Chiến thuật cạnh tranh: Bắt chước đối thủ
Câu nói “Hãy tập trung vào việc kinh doanh của bạn, những đối thủ cạnh tranh chỉ khiến bạn sao nhãng thêm mà thôi,” đã không còn áp dụng được nữa.
Mặc dù Snapchat vẫn là một tay chơi có máu mặt trên thị trường mạng xã hội hiện nay, nhưng những nhà quảng cáo và các nhân vật có ảnh hưởng đã dần dần không nhòm ngó đến ứng dụng nhắn tin này nữa.
Theo thông tin CNBC cho biết, Harris Markowitz, một ứng cử viên cho giải thưởng “Nhân vật Snapchat tiêu biểu của năm” đã từ bỏ Snapchat và chuyển qua dùng Instagram. Cổ phiếu của Snapchat cũng giảm mạnh gần 20% kể từ tháng 3 vừa qua.
Nguyên nhân một phần là do Instagram đã chăm chăm sao chép mọi tính năng ‘hay ho’, sáng tạo của Snapchat. Và dùng chính những tính năng ‘nhân bản’ đó cùng lượng người dùng khổng lồ để chèn ép lại Snapchat.
Các công ty startup và các doanh nghiệp nhỏ cần rút ra bài học từ trường hợp này và tìm ra giá trị của mình trước khi bị tụt lại phía sau.
Vậy, “tìm được giá trị của mình” nghĩa là như thế nào? Tức là các doanh nghiệp phải quan sát những đối thủ cạnh tranh và làm tốt hơn những gì họ đang làm.
Tất nhiên, điều này phải được làm cẩn thận: bắt chước đối thủ cạnh tranh mà không hiểu động cơ của họ thì bạn sẽ không tạo ra được một sản phẩm có giá trị. Bạn không thể chỉ nhìn vào những gì người khác làm mà cần phải hiểu được tại sao họ lại làm thế, điều gì khiến họ thành công và phải làm thế nào cho tốt hơn.
Dưới đây là những chiến thuật giúp doanh nghiệp của bạn phát triển và vượt trội hơn những người khác bằng cách bắt chước các đối thủ cạnh tranh.
1. Tìm ra những đặc điểm tốt nhất trong sản phẩm của đối thủ cạnh tranh
Đừng bắt chước một cách mù quáng, hãy nhìn vào những sản phẩm và dịch vụ của những người khác và tìm hiểu những đặc điểm nào giúp nó thành công, và tại sao.
Khi Facebook và Instagram học lỏm Snapchat, họ không sao chép nguyên nền tảng đó, mà chỉ quan sát những tính năng nào được tương tác nhiều nhất – cụ thể như Stories – và từ từ ra mắt phiên bản riêng của mình, sử dụng nền tảng và dữ liệu khách hàng của riêng mình.
Nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom từng nói: “Bạn có thể phải thốt lên rằng chúng tôi đang sao chép lẫn nhau, nhưng đó là cách thung lũng Silicon hoạt động. Vấn đề là ai làm tốt nhất mà thôi.”
Hiten Shah, nhà sáng lập của Kissmetrics, Quick Sprout và Crazy Egg, từng lý giải điều này trên trang web của mình rằng, xu hướng tích hợp nhiều phần mềm trong một sản phẩm (all-in-one) đang khiến cho ngày càng nhiều công ty phải bắt chước nhau một cách có chiến thuật hơn.
“Sản phẩm của bạn sẽ là một bộ công cụ, có nghĩa là nó sẽ trông rất giống rất nhiều những sản phẩm khác,” ông viết.
2. Lắng nghe khách hàng và hiểu được thực sự cần thay đổi cái gì
Tại công ty của chúng tôi, chúng tôi luôn luôn lắng nghe khách hàng và thu thập những phản hồi của họ. Trong nhiều thời điểm, họ sử dụng những sản phẩm cạnh tranh và tìm ra những tính năng họ muốn chúng tôi cung cấp. Việc lắng nghe khách hàng là quan trọng, nhưng nếu bạn cung cấp tất cả những gì người khác yêu cầu, kết quả bạn sẽ ngập trong một mớ sản phẩm hỗn độn.
Thay vào đó, hãy ghi nhận những phản hồi và kiểm chứng lại nhu cầu của họ. Có bao nhiêu người mong muốn tính năng đó? Tính năng này có thể hoạt động như thế nào với sản phẩm hiện có của bạn? Liệu nó có phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của bạn hay không?
Những ngày đầu của công ty chúng tôi, tôi nhận thấy rằng rất nhiều khách hàng không biết làm thế nào để tận dụng hết những giá trị từ sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi đã lắng nghe những phản hồi của họ và đánh giá lại cách truyền đạt của mình cho phù hợp hơn với những kỳ vọng của họ, hơn là chạy theo việc phát triển tính năng theo tất cả yêu cầu của khách hàng.
3. Đừng bao giờ bỏ qua đối thủ cạnh tranh
Bạn không thể không quan tâm tới những đối thủ cạnh tranh của mình trong thị trường phát triển nhanh đến chóng mặt ngày nay. Câu nói: “Hãy tập trung vào việc kinh doanh của chính bạn, những đối thủ cạnh tranh chỉ làm bạn sao nhãng,” đã không còn áp dụng được nữa. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng – chúng ta cần phải quan sát sự cạnh tranh và luôn phải cố nhanh chân hơn một bước trước tất cả những người khác.
Một doanh nghiệp hiểu rất rõ điều này là Intercom, một nền tảng nhắn tin cho khách hàng có cung cấp những ứng dụng về bán hàng, marketing, và các hỗ trợ khác. Khi Drift nhảy vào thị trường này với những sản phẩm trông như “lấy cảm hứng” từ Intercom, hai công ty đã nhanh chóng bắt đầu cuộc đua: khi Drift có thêm được thị phần nào, thì Intercom đã sao chép (và cải thiến thêm) những tính năng tốt nhất của Drift.
Sau đó, khi Drift chuyến hướng sang tập trung vào bán hàng, Intercom tiếp tục theo đuổi chiến lược của Drift. Không phải vì công ty này lười biếng hay không tự chủ, mà họ hiểu được rằng để cạnh tranh trong thế giới phần mềm hiện nay, bạn không thể bỏ qua đối thủ của mình, và bạn phải luôn đi trước họ. Bạn có thể thuyết phục bạn bè của mình rằng bạn làm tốt hơn những người khác chỉ bởi vì bạn là người đầu tiên trên thị trường hoặc bạn có “tầm nhìn” tốt hơn – nhưng khách hàng thì chắc chắn không quan tâm những chuyện đó.
Cuộc đua này còn lâu mới đến hồi kết: mới đây, cả Intercom và Drift đều tung ra những công cụ chatbot mới để cải thiện trải nghiệm của người dùng. Bằng việc chú ý hơn vào cuộc cạnh tranh và chiến thuật chủ động và bị động, cả hai công ty đều đã học được cách cải tiến sản phẩm của mình và biết cách biến mình thành những người đi đầu trong ngành công nghiệp.
Những đối thủ cạnh tranh của bạn luôn có những ý tưởng hay, bạn phải biết cách sử dụng những sự đổi mới của họ để phát triển những mục tiêu của bạn. Trên đây là những chiến thuật để biến nỗi sợ cạnh tranh thành nguồn cảm hứng lớn nhất của bạn.
Bài viết của Matt Smith, nhà sáng lập của công ty Later, một nền tảng marketing cho Instagram.
Niên Hồ (Theo Entrepreneur)