BeeCost là công ty thứ 4 mà đồng sáng lập Hà Tùng gọi vốn Seeding thành công, theo cùng một cách, nên anh tin rằng là cách mình thực hiện và chuẩn bị cho vòng Seeding có thể áp dụng phần nào được cho số đông. Hà Tùng sẽ chia sẻ Step by Step của 4 lần mà anh đã gọi Seeding thành công (trung bình $100K) tại các startup mình đã sáng lập. Hi vọng nội dung này sẽ giúp ích cho các bạn đang ở trong quá trình gọi vốn.

Vì sao mình nói “Bước này bạn hay coi nhẹ” bởi vì với người chưa từng tự nhận vốn đầu tư từ người lạ, thì hay nghĩ rằng những gì cần chuẩn bị là Pitch deck, Financial Projection, …, gặp Investor phù hợp thì sẽ nhận tiền là xong (trên Internet hay nói thế).

Nhưng bạn biết không, với kinh nghiệm của mình, investor đầu tư cho mình không phải là người đầu tiên hay duy nhất tin tưởng và muốn đầu tư, có ba hoặc bốn người như vậy. Những người đã không đầu tư không phải vì không có tiền hay không tin vào mình, có hai lý do chính khi mà đồng ý với nhau rồi mà vẫn bể deal như thường: Thứ nhất là investor có những mục đích phụ khác thông qua việc đầu tư, mà mình không đáp ứng được. Thứ hai là họ muốn giảm rủi ro không muốn đưa một cục tiền lớn ngay, làm như thế thì rủi ro thiếu vốn lại đẩy về bên mình => hai bên không tìm ra cách giải quyết được mâu thuẫn đó.

“Coi nhẹ” ý của mình là nếu mình nghĩ rằng Investor “gật đầu” nghĩa là đã thành công, thì những gì mình chuẩn bị sẽ chỉ là tới cái “gật đầu” ấy. Bằng kinh nghiệm của mình thì sau thời điểm gật đầu, xác xuất thành công mới chỉ 1/3 thôi.

Bài viết này là để mở rộng phạm vi chuẩn bị cho deal đầu tư: Chuẩn bị cho toàn bộ quá trình từ lúc nói chuyện với Investor, cho tới khi tiền đầu tư chui vào tài khoản công ty bạn.

Những gì chúng ta chuẩn bị là dành cả cho Investor, để bao phủ hết những nhu cầu và giải quyết những rủi ro mà họ sẽ phát sinh nếu chuyển tiền đầu tư (không chỉ là đồng ý đầu tư) cho bạn. Không cần chuẩn bị gì cho Investor người không tin bạn làm được điều bạn dự định, tại công ty giai đoạn sớm thì không có niềm tin thì chẳng có gì. Chúng ta tập trung vào người tin tưởng chúng ta, nhưng với investor, tin tưởng khác với việc họ phải chịu rủi ro, vì vậy chúng ta chuẩn bị những phương án để giảm rủi ro và bảo vệ tiền của investor đó.

Để chuẩn bị được tốt, bạn sẽ phải trả lời được tất cả các câu hỏi sau đây, một nhà đầu tư thường sẽ không hỏi hết chúng, nhưng bạn có tới mấy chục người sẽ tiếp cận, họ sẽ quét qua hết những câu này. Sau đây là list các câu hỏi và thông tin BeeCost đã chuẩn bị để trả lời nó
Lưu ý: các con số bên dưới là thông tin tượng trưng.

1. Sau 18 tháng tôi có bao nhiêu tiền? Nếu lúc đó tôi không có đủ ngần ấy thì giải quyết cho tôi thế nào?

Sau 18 tháng, nhà đầu tư sở hữu 20% BeeCost và BeeCost có 500K users, doanh thu duy trì được là $30K liên tiếp 3 tháng sau đó. Với tốc độ này không có gì ngăn chúng tôi tiến tới mức 1 triệu users. Anh có đồng ý là giá trị này ít nhất là gấp 5 lần khoản đầu tư của anh rồi không? Nếu tôi không làm được, founders chúng tôi sẽ cắt 1/5 số cổ phần chúng tôi có cho anh miễn phí, để giá trị sở hữu của anh được tăng lên.
=> Key của điểm này: Chúng mình ko thể nói rõ cụ thể sau 18 tháng investor có bao nhiêu tiền, nhưng đã thuyết phục được investor là đã 500K users thì “khỏi phải nghĩ”, nên ko cần rõ số tiền nữa. Cái cần rõ ở đây được quy về số lượng users. Còn nếu ko đạt được, tuy công ty cũng đã phát triển nhưng so với số tiền investor đã đầu tư hơi bị hớ rồi => Đền anh ta 1/5 số cổ phần mà founders chúng mình có, đó là điều hợp lý.

