Doanh nhân học tập cách giữ chân khách hàng của thương hiệu nổi tiếng
Bí quyết giữ chân khách hàng của những thương hiệu nổi tiếng luôn là bài học vô giá đối với các doanh nhân khởi nghiệp.
Thuyết phục những vị khách đầu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ là một kỳ tích. Song nhiệm vụ khó hơn là biến họ trở thành người gắn bó lâu dài với doanh nhân. Chẳng hạn, với chủ một nhà hàng, nấu những món ngon mới chỉ là điều kiện cần để thu hút sự chú ý của vài vị khách chưa bao giờ bước vào nhà hàng. Để những thực khách quay lại, có thể họ phải áp dụng chương trình ưu đãi, tạo ra sự nhất quán trong món ăn hay thậm chí thuyết phục khách nhận email về các chương trình khuyến mại.
Luôn tạo ra những trải nghiệm độc đáo
Dương Tấn Hùng, người sáng lập công ty HVC, nói rằng doanh nghiệp luôn phải tìm cách tạo ra những trải nghiệm độc nhất vô nhị cho khách hàng. Những trải nghiệm đó có thể diễn ra trong cửa hàng, tại hội chợ, ở sự kiện hoặc thông qua tương tác với sản phẩm.
Việc các ngân hàng dùng xe chở các cây ATM tới những khu công nghiệp cho công nhân rút tiền, theo Hùng, là một trong những ví dụ tiêu biểu về giải pháp tạo ra trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
“Một trong những công ty thực hiện chiến lược này rất xuất sắc là Coca-Cola. Họ liên tục tạo ra trải nghiệm độc đáo cho khách hàng thông qua những chiến dịch thường xuyên. Chẳng hạn, trong một sự kiện do Coca-Cola tổ chức, khách hàng chỉ có thể mở một chai nước ngọt bằng cách kết hợp với chai của một người khác. Trong một sự kiện khác, nhiều người ngạc nhiên khi thấy những chiếc nơ dành cho Giáng sinh trên những chai nước ngọt Coca-Cola”, anh Hùng nói.
Bán sự tiện lợi kèm theo sản phẩm
Khách hàng luôn thích sự thuận tiện và khả năng tiếp cận dễ dàng. Đó là quan điểm của Nguyễn Văn Tin, giám đốc kinh doanh của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ mới Kim Long.
“Vì thế, doanh nghiệp luôn phải tìm tòi những cách sáng tạo để tăng mức độ thuận tiện cho khách hàng”, anh Tin phát biểu.
Tin nêu trường hợp tập đoàn cà phê Starbucks. Đây là doanh nghiệp áp dụng vô số giải pháp sáng tạo để bảo đảm rằng khách hàng luôn cảm thấy thuận tiện. Ví dụ, tính năng đặt đồ uống và thanh toán trực tuyến trong app (ứng dụng) của hãng rất dễ sử dụng.
“Riêng tính năng ấy đã đủ để mọi người sẵn sàng chi thêm tiền và trung thành với thương hiệu Starbucks”, Tin nhận xét.
Xây dựng sự gắn kết với khách hàng trước khi họ mua
Kim Văn Phòng, người sáng lập công ty nội thất Nine Plus, nhận định dù chiến dịch tiếp thị hay trang web hoàn hảo đến mấy, khách hàng vẫn hiếm khi ra quyết định mua hàng hay dịch vụ sau ấn tượng đầu tiên của họ.
“Quá nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường, rất nhiều mối quan tâm khác chế ngự tâm trí của khách hàng, trong khi ấn tượng đầu tiên chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nên khách hàng chưa thể có niềm tin”, Phòng nói.
Những công cụ hỗ trợ bán hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp như Infusion Soft, Leadberry và Marketo giải quyết vấn đề này bằng cách giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trước khi họ ra quyết định mua và “bám đuổi” những vị khách vô danh truy cập trang web.
“Một nghiên cứu của Leadberry cho thấy, nếu tính trung bình, chỉ 1,5% người truy cập trang web lần đầu sẽ ra quyết định mua hàng. Vì thế, 98,5% chi phí tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp sẽ trở nên lãng phí”, Phòng phân tích.
Giám đốc công ty Nine Plus nhận định rằng, coi những vị khách truy cập trang web như khách hàng tiềm năng, tiếp cận họ thông qua mạng xã hội là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan trong mảng kinh doanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
“Thay vì chờ khách hàng tiềm năng tương tác trên web hay mạng xã hội, tôi thường chủ động tìm các doanh nghiệp phù hợp với sản phẩm của tôi, rồi chủ động tiếp cận họ. Kinh nghiệm của tôi cho thấy những khách hàng mà tôi tiếp cận theo cách ấy thường gắn bó lâu với công ty”, Phòng thổ lộ.
Nhạc Dương – Vietnambiz