Ngạo mạn và khiêm tốn, hai mặt đối lập trong 1 tính cách người lãnh đạo xuất chúng? (phần 2)
Bài 2: Cách nào hài hòa giữa hai tính cách trái ngược?
Khiêm tốn và ngạo mạn là hai khái niệm của người phương Tây khi nói về tính cách của mỗi con người. Ở phương Đông có khái niệm “biết nhu biết cương, trăm trận trăm thắng”, người thủ lĩnh của mỗi doanh nghiệp dù có quy mô to hay nhỏ nếu biết hài hòa 2 tính cách này thiết nghĩ sẽ chèo lái được con thuyền của mình tới bến bờ thành công.
Vậy khi nào cần khiêm tốn?
1. Khiêm tốn trong ý tưởng cũng chính là ngạo mạn để bảo vệ được ý tưởng của mình.
Hãy cùng xem xét trường hợp của Rufus Griscom, nhà sáng lập trang bí quyết nuôi dạy con cái Babble. Khi sắp sửa mở ra Babble, ông đã làm một điều chưa từng thấy trong lịch sử khởi nghiệp: ông đã đưa ra những lí do 3 lí do các nhà đầu tư không nên đổ tiền vào công ty ông; đổi lại, ông rời phòng họp với 3,1 triệu đôla Mỹ tiền vốn năm đó. Hai năm sau, ông đem Babble lên bàn đàm phán với hãng phim hoạt hình Disney, không quên kèm theo một phần trình bày có tựa đề “5 Lí do Không nên Mua Babble”, thế là Babble trở thành 1 phần của Disney với giá 40 triệu đôla Mỹ.
Trong những sự kiện trên, bằng cách trình bày một cách chân thật những điểm bất lợi trong ý tưởng, Rufus đã khiên những điểm lợi thế trở nên đáng tin hơn. Cùng với đó, thẳn thắn thừa nhận vấn đề cũng khiến các nhà đầu tư khó từ chối đề nghị hơn – càng khó chừng nào thì họ càng thấy việc mua bán là hợp lí chừng đấy. Kết quả cuối cùng? Các nhà đầu tư gật đầu, không quên đề ra giải pháp khắc phục những vấn đề.
Lẽ dĩ nhiên là cách này đôi lúc sẽ không hiệu quả, như khi phỏng vấn xin việc. Dù vậy, các nhà tuyển dụng sẽ muốn tuyển người trả lời thành thật câu hỏi về khuyết điểm hơn một người đáp lại rằng “khuyết điểm của tôi gồm làm việc quá chăm chỉ và bận tâm quá nhiều”. Tuy nhiên, cùng đừng thật thà quá mà nói rằng “tôi thất nghiệp và vẫn sống với bố mẹ”.
2. Khiêm tốn trong quá trình làm việc và hiệu quả làm việc để thu nhận phản biện, hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình.
Điều này có nghĩa là thẳng thắn thừa nhận những lần không đạt mục tiêu, những sai lầm, thậm chí những lần thất bại thảm hại đến sấp mặt. Nhà khoa học Melanie Stefan đã chỉ ra một thực tế nhãn tiền là tiểu sử cũng như sơ yếu lí lịch của chúng ta chỉ nhấn mạnh đến thành tựu – đồng nghĩa với việc chúng ta không đề cập đến những khó khăn và vấp ngã.
Để phản hồi với nhận định trên, một giáo sư ở Đại học Princeton đã làm một bản “lí lịch thất bại” liệt kê tất những chương trình học thuật từ chối ông, tất cả những tòa báo đã từ chối ông, tất cả những hội nhóm không thu nạp ông, và tất cả những giải thưởng lảng tránh ông – vị giáo sư này đã và đang “than phiền” khi sức hút của bản lí lịch này còn hơn tất cả những công trình học thuật của ông gộp lại.
Ngay cả những người lãnh đạo cũng muốn khiêm tốn trong công việc. Tại Facebook, Phó Giám đốc phụ trách Tiếp thị Carolyn Everson đã đăng bản kết quả cấp trên đánh giá công việc của bà lên nhóm Facebook nội bộ để các thành viên trong nhóm – tới 2.400 thành viên – cùng đọc. Carolyn muốn mọi người hiểu rằng bà không hoàn hảo và vẫn đang hoàn thiện bản thân.
Bà nghĩ rằng mọi người sẽ phản hồi chính xác hơn nếu nếu bà để cả nhóm biết rằng bà đang cố gắng cải thiện. Bà không biết rằng thái độ khiêm tốn của bà đã lan sang những thành viên khác: các quản lí cũng làm tương tự như Carolyn, và họ đều nhận thức được điều đó sẽ củng cố văn hóa học hỏi và phát triển trong nhóm.
Động thái này phù hợp ở mọi tầng lớp – không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn cả ở cấp thấp hơn: những nhân viên mong muốn nhận phản hồi tiêu cực lại được đánh giá là hiệu quả hơn – họ cho thấy họ muốn học hỏi và tự đặt mình vào một vị thế thuận lợi để học hỏi.
3. Khiêm tốn trong văn hóa công ty, không đề cao quá mức nhưng phải có bản sắc riêng của mình.
Rất nhiều doanh nghiệp đặt tiêu chí văn hóa công ty lên đầu khi tuyển dụng nhân lực. Tại Thung lũng Silicon, các công ty khởi nghiệp đề cao khả năng nhân viên tương thích với văn hóa công ty thường ít gặp thất bại và nhiều khả năng cổ phần hóa hơn. Tuy nhiên, sau đợt đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), các công ty này lại phát triển chậm hơn những công ty tuyển người dựa trên năng lực và tiềm lực.