Thứ cần chuẩn bị: Pitch Deck và Financial Projection để minh họa tầm nhìn, thị trường, tiềm năng, … bla bla – tóm lại là lợi ích lớn thế nào nếu đầu tư vào công ty bạn. Đây chính là hai cái cơ bản mà trên internet vẫn hướng dẫn chúng ta làm, hãy google nhé. Nếu không thể tự làm nó, theo mình bạn sẽ chỉ có thể gọi được vốn từ người thân quen trực tiếp.

2. Founders các anh ko góp tiền, giải quyết thế nào nếu có người bỏ ngang mà vẫn ôm hết cổ phần đang được chia?
Founders chúng tôi đã kí cam kết làm full-time đủ 4 năm cho BeeCost, nếu không đủ thì cứ thiếu ngày nào thì tôi trả lại công ty X cổ phần. Bản cam kết đó đây, hợp đồng đầu tư cũng sẽ nói tới nó và giao cho anh một bản. (Bao gồm các cá nhân founders kí với BeeCost, đóng dấu công ty).
Key của điểm này là investor muốn đặt quyền lợi của công ty vào trung tâm, vì sau khi investor đầu tư thì founders không còn là trung tâm nữa, mà là công ty. Investor sẽ muốn công ty cần được bảo vệ không chỉ trước đối thủ mà còn trước founders (mấy bạn hay quit sớm thì cổ phần trả lại công ty chia cho cổ đông còn lại).

Thứ cần chuẩn bị: Một cam kết kí giữa các founders và công ty, quy định rõ 2 điều: Cách các founders ra quyết định trong trường hợp có tranh cãi + Cách mà 1 founders trả lại cổ phần công ty nếu nghỉ việc sớm. Trong hợp đồng đầu tư cần liên kết với bản cam kết đó và Nhà đầu tư sẽ được giữ một bản này.

3. Tôi muốn mua thêm cổ phần bất cứ lúc nào cũng được chứ, giá bao nhiêu có ưu đãi không?
Nếu anh đầu tư thêm ngần này tiền ở lượt này thì lượt sau tôi giảm giá cho anh 20% nhé. Sao, giảm 30% ah, thôi cũng được nhưng chắc là giảm 25% đi. Key của điểm này là để tăng cơ hội có lãi cho investor, ví dụ tại vòng sau công ty bất ngờ thành công và gọi đc vốn với giá cao hơn, thì investor ban đầu được mua ưu đãi, đó chính là lợi ích của investor.
Hãy support investor có được điều này, nhưng hãy thêm điều khoản có lợi cho bạn: Số lần giải ngân tiền ít đi, đầu tư nhiều tiền hơn chẳng hạn… nói chung hãy đàm phán.

Thứ cần chuẩn bị: Hợp đồng đầu tư có điều khoản ưu tiên mua cổ phần tại lượt đầu tư sau.

