Tìm ra ý tưởng cho sản phẩm là một quá trình tìm tòi cẩn thận & tâm huyết của các startup. Nên ngay khi có những ý tưởng đầu tiên, thông thường chúng ta sẽ bắt tay vào xây dựng sản phẩm của mình ngay. Đó có thể là bước đi đúng đắn.

Tuy nhiên động cơ vận hành một startup không thể chỉ dựa vào những mắt xích lớn mà bỏ qua những con ốc nhỏ, tuy nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò quan trọng để bộ máy vận hành trơn tru & hiệu quả hơn. Con ốc đang được nhắc đến ở đây chính là việc xây dựng thương hiệu cho chính startup của bạn.

Nhiều người đọc đến đây sẽ thắc mắc rằng việc xây dựng thương hiệu có thể làm sau khi sản phẩm hoàn thành cũng được & nó đâu nghiêm trọng đến mức làm dự án của mình thất bại?! Câu chuyện về thất bại trong khởi nghiệp của anh Hoàng Tùng — người sáng lập & CEO của Pizza Home sẽ giúp bạn hiểu được lý do tại sao.

Bill Gates, Steve Jobs, Micheal Dell với những thương vụ khởi nghiệp tỷ đô ở thung lũng Silicon hoa lệ vốn là nguồn cảm hứng & niềm mơ ước của hàng triệu nhà khởi nghiệp trẻ trên toàn thế giới. Điều này cũng không ngoại lệ đối với anh Hoàng Tùng. Khi được một người bạn rủ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với lời khẳng định: “Phần mềm này ở nước ngoài có giá lên đến hàng chục ngàn đô. Tao có thể làm được chỉ với vài chục triệu.”

Lời đề nghị hấp dẫn từ người bạn mà anh nể trọng trong lĩnh vực công nghệ, ý tưởng hay ho về “Phần mềm quản trị doanh nghiệp — ERP”, cùng với bối cảnh thương mại điện tử vẫn còn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, tất cả những yếu tố đó khiến cho dự án khởi nghiệp này trở nên rất tiềm năng & hấp dẫn.

Dự án được tiến hành ngay lập tức với nhiều tâm huyết, công sức & tiền bạc được đổ vào để rồi tắt ngấm sau chưa đầy 1 năm.

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp với dự án này. Dự án trải qua quãng thời gian chật vật vì người bạn của anh vật lộn mãi vẫn không thể làm ra được sản phẩm demo. Trong khi đó chi phí vận hành dự án rất lớn từ lương nhân viên cho đến tiền thuê nhà hàng tháng đè nặng lên vai anh.

Cuối cùng nhóm của anh cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy khi sản phẩm demo ra đời. Những tưởng giai đoạn khó khăn đã qua, từ giờ chỉ cần đem sản phẩm đi chào bán ở các doanh nghiệp và chờ doanh thu chảy về thì khó khăn tiếp theo lại ập đến. Và nó đã nhấn chìm hoàn toàn dự án chứa đựng biết bao xương máu của anh.

Mặc dù sản phẩm của anh tốt và hữu ích, nhưng liệu có doanh nghiệp nào chịu giao toàn bộ dữ liệu nội bộ của mình cho “hai thằng nhóc với một công ty hoàn toàn không có thương hiệu trên thị trường”? Câu trả lời là KHÔNG! Không một doanh nghiệp nào chịu mua phần mềm này khi nhóm anh mang đi chào hàng.

Vai trò của thương hiệu đối với startup không khác đối với doanh nghiệp lớn là mấy. Thương hiệu trước hết giúp khách hàng phân biệt bạn với các đối thủ khác, tạo cảm giác an toàn & tin tưởng. Thương hiệu không đơn thuần chỉ là bộ thiết kế nhận dạng, mà quan trọng hơn cả chính là uy tín cá nhân của những con người đằng sau thương hiệu.

Thêm vào đó, thương hiệu tốt chính là công cụ để startup tuyển dụng nhân sự & thu hút thêm vốn đầu tư cho mình. Nếu như từ đầu anh Tùng xây dựng thương hiệu cho startup của mình, anh đã có thể bước đầu giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam biết đến giá trị sản phẩm của mình. Từ đó anh cũng có thể đo lường được sự nhận biết nhu cầu của khách hàng để điều chỉnh sản phẩm & đưa nó đến gần thị trường hơn.

Theo Thảo Anh – Fail Smart