quá nhiều.
6. Tình yêu không điều kiện
Sẽ có những quãng thời gian cực kỳ gian khổ. Tuy rằng sẽ có những ngày bạn hối hận vì đã bắt đầu khởi nghiệp, thế nhưng đa phần những ngày khác bạn sẽ yêu thương và cảm giác rằng bạn không thể sống thiếu nó. Trên thực tế, tình yêu thương của bạn dành cho công ty sẽ lớn dần. Giữa bạn và công ty sẽ hình thành một liên kết tưởng chừng như không bao giờ có thể tan vỡ.
7. Niềm đam mê và sự tận tâm vô điều kiện
Bạn sẽ sẵn sàng lầm tất cả mọi thứ để chăm sóc cho đứa con/ công ty khởi nghiệp của bạn. Dù đó là dọn rác, lau sàn, săn hàng giảm giá và rất nhiều việc vô danh khác.
8. Tình bạn và đồng nghiệp
Bạn sẽ thấy khó chuyện trò với những người bạn hay những người đồng nghiệp không có công ty khởi nghiệp bởi lẽ giữa bạn và họ không có cùng kinh nghiệm.
9. Niềm tự hào
Bạn sẽ cảm thấy vô cùng tự hào khi công ty của bạn đạt được thành công. Những nếu có ai đó dèm pha về nó, bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
10. Di truyền
Bạn sẵ bắt đầu nhận thấy được điểm tương đồng giữa bạn với công ty của mình. Không chỉ năng lực mà cả những sai lầm của bạn đều sẽ được phản ánh qua sự phát triển của công ty.
Cuối cùng, quá trình này sẽ khiến bạn nhận thấy rằng rất đáng để khởi nghiệp và thậm chí bạn sẽ sẵn sàng khởi nghiệp một lần nữa. Với vai trò là một doanh nhân trong ngành công nghệ, các nhà khởi nghiệp đã học được cách lắng nghe và cách tiếp thu những quan điểm, tư duy mới, những lời khuyên từ các nhà đầu tư, nhà cố vấn, các đồng nghiệp và thậm chí là những người bạn. Thế nhưng, rốt cục, khi phải đưa ra quyết định, nhà sáng lập vẫn là người đóng vai trò chủ chốt.
Với tư cách là những nhà sáng lập, chúng ta có thể sống và thở 24/7 với công ty khởi nghiệp của mình. Không có một ai có thể hiểu rõ doanh nghiệp hơn các nhà sáng lập. Họ mới là cha đẻ của công ty khởi nghiệp và họ mới là người có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Tất cả những người khác chỉ đóng vai trò là “ông bà” và chỉ có nhiệm vụ là chăm sóc và đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm sống của họ.
Tuy nhiên, nhà sáng lập không được phép để niềm tin, giá trị và quan điểm cá nhân ảnh hưởng tới quyết định về những điều tốt nhất dành cho công ty khởi nghiệp của họ.
Hoàng Kim Dung (Theo Forbes)