4. Làm sao tôi dễ dàng biết các anh đang làm ăn thế nào? Làm sao để tôi tin các thông tin đó là đúng?
Chúng tôi công khai báo cáo tài chính và các số liệu users của BeeCost, đây là nguyên tắc tạo ra các báo cáo. Anh hãy xem đi, tạo ra hệ thống báo cáo minh bạch và phức tạp như vậy chỉ để gian dối thì tôi ngốc quá phải không?
Key của điểm này là Investor muốn nhìn thấy những thông tin thể hiện sức khỏe của công ty định kì, để họ có thể giúp đỡ hoặc hỗ trợ công ty nếu cần. Đây là mong muốn cực kì tốt cho cty từ investor, bạn phải chuẩn bị những quy trình/phần mềm để đo được chỉ số sức khỏe của công ty mình. Có hai phần thể hiện sự minh bạch của báo cáo: một là những con số có tính logic, cái này thì rất dễ để tạo ra, hai là cách tạo ra báo cáo phải có tính chất là hướng về sự minh bạch.
Tại BeeCost, chỉ số sức khỏe trong 18 tháng đầu tiên là số lượng users. Chúng mình dùng một lúc 2 công cụ thể hiện nó: Google Analytics (công cụ của bên thứ 3), và một hệ thống tự thống kê từ dữ liệu của BeeCost, investor nếu muốn có thể xem bất cứ lúc nào. Sự minh bạch này không thể là tuyệt đối (Google Analytics có thể fake được), nhưng cái cách mà chúng mình xây dựng “báo cáo sức khỏe” cho BeeCost là công khai và hướng tới sự minh bạch, đủ để tạo lòng tin cho báo cáo. Nếu báo cáo sức khỏe công ty bạn đang là những file excel rời rạc, thì bạn sẽ không trả lời được tốt câu hỏi này.

Thứ cần chuẩn bị: Mẫu báo cáo sức khỏe của công ty và công khai cách tạo nên mẫu báo cáo đó, tốt nhất là bạn công khai được mối liên hệ giữa những hoạt động thường ngày được tổng hợp và tính vào những con số trên báo cáo thế nào, và gửi kèm những mẫu báo cáo hoạt động chi tiết đó. Tại công ty phần mềm thì dễ rồi, sử dụng các công cụ phổ biến như Google Analytics, Mix Panel, Google Sheets, … Hãy báo cáo tài chính cho công ty mỗi quý và gửi cho Investor. Nhiều khi họ không đọc mấy mà đánh giá cao cái cách mà bạn quản lý thông tin và sức khỏe công ty của họ đầu tư.


5. Nếu làm mất tiền, anh làm thuê cho tôi được không?

BeeCost chúng mình không bị hỏi câu này bao giờ. Nhưng nếu có, mình sẽ trả lời là: Không vấn đề, nếu nó trùng với giá trị mà chúng tôi theo đuổi, chúng ta phải rõ dạng công việc từ đầu, vì nếu chúng tôi không thích công việc thì cả anh và tôi đều đau khổ.
Mong muốn của investor chỗ này là một sự đảm bảo, ít nhất mất tiền thì cũng được công sức làm thuê của bạn bù lại. Đây là một mong muốn rất hợp lý thôi. Nhìn chung bạn càng sexy thì càng không bị hỏi câu này, có bị hỏi thì cũng hãy xem đó là câu hỏi hợp lý và tìm cách trả lời nó sau cũng ok.

Trong BeeCost chúng mình có một nhà đầu tư ko cần góp tiền, ko cần góp sức, sở hữu 5%, anh ấy là người trước đây đã đầu tư cho mình nhưng công ty cũ thất bại trước khi có doanh thu => mất trắng. Tới công ty của BeeCost thì mình tặng anh ấy cổ phần dù cho công ty mới này không liên quan gì tới công ty cũ.
=> Bạn cũng hãy hứa danh dự với nhà đầu tư của bạn như vậy, có thể không cần kí giấy tờ, nhưng hãy thực hiện. Logic đơn giản là chừng nào bạn còn làm việc, bạn không để tiền đầu tư bị mất. Nhà đầu tư ấy sẽ không bỏ bạn nếu thất bại, người ta sẽ tiếp tục giúp đỡ bạn (cũng là giúp đỡ họ).

Thứ cần chuẩn bị: Hợp đồng đầu tư có điều khoản ghi rõ thế nào là “mất tiền”, và khi xảy ra điều đó founder nào phải làm thuê cho investor, phạm vi công việc, mức lương tối thiểu và trong thời gian bao lâu, …
(Mình không chuẩn bị cái này, nhưng đã từng bị hỏi. Hi vọng không ai phải chuẩn bị thông tin này)

