10 điều cần làm trước khi nghỉ việc và mở công ty riêng
Bạn có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời, bạn sẵn sàng để nghỉ việc và mở công ty riêng rồi thực hiện cơ nghiệp của riêng mình. Nhưng tâm lý chung của mọi người ở thời điểm này là hoang mang, lo lắng. Bạn cần chuẩn bị nhiều thứ trước khi nghỉ việc và đứng ra kinh doanh riêng.
1. Cần tìm hiểu trước
Bỏ công việc hiện tại trước khi mở công ty riêng là một ý định táo bạo, nhưng nó không phải luôn luôn màu hồng. Cách tốt nhất để bạn phát triển doanh nghiệp của riêng mình một cách an toàn và nhanh chóng có lợi nhuận, là vẫn làm việc ở công ty cũ trong lúc thành lập công ty mới.
Điều này giúp bạn chuyển đổi từ nhân viên sang doanh nhân một cách trơn tru hơn.
Bạn không thể mở công ty mới mà chưa nghiên cứu về những thứ sẽ đối mặt, không chỉ mặt bằng hay hãng xưởng, mà còn nhiều thứ khác cần làm khi mở một công ty.
Nghiên cứu về sản phẩm và dịch vụ bạn sẽ thực hiện kinh doanh, về sự đón nhận sản phẩm này của thị trường, hiểu về đối tượng nhắm đến và người dùng, dò xét các đối thủ cạnh tranh, tìm người thích hợp để cùng xây dựng công ty cũng như biết được cách kênh tiếp thị hiệu quả để quảng bá.
2. Lên kế hoạch kinh doanh
Sau khi bạn đã nghiên cứu về thị trường và tương lai của doanh nghiệp, hãy viết ra giấy kế hoạch kinh doanh, đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Kế hoạch kinh doanh của bạn sẽ bao gồm những gì mà giúp bạn có thể tìm được nhà đầu tư, đối tác và các bên liên quan.
Hãy chuẩn bị cho mình một cái nhìn tổng quan về công ty, bản tóm tắt ban điều hành, mô tả công ty cùng mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh.
Ngoài ra, cần có thông tin về ngành nghề mà công ty chọn, chiến lược sử dụng để tham gia thị trường, những thành viên trong ban qản trị, kế hoạch tiếp thị, tài chính cùng những thứ chi tiết hơn về hoạt động của công ty.
3. Tính toán thu chi tài chính
Trước khi nhận được nguồn tài trợ cho công ty, bạn cần phải bỏ tiền túi của mình vào mà phát triển nó. Nếu chỉ có một ít tiền trong túi mà có rất nhiều những thứ cần chi tiêu như tiền mặt bằng, bảo hiểm, hóa đơn dịch vụ,… thì bạn sẽ khó khăn để tập trung vào kinh doanh bởi bị vướng mắc ở khâu tài chính.
Vậy nên bạn cần vẽ ra kế hoạch thu chi và lựa chọn những cách để gây tiền, như lựa chọn một nhà đầu tư, dùng tiền tiết kiệm cá nhân, một khoản trợ cấp hay học bổng mà bạn có được nhờ những dự án của mình.
Dù bằng cách nào, bạn cần phải có vốn để đầu tư và sử dụng nguồn tiền thật hiệu quả nếu không muốn bị trì trệ và đối mặt với những nguy cơ.
4. Tạo cơ cấu cho doanh nghiệp
Bạn cần phải xác định cơ cấu cho doanh nghiệp của mình, cụ thể ở đây là về mặt pháp lý. Có nhiều loại hình công ty mà doanh nghiệp của bạn có thể trở thành, như: một tập đoàn, công ty trách nhiệm hữu hạn, quan hệ đối tác, công ty một thành viên,…
Bạn cần xem xét thêm về trách nhiệm pháp lý, đóng thuế, nơi đặt trụ sở, giấy phép và những giấy tờ liên quan.
5. Tận dụng nguồn lực của bạn
Khi mới thành lập công ty, hãy hạn chế tiêu tiền quá mức, bạn có thể dùng những nguồn sẵn có ở xung quanh mình để tiết kiệm tiền.
