Microsoft và Linux: Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn
Chuyện yêu ghét không phải là cảm xúc của riêng cá nhân nào mà nó liên quan mật thiết đến chiến lược kinh doanh, vì các lợi ích kinh tế, tầm nhìn của các lãnh đạo. Một cặp kẻ thù ‘không đội trời chung’ như Microsoft và Linux cũng sẽ trở thành ‘người nhà’ nếu như điều đó mang lại lợi nhuận.
Linux là một kẻ phá bĩnh với đế chế Microsoft. Nó đi ngược lại tất cả các ý tưởng và nền tảng của Microsoft. Khi Microsoft bán Windows giá cao thì Linux cho dùng miễn phí. Microsoft muốn độc quyền, Linux kêu gọi cộng đồng tự do. Ngay từ thời Bill Gates, Microsoft không khi nào giấu diếm ý định xóa sổ Linux. Cựu CEO Ballmer gọi Linux là “một căn bệnh ung thư”.
Nhưng, thời thế đã thay đổi, chúng ta đã thấy một sự chuyển biến ngoạn mục. 15 năm sau khi CEO Steve Ballmer lớn tiếng miệt thị Linux là ‘ung nhọt’, Microsoft bất ngờ ra mắt hệ thống tính năng hỗ trợ đầy đủ các phần mềm Linux trên Windows, gọi là Windows Subsystem for Linux (WSL). Ngay sau khi bước vào vai trò CEO mới, Satya Nadella nói rằng Microsoft yêu Linux, và đó không phải là một tình yêu ‘tự nhiên’.
Nền tảng IoT Azure Sphere của Microsoft va phải một đối thủ cứng cựa – Amazon. Amazon đang làm mưa làm gió trên thị trường IoT và hệ thống của Amazon sử dụng Linux.
Micorsoft muốn lôi kéo khách hàng và cạnh tranh với Amazon, không có cách nào tốt hơn là cũng phải dùng Linux, để các nhà phát triển đang quen với Linux trên Amazon khỏi bị bỡ ngỡ khi chuyển sang Microsoft.
Nhiều nhà phát triển và thiết kế web cho rằng Linux và macOS có các công cụ tạo phần mềm, website tốt hơn. Nhiều người thích Windows vẫn thường xuyên dùng máy chạy OS khác, như là các máy chủ chẳng hạn. Microsoft cũng không muốn tiếp tục đánh mất khách hàng tiềm năng.
Năm 2017, bản phân phối Linux có mặt trên Microsoft Store. Người dùng Windows có thể tải các bản Ubuntu, Fedora và openSUSE để dùng mà không cần cài lại máy hay dùng máy ảo. Đó là cách để Microsoft khắc phục cả 2 vấn đề
Năm 2016, Microsoft tham gia Linux Foundation ở cấp độ thành viên kim cương, là một trong những thành viên chi nhiều tiền nhất. Google, chủ của Android và Chrome OS dựa trên Linux, chỉ là thành viên bạc. Red Hat, công ty mã nguồn mở kiếm được nhiều nhất cũng tương tự.
Như nhiều nhà phát triển phần mềm khác, Microsoft cũng tận dụng nhiều dự án mã nguồn mở của mình. Đầu tư vào Linux Foundation là cách để họ hỗ trợ những dự án này. Cái tên đặt trên đỉnh cũng mang lại cho họ nhiều danh tiếng. Chính những nhà phát triển phần mềm, những người quan tâm tới việc ai là thành viên của Linux Foundation, là những nhân viên tiềm năng mà Microsoft muốn gây chú ý.
Thực tế cho thấy, Micrsoft đang bị bỏ lại đằng sau cuộc chơi. Apple đã chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh vào năm 2007, và Google nối tiếp thành công của Apple bằng một hệ điều hành di động nguồn mở và ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. Microsoft vẫn tạo ra một phiên bản di động của Windows nhưng không được mấy người quan tâm. Các dịch vụ Internet phổ biến nhất trên thế giới không sử dụng Windows để cấp nguồn cho mạng của họ.
Ngay cả trên thị trường máy tính để bàn vốn là thế mạnh của mình, Microsoft cũng không thu hút được nhiều người dùng nhưu trước đây nữa. Nhiều người lựa chọn sử dụng Google Docs hoặc LibreOffice thay vì trả tiền cho Office 365 của Microsoft.
Với sự phát triển đột phát của điện thoại và máy tính bảng, rất nhiều người đã không còn sử dụng máy tính để bàn hay các dịch vụ của Window nữa.
Microsoft đã thực hiện việc thay đổi này hoàn toàn không phải do ý muốn CEO hay chỉ vì các nhân viên của công ty muốn thế. Giống như bất kỳ công ty thương mại nào, đó là quy luật tự nhiên của thị trường. Microsoft muốn tồn tại, phát triển và xa hơn nữa là tham vọng định hình thị trường công nghệ, lấy lại ngôi bá chủ trước kia thì việc Microsoft bắt tay với Linux hay bất kì công ty nào khác cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Trong giới kinh doanh, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi nhuận mới là vĩnh viễn.
Dương Quán Hạ