6. Thay vì đầu tư, tôi cho anh vay tiền. Nhưng tôi có thể đổi sang đầu tư lúc nào cũng được chứ?

Câu này cũng là câu hỏi của sự an toàn, vì vay là nợ phải trả, cho bạn vay thì gần như là ko mất tiền, trả trước hay sau thôi, đầu tư thì công ty thất bại là mất trắng, còn nếu công ty ăn nên làm ra thì đổi sang cổ phần sẽ có giá trị hơn. Lại là một mong muốn hợp lý của Investor, tùy thuộc vào độ sexy của bạn mà có bị yêu cầu trả lời hay không. Hãy nghĩ câu trả lời trước.
Với BeeCost thì cũng bị hỏi nhưng chúng mình từ chối, chỉ chấp nhận cho công ty BeeCost vay (chứ ko phải founders vay), vì công ty vay thì công ty thành công có tiền trả sẽ trả, thất bại thì founders không bị gì. Chúng mình từ chối vì lúc đó có nhiều investor tiềm năng, chẳng tội gì mà vay.

Thứ cần chuẩn bị: Hợp đồng vay kèm quyền chuyển đổi sang cổ phần công ty, người vay là founders. Hoặc, Hợp đồng vay kèm quyền chuyển đổi sang cổ phần công ty, người vay là công ty.

7. Tôi đầu tư theo từng tháng hoặc quý thì có sao không?

Tiếp tục một câu hỏi của sự an toàn, rót tiền rồi thấy không ổn sẽ cắt. Theo mình đây là một câu hỏi tồi và mong muốn không hợp lý của Investor, bạn nào đồng ý thì là đại họa vì bạn sẽ mất đi sự tự chủ. Công ty đầu tiên của mình thuộc dạng này và mình luôn cảm thấy lép vế trước investor, khi đó mình thực sự biến thành một founder yếu đuối chẳng lèo lái nổi cái gì. Sau này, mình chỉ gặp lại một lần đề nghị đầu tư kiểu đó và đã từ chối khi investor còn chưa kịp nói hết câu.
Cho tới bây giờ, mình giữ nguyên quan điểm là tại giai đoạn sớm nên tránh xa investor có ý định như thế này.

Nếu bạn muốn chuẩn bị cho câu hỏi này, thì nó là Hợp đồng đầu tư kèm với phương thức đầu tư là theo tháng/quý.

8. Tôi muốn được giảm giá 50% cho các lượt đầu tư sau có được không?

Xem trả lời tại câu 3. Hãy đàm phán.

9. Tôi cũng đầu tư cho công ty Y này, anh phải kết hợp ở mức này với bên đó nhé?
Tất nhiên là được, BeeCost và công ty Y hãy làm theo nguyên tắc “thêm một, cả hai được” cho cả hai phía nhé.
Investor muốn các khoản đầu tư của mình hội tụ và cùng nhau đi lên. Ví dụ đã đầu tư xây chung cư thì cũng đầu tư xây trường học nếu mảnh đất của trường ở cạnh đó và trường đó có ưu đãi cho dân ở chung cư.
Đây là mong muốn tốt đẹp của investor, và nó thường là tiềm năng rất lớn cho công ty bạn, hãy đồng ý ngay. Đề phòng duy nhất của câu hỏi này là phạm vi của sự kết hợp, nếu nó khiến bạn phải rời xa cốt lõi của công ty, thì hãy thảo luận thật rõ với investor để tìm ra phạm vi cụ thể.

Thứ cần chuẩn bị: Một điều khoản trong hợp đồng đầu tư, ghi lại phạm vi kết hợp với các công ty/dự án khác của Investor. Hãy để các ràng buộc là mở vì nó là chuyện tương lai.

10. Các anh còn đủ tiền sống bao lâu?

Một câu hỏi hợp lý từ investor nhưng nó rất tinh quái, tiềm ẩn sự thiệt thòi cho bạn khi đàm phán. Nhưng bạn cũng không được nói dối, vậy nên, tốt hơn hết là bạn cần tự chuẩn bị để có một câu trở lời đèn xanh: “ít nhất 1 năm”. Nếu câu trả lời là “hơn 6 tháng”: đèn vàng. Dưới 6 tháng là đèn đỏ đấy. Tóm lại đèn vàng và đèn đỏ tức là thời gian còn sống thì ít mà ông investor thì lại có nhiều thời gian, càng kéo dài bạn càng dễ bị ép giá.
Nếu có câu trả lời đèn xanh và gặp một nhà đầu tư khó tính, hãy tạm hoãn đàm phán với họ để lướt qua các nhà đầu tư khác, trong lúc đó bạn sẽ học đc cách để quay lại giải quyết tiếp, vì bạn còn 12 tháng cơ mà.

