Làn sóng của những người du mục trên không gian số (digital nomads) từ các quốc gia trên thế giới có thể sẽ nhanh chóng đổ đến Đông Nam Á và cả Việt Nam trong thời gian tới.

Mình từng nói chuyện với một số bạn người Thổ Nhĩ Kì. Thanh niên, trẻ khoẻ, đang tích cực lao động và tiết kiệm để xây dựng sự nghiệp. Họ cho biết “đi du lịch Đông Nam Á là một giấc mơ, họ vẫn đang tiết kiệm để một ngày được hưởng giấc mơ ấy”.

Thời đại của Internet di động bỗng nhiên biến các giấc mơ ấy trở thành bình thường.

Công cụ làm việc và quản trị công việc ngày nay đều đã được tích hợp đủ tốt trên máy tính. Không có quá nhiều khác biệt giữa một nhân viên hằng ngày tới văn phòng với một nhân viên làm việc từ xa, qua mạng, nếu nhân viên làm việc qua mạng chủ động giao tiếp với những người khác trong công ty. Các công cụ quản trị công việc giúp sinh ra một dạng lao động mới: những người làm việc qua mạng. Những người làm việc qua mạng có thể ngồi ở bất kì đâu, miễn là có mạng nhanh, ở Đông Nam Á chẳng hạn.

Internet còn làm nảy sinh nhiều cách thức giúp người ta kết nối với nhau thuận tiện hơn, tìm được đúng người mình muốn tìm dễ dàng hơn. Thế là buôn bán online nảy sinh. Một bà mẹ trẻ ngồi ở nhà có thể làm ra doanh thu cao hơn một doanh nghiệp vài năm hoạt động. Đấy không còn là chuyện gì quá mới mẻ.

Những người làm việc qua mạng ấy tạo thành một đội quân hùng hậu của những người du mục trên không gian số, các digital nomads. Nhờ quyền năng có thể ngồi ở bất kì đâu để làm việc, họ có thể đến bất kì đâu sống.

Khi cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, làn sóng thất nghiệp sẽ ập đến các quốc gia đã phát triển do nhu cầu cắt giảm chi phí, tái cơ cấu đầu tư hoặc thay đổi phương thức sản xuất hiện đại, tốn ít nhân lực hơn của doanh nghiệp để thích nghi với khủng hoảng.

Thất nghiệp ở nước phát triển thì cuộc sống tốt nhất có thể có được chắc là chuyển tới Đông Nam Á. Nắng ấm, dịch vụ tốt, con người hiền lành, thân thiện, cần mình giúp đỡ, đi dạy ngoại ngữ cũng kiếm khối tiền… Nếu có công việc để làm qua mạng thì quá tuyệt.

Ở Việt Nam hiện nay cũng đã hình thành đội ngũ những người làm việc qua mạng. Họ thường là các bạn trẻ, không thành đạt lắm trong việc học hành, lấy bằng cấp nhưng lại thông minh và nhanh nhẹn với thời cuộc. Họ bán hàng online. Nhưng các digital nomads ấy không có đủ kĩ năng và công cụ làm việc để có thể nhân rộng mô hình của mình, khi có đủ vốn để nhân lên, họ lại thường phải quay lại mô hình truyền thống, đi mở cửa hàng. Ước tính tối đa hiện nay cũng mới chỉ có khoảng 1 triệu người Việt Nam buôn bán online, nhiều người trong số họ vẫn sở hữu một công việc truyền thống nào đó.

Nếu giải phóng được một bộ phận những người làm công sở ở Việt Nam trở thành digital nomads thì hiệu suất làm việc của xã hội Việt Nam có thể sẽ được gia tăng hay không?

Lê Công Thành – InfoRe