Trong hai thập niên 80 và 90 của thế kỉ 20, các tập đoàn công nghệ và nhà đầu tư đều huy động tiền thông qua những đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (Initial Public Offerings – IPO). Các đợt IPO nghiễm nhiên trở thành mục tiêu kinh doanh tối thượng của mọi công ty khởi nghiệp trong thời gian đó.

Việc chuyển cổ phiếu khó luân chuyển của công ty thành tiền mặt đòi hỏi sự hợp tác với các ngân hàng đầu tư hàng đầu, và sự hợp tác này chỉ diễn ra với những công ty có 5 quý kinh doanh với lợi nhuận tăng dần.

Để đạt được điều đó, các công ty phải có khả năng bán sản phầm của mình chứ không chỉ đơn thuần thu hút những người dùng miễn phí hoặc phát triển ứng dụng hay nhưng miễn phí các chức năng cơ bản. Để có thể thuyết phục người dùng trả tiền, các công ty phải tạo ra sản phẩm ổn định và tổ chức một đội ngũ bán hàng có khả năng bán được hàng.

Các nhà sáng lập có thừa sự sáng tạo, nhưng họ lại thiếu sự tự chủ cũng như năng lực để duy trì tăng trưởng lợi nhuận, và họ cũng thiếu luôn cả kinh nghiệm và sự tín nhiệm để điều hành một công ty lớn – vốn là tương lai của mọi công ty khởi nghiệp trong tâm tưởng nhiều người.

Đối với các ngân hàng đầu tư, sự tín nhiệm là rất quan trọng trong những đợt IPO. Một trong những công việc tiến hành trong các đợt IPO là các chủ ngân hàng sẽ đưa Tổng Giám đốc và Giám đốc Tài chính đi khắp đất nước và giới thiệu họ với các nhà đầu tư tổ chức (institutional investor), và các nhà đầu tư này không hề muốn đổ tiền vào một công ty khi người đứng đầu là một nhà sáng lập thiếu kinh nghiệm.

Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, những người thường kiểm soát phần lớn cổ phần và vị trí trong ban lãnh đạo, những nhà sáng lập non kinh nghiệm là một vấn đề cần giải quyết nếu như công ty muốn lên sàn IPO và thu lợi từ đó.

Vì thế, sau khi một sản phẩm đã tạo được chỗ đứng, giới đầu tư mạo hiểm thường đẩy các nhà sáng lập ra đường và thay họ bằng các lãnh đạo kinh nghiệm đầy mình từ các tập đoàn lớn để thúc đẩy tăng doanh số, xây dựng một tổ chức đúng nghĩa (bao gồm cả phòng Nhân sự có khả năng ngăn chặn những tai tiếng như ở Uber), và duy trì các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Ví dụ nổi tiếng nhất cho tình huống trên chính là hãng công nghệ Apple, dù cho bối cảnh có hơi khác một chút. Vào đợt IPO năm 1980, Steve Jobs vẫn còn làm việc ở vị trí Phó Giám đốc Điều hành và Phó Chủ tịch ở một công ty mới thành lập được bốn năm rưỡi, chủ yếu vì ông có khả năng truyền tải được tầm nhìn về sự phát triển của công nghệ máy tính.

Tuy nhiên, vì ông và người đồng sáng lập Steve Wozniak đã nhiều lần nhận vốn từ các nhà đầu tư mạo hiệm cho đến thời điểm đó, cả hai người họ chỉ nắm 23% cổ phần của Apple, và Job cũng có ít đồng minh trong ban quản trị sáu người.

Không ngạc nhiên khi Jobs bị sa thải và thay thế bằng Chủ tịch của tập đoàn PepsiCo lúc ấy là John Sculley vào năm 1985. Điều đáng ngạc nhiên là Jobs vẫn ở lại công ty trong suốt khoảng thời gian cho đến khi bị sa thải.

Dù thế, cung cách sa thải nhà sáng lập như thế này vẫn có những ngoại lệ đáng chú ý. William Hewlett và David Packard đã thành lập hãng máy tính Hewlett-Packard (HP) vào năm 1933 – rất lâu trước khi lĩnh vực đầu tư mạo hiểm hiện đại xuất hiện, vì thế họ nắm quyền kiểm soát tập đoàn suốt hàng thập niên.

Về phần Microsoft, hãng thành lập vào năm 1975 và nhanh chóng ăn nên làm ra đến nỗi không cần nhận vốn đầu tư mạo hiểm; sau khi lên sàn IPO, hai nhà sáng lập Bill Gates và Paul Allen, cùng với Steve Ballmer nắm 85% cổ phần của tập đoàn, trong khi nhà đầu tư mạo hiểm của tập đoàn chỉ có vỏn vẹn 4,4%.

Tương tự với tập đoàn thương mại điện tử Amazon: CEO Jeff Bezos của tập đoàn này giữ 48,3% cổ phần khi Amazon lên sàn IPO vào năm 1997, và đến nay thì số cổ phần của Bezos nhiều gấp ba lần so với cổ đông tổ chức lớn nhất của Amazon. Song, cho đến gần đây, việc sa thải nhà sáng lập vẫn là bước đầu trong quá trình phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu của các công ty khởi nghiệp.

Động thái này không phải là không có cơ sở lí thuyết vững chắc. Giới đầu tư mạo hiểm cố gắng giảm thiểu chi phí đại diện và những mối nguy về đạo đức xảy ra khi nhà sáng lập có nhiều thông tin về nội tình công ty hơn so với ban lãnh đạo. Vì các nhà đầu tư phải chịu hầu hết rủi ro tài chính nếu như công ty khởi nghiệp thất bại, các cổ đông ưu tiên (chủ yếu là chính những nhà đầu tư mạo hiểm) được trao những quyền có tính bảo vệ (như quyền dừng một phần việc kinh doanh của công ty) cũng như đa số ghế trong ban lãnh đạo.

Khi công ty khởi nghiệp nhận nhiều đợt vốn đầu tư mạo hiểm liên tục, các nhà sáng lập thấy rằng quyền làm chủ công ty (và cùng với đó là quyền kiểm soát) suy giảm. Dần dần, Thung lũng Silicon không thiếu những người đã lập ra những ‘gã khổng lồ công nghệ’ nhưng lại dành khoảng thời gian còn lại của sự nghiệp để kể về việc họ bị giới đầu tư mạo hiểm cướp trắng công ty của họ; một số người may mắn hơn thì ở lại công ty với một chức danh khiêm tốn như Giám đốc Công nghệ.

Vì thế, quy luật “công ty phải làm ăn có lãi và thuê một Tổng Giám đốc chuyên quản lí trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng” tồn tại suốt ba thập niên – từ những năm 1970 đến đầu những năm 2000. Trong khoảng thời gian đó, các nhà sáng lập đối mặt với tình trạng “cung không đủ cầu”: nhiều công ty làm ăn có lãi tìm kiếm nguồn đầu tư, trong khi số nhà đầu tư mạo hiểm lại không nhiều. Tình trạng này càng khiến các nhà đầu tư khó tính hơn.

Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, quy luật trên lại bắt đầu thay đổi.

Theo Steve Blank (Quốc Huy dịch)