Mình từng xoay sở được với một câu trả lời đèn đỏ. Khi mình sáng lập công ty thứ ba, chi phí chỉ còn cho 2 tháng nhưng chỉ mới xong màn “chào hỏi” với investor. Chúng mình đã mạnh dạn hỏi là “anh có dự án gì muốn làm mà chưa thực hiện được không?”, anh ta nói một vài dự án và thật may mắn có một cái chúng mình làm được. Và mình đã đề nghị làm “không lãi” dự án đó đổi lại việc đẩy nhanh việc đầu tư vào công ty mình. Và nó đã thành công trong sự vui mừng của cả 2 bên, investor lãi to còn bên mình thì hơi vất vả chút nhưng cũng đạt được mục đích, vẫn hơn đứt việc chẳng có gì.
Nhưng mình không thật sự chắc là cách mình xoay sở có dùng đc phổ biến cho câu trả lời “đèn đỏ” hoặc “đèn vàng” không, bạn hãy coi nó như một ví dụ thôi, lỡ bị cảnh sát bắt khi cố vượt đèn vàng đèn đỏ, hãy cứ mạnh dạn hỏi “em rửa xe cho anh trừ tiền phạt được không” xem.

Thứ cần chuẩn bị: Tại thời điểm của cuộc nói chuyện đầu tiên, tài chính còn lại cho công ty phải ít nhất còn 9 tháng. Nếu ít hơn, hãy chuẩn bị các phương án “làm không lãi” cho investor đó (hỏi và tìm hiểu về họ) để tránh quá trình đầu tư bị kéo dài.

11. Bao giờ tiền của tôi quay trở lại?

Nói thật lòng, mình thấy đây là câu hỏi hợp lý nhất của Investors, và cũng là câu hỏi mình chưa bao giờ trả lời được thấu đáo. Vì startup bản chất là không thể dự đoán tại thời điểm sớm, tính bằng răng mà biết bao giờ tiền quay về. Nhưng điều ấy cũng không làm giảm sự hợp lý của investor khi hỏi nó. Vậy làm nào?

Mình dùng vài biện pháp xử lý như sau:

Đầu tiên là trì hoãn: Mình hứa 6 tháng sau đầu tư sẽ trả lời được. => Mình phải đổi kế hoạch, chuyển mục tiêu cty là trả lời về lợi nhuận cho investor trong 6 tháng. Tức là làm nào thì làm, tới lúc đó bạn phải cam kết được lúc nào tiền quay lại, không làm được thì là founders nợ. Như thế investor mới yên tâm được. (Chỉ nên dùng cách này khi bạn cực kì tự tin sẽ trả được nợ trong tương lai)
Thứ hai là chia lợi nhuận cao: Cam kết chia số lợi nhuận rất cao cho investor cho tới khi hoàn vốn. Ví dụ bạn bán một bức tranh, lãi 100 ngàn. Bình thường mang 100 ngàn ra quay lại kinh doanh tiếp, nhưng để investor đầu tư thì bạn chấp nhận mang 50 ngàn ra hoàn lại investor, cứ như vậy cho tới khi investor hoàn lại số tiền đã đầu tư, cổ phần vẫn sở hữu như thường. Kết quả là investor vừa được hoàn vốn, vừa được cổ phần, bạn thì khó khăn hơn chút – nhưng biết làm sao được, không có vốn của Investor thì cũng chẳng có gì cả?
Key của câu hỏi này vẫn là sự đảm bảo về tiền của investor, và nó luôn hợp lý nên bạn phải tìm cách giải quyết nó cho investor. Nếu bạn sexy thì ko trả lời cũng đc, nhưng cố gắng một chút để có tiền đầu tư thì cũng không tệ đâu.
BeeCost tụi mình xài cách thứ 2, chúng mình cam kết chia 30% lợi nhuận cho investor cho tới khi họ hoàn vốn. Chấp nhận tiền lãi bị cắt bớt trong thời gian đầu, cũng có động lực kiếm thật nhiều lãi để hoàn sớm đi cho xong tội xong nợ.