Chẳng hạn bạn có một người bạn học lập trình, hãy thuê người bạn này với mức giá đặc biệt để đổi lại người đó có thể học hỏi thêm khi làm việc tại môi trường công ty.
Cũng như bạn hãy liên hệ bạn bè mình đã mở công ty riêng, tham khảo họ cách làm ăn và nhờ mối quan hệ để tìm kiếm một thư ký hay chuyên gia tiếp thị,…
Hãy tính đến việc tham gia một câu lạc bộ của những doanh nhân và đọc những cuốn sách hướng dẫn về việc mở một công ty mới.
Làm việc với một chuyên gia sẽ rất tốn kém, thay vào đó hãy cùng nhóm của mình học hỏi qua mạng internet về những kỹ năng công nghệ, như SEO, tiếp thị qua email và mạng xã hội,…
6. Để lại ấn tượng tốt
Khi sắp nghỉ việc, đừng tỏ những thái độ kỳ cục như hành xử kém văn minh ở văn phòng, không hoàn thành các dự án, không thực hiện đúng những yêu cầu rồi đột ngột ngưng việc. Đây là những điều tệ nhất trong cuộc đời bạn và có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp kinh doanh sau này.
Mở công ty riêng không có nghĩa là công ty cũ sẽ không giúp ích được bạn một ngày nào đó.
Hãy để lại ấn tượng tốt với công ty cũ cũng như cho sếp thấy mình sẽ trở thành một doanh nhân với công ty mới, nếu để lại những kỷ niệm tốt, người sếp cũ có thể sẽ giới thiệu khách hàng sang công ty mới của bạn và nói với họ rằng bạn là một doanh nhân đáng tin cậy.
7. Đừng quên chi tiết về những kế hoạch nhỏ hơn
Là một doanh nhân, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy mọi việc ở mức độ vĩ mô và toàn diện. Nhưng nếu không để ý đến những chi tiết nhỏ, bạn sẽ không thể phát triển công ty một cách hoàn hảo được.
Những điều nhỏ nhặt ở đây, là việc phát nội dung qua mạng xã hội, trả lời và cập nhật tin tức qua email, hay thậm chí là nộp thuế đúng hạn.
8. Chọn không gian làm văn phòng của bạn
Khi có ý định nghỉ việc và mở công ty, nhiều người chọn cách làm việc ở nhà cho đến khi công ty đủ tiền để thuê mặt bằng bên ngoài. Mặc dù điều này chỉ là ngắn hạn, nhưng rõ ràng nó không phải là một cách làm tốt.
Nếu làm việc ở nhà, bạn phải cân đối được không gian dành cho cá nhân và dành cho tập thể. Nằm dài trên giường và làm việc cả ngày, hay suốt ngày ở trong căn phòng chật hẹp, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn, từ đó dẫn đến hiệu quả công việc sẽ không cao.
9. Tạo một portfolio
Đừng nghĩ mở công ty riêng thì sẽ không cần portfolio cá nhân hay một sơ yếu lí lịch cho riêng mình. Việc sở hữu một portfolio đẹp có thể gây ấn tượng với những nhà đầu tư và sẽ là động lực chính để xây dựng doanh nghiệp mới của bạn, bởi những nhà đầu tư, khách hàng sẽ cảm thấy xứng đáng khi chọn bạn làm nơi bỏ tiền ra.
10. Và cuối cùng …
Hãy nhớ rằng, việc mở một công ty sẽ khó khăn và gặp nhiều thách thức hơn so với những gì bạn nghĩ. Bạn sẽ phải làm việc rất nhiều trước khi nhìn thấy những đồng tiền thu nhập đầu tiên.
Với những điều hướng dẫn bên trên, bạn sẽ có một chuyến phiêu lưu thật thú vị nhưng không quá mạo hiểm bởi ngay từ đầu bạn đã làm việc thật chuyên nghiệp chứ không theo cảm xúc.
Quang Niên (Theo entrepreneur)