Tuyển dụng dựa trên văn hóa công ty thường phản ánh sự đề cao quá mức văn hóa công ty: nó cho rằng văn hóa công ty đã hoàn hảo, và doanh nghiệp chỉ cần chiêu mộ những người sẽ duy trì văn hóa đó. Các nhà xã hội học chỉ ra rằng khi văn hóa công ty được đề cao quá mức, doanh nghiệp sẽ tuyển toàn những người tương tự nhau và sẽ không có được sự đa dạng trong suy nghĩ và tầng lớp xuất thân – về lâu dài, điều này sẽ khiến các thành viên không mạnh dạn đưa ra quan điểm cá nhân mà chỉ phụ thuộc vào tư duy tập thể.
Trong khi đó, sự khiêm tốn trong văn hóa công ty nghĩa là nhận ra rằng văn hóa công ty vẫn còn khả năng phát triển. Khi Larry Page trở lại làm Giám đốc Điều hành của Google, ông đã nói rằng ông không muốn công ty của ông trở thành “bảo tàng văn hóa”. Thật vậy, những nền văn hóa vĩ đại thường tiến hóa thay vì được gìn giữ.
Một ví dụ khác: tại công ty thiết kế sáng tạo IDEO, các thành viên đều chú trọng đến “đóng góp văn hóa” (một cụm từ do Diego Rodriguez, đối tác trước đây của IDEO, nghĩ ra) thay vì “hòa hợp văn hóa”. Công ty mong muốn tuyển những người làm cho văn hóa công ty đa dạng hơn bằng cách bổ sung những yếu tố còn thiếu. Đây là một chiến lược mà các công ty cần tái định hình sau một lăm làm việc, vì những yếu tố còn thiếu sẽ thay đổi theo thời gian.
Trở lại với trường hợp của IDEO: sau quá trình thiết kế con chuột cho máy tính Apple, công ty tham gia vào các dự án đa dạng hơn – từ định dạng kĩ thuật số cho chương trình thiếu nhi Sesame Street đến thiết kế lại xe đẩy hàng trong các cửa hàng tạp hóa. Lúc đó, họ nhận thấy rằng dù họ có những nhà thiết kế tài năng, họ lại thiếu một lực lượng chuyên đi khác thác thị hiếu để tinh chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp; vì thế, họ đã bổ sung một vị trí mới trong đội ngũ công ty: nhà nhân chủng học, đồng thời tìm người cho vị trí này.
Sau khi thu được những lợi ích nhất định từ việc tuyển dụng vị trí nhà nhân chủng học, các thành viên IDEO lại một lần nữa tìm kiếm những yếu tố còn thiếu để bổ sung cho văn hóa công ty và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Lần này là những người kể chuyện: những cá nhân có khả năng truyền tải thông điệp đến giới thiết kế và khách hàng. Thế là những nhà biên kịch và cánh phóng viên trở đối tượng tuyển dụng.
Đúc kết từ những ví dụ trên, khoảnh khắc một người thích thú và khao khát một bối cảnh mới, một kĩ năng mới, hay một trải nghiệm mới chính là lúc họ cần làm mới bản thân – và quá trình đó đòi hỏi họ hạ mình để tiếp thu cái mới.
Ngay cả khi một người không bắt đầu sự nghiệp trong tư thế của một kẻ ngạo mạn, ý niệm thành công vẫn có thể xuất hiện trong tâm thức của người đó. Để duy trì tính khiêm tốn, một người cần ở bên cạnh những người khiến người đó luôn thành thật, những người sẽ nói với người đó sự thật mất lòng nhưng đáng nghe, và những người khiến người đó phải chịu trách nhiệm nếu người đó không lắng nghe họ.
Như trường hợp của Steve Jobs: ông có tham vọng to lớn trong việc xây dựng một công ty vĩ đại. Thế nhưng sau thất bại của máy tính Mac năm 1985, ông bỏ ngoài tai những chỉ trích về các vấn đề cần thay đổi; kết cục là ông bị sa thải khỏi chính “đứa con doanh nghiệp” của mình.
Những đối tác thân cận với Steve Jobs cho biết ông đã trở nên khiêm tốn hơn khi trở lại Apple vào năm 1997. Chính bản thân Steve Jobs, khi hồi tưởng về công cuộc hồi sinh Apple, đã tâm sự :”Tôi khá chắc rằng toàn bộ quá trình khôi phục này sẽ không diễn ra nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple trước đó. Đó là một trải nghiệm khó chấp nhận, nhưng tôi nghĩ nó rất cần thiết cho người trong cuộc.”. Tất nhiên, “người trong cuộc” đó chính là Steve Jobs.
Câu nói ấy của Jobs cũng đồng nghĩa với “Tôi tin bản thân có thể làm được những điều phi thường, và tôi luôn học hỏi một thứ gì đó.”.
Nếu bạn làm việc với một người ngạo mạn, đừng cố gắng hạ thấp sự tự tin của họ, mà thay vào đó hãy “cảm hóa” họ bằng sự khiêm tốn: thay vì bảo rằng “họ chẳng vĩ đại hoặc xuất sắc”, hãy nhắc họ nhớ rằng họ cũng là con người, rằng họ không đơn độc khi thành công, và rằng những cá nhân xuất sắc nhất khác phần còn lại ở chỗ họ luôn cố gắng để trở nên tốt hơn.
Quốc Huy