Thứ cần chuẩn bị: Hợp đồng đầu tư kèm điều khoản hoàn vốn bằng lợi nhuận (hoặc doanh thu sau khi trừ giá vốn) hoặc hoàn vốn bằng nợ của founders.

12. Sau khi có đăng ký kinh doanh tôi mới chuyền tiền có được không?

Khi làm pháp lý cho Investor, bạn sẽ phải làm các bước sau:

Đầu tiên, kí hợp đồng thỏa thuận đầu tư. Thứ hai, họp cổ đông ra quyết định cho Investor đầu tư. Thứ ba, thông báo với sở kế hoạch đầu tư (SKHĐT). Thứ tư, nhận thông báo chấp nhận việc đầu tư của SKHĐT. Thứ năm, Hai bên làm hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh (đkkd) về việc đầu tư. Cuối cùng, nộp hồ sơ thay đổi đkkd và nhận giấy đkkd mới.

Bạn không nên để thời điểm chuyển tiền sau bước cuối cùng, mà nên để sau bước thứ tư hoặc thứ năm. Để làm được vậy, bạn cần chuẩn bị:
+ Đảm bảo sự đồng ý của tất cả các cổ đông với từng điều khoản và điều kiện của investor.
+ Trong hợp đồng đầu tư, hãy để thời điểm chuyển tiền ở bước thứ tư hoặc thứ năm. (Càng sớm càng tốt)

OK, REVIEW LẠI.

Chỉ câu hỏi đầu tiên của Investor là liên quan trực tiếp tới sản phẩm, thị trường, tiềm năng, chiến lược, … bla bla của công ty bạn. Mình đồng ý rằng đó là những thứ quan trọng nhất, nhưng bạn phải coi nó là “buộc phải có”. Công ty nào chẳng phải càng rõ ràng càng tốt những thứ ấy, bạn không thể chỉ chuẩn bị tốt mỗi câu đầu tiên. Hầu hết các câu hỏi tiếp theo chỉ là những câu hỏi phụ với bạn và công ty của bạn, nhưng lại là những câu quan trọng cho cá nhân investor, phần lớn các deal bị dừng hoặc tắc lại vì những câu hỏi phụ trong tình trạng câu hỏi chính đã xử lý xong. Vì vậy hãy tập trung nhiều hơn cho chúng.

Sai lầm lớn nhất của bước này chính là vì coi nhẹ mà Chuẩn bị quá ít.

Đối với những câu hỏi phụ, khi làm hợp đồng bạn nên có bạn bè/đối tác hỗ trợ pháp lý để ghi hợp đồng cho đúng, tự làm sẽ rất dở vì team pháp lý của investor sẽ review hợp đồng. Nó quá dở sẽ có khả năng làm bể deal vì investor dễ chán nản vì sự thiếu chuyên nghiệp của bạn. Công ty nên là bên soạn hợp đồng.

_ _ _ _
Ba điều cần lưu ý:
– Đây chỉ là kinh nghiệm của riêng BeeCost. Cho dù toàn bộ là do mình học từ quyển sách Havard Business Review về cách chuẩn bị và đàm phán, tên là 3D Negotiation => bit.ly/2mh107E, nhưng cũng không có gì đảm bảo là cuốn sách đó đúng, mình đã làm đúng hay chỉ đơn giản là ăn may?
– Phạm vi của kinh nghiệm này là dành cho Angel/Seed Investment (vòng đầu tư hạt giống). Các vòng đầu tư chuyên nghiệp (Series Investment), BeeCost chưa trải qua.
– Không nản lòng. Những thứ viết trong này mình không tự nhiên có, để tính tổng, có lẽ mình đã tiếp cận gần 300 nhà đầu tư khác nhau trong 5 năm. Nên dù có lỡ đang “không có gì” thì là bạn đang giống hệt mình và sẽ còn giỏi hơn vì lúc đầu mình đâu có ai nói cho những điều này. Thành công ăn nhau ở chỗ lỳ, thành công lớn quyết định bởi rùa.

Vì vậy, mong người đọc hãy coi bài viết này chỉ như một tham khảo của một công ty từng có kinh nghiệm.

 

Hà Tùng – BeeCost