Full-stack developer là nhà phát triển thông thạo tất cả các quá trình phát triển phần mềm. Liệu một nhân viên “siêu phàm” như vậy có tồn tại?

Khái niệm về full-stack developer xuất hiện từ đầu những năm 2000. Kể từ đó, khái niệm này đã trở thành chuẩn mực trong giới lập trình viên.

Gần như một phần ba các nhà phát triển phần mềm trên thị trường hiện nay đều tự cho mình là nhà phát triển full-stack. Kết quả là full stack developer lại trở thành khái niệm tuyển dụng phổ biến nhất trong thập kỷ vừa qua. Nhưng liệu công ty khởi nghiệp của bạn có thực sự cần tới một nhà phát triển full-stack hay không?

1. Full stack developer là một khái niệm mơ hồ

Chẳng hề có một định nghĩa rõ ràng dành cho full-stack developer. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều cho rằng một full stack developer sẽ phải thành thạo về front-end/UI, ngôn ngữ back end và cơ sở dữ liệu. Mặc dù những tiêu chuẩn này nghe có vẻ bao quát tất cả năng lực cần có của một full-stack developer, thế nhưng thực tế thì chúng chẳng mô tả bất cứ bộ kỹ năng cụ thể nào cả.

Trên thực tế, thuật ngữ full-stack chẳng hề đề cập tới bất cứ một kỹ năng cụ thể nào. Liệu nó có liên quan tới các kỹ năng LAMP, JavaScript, CSS, HTML and SQL Server, hay chuyên môn về ứng dụng trên điện thoại như iOS Swift, MySQL and Java?

Mặc dù cụm từ “full-stack developer” sẽ là từ khóa tuyệt vời giúp kết nối người tìm việc với nhà tuyển dụng, thế nhưng nó lại không cung cấp một cái nhìn cụ thể về vị trí công việc mà công ty bạn cần tuyển nhân viên.

2. Công ty khởi nghiệp của bạn chỉ có những nhu cầu nhất định

Những công ty khởi nghiệp thực sự là luồng gió mới lạ trong giới kinh doanh. Những công ty này thường phục vụ và thậm chí là tạo ra hẳn một thị trường ngách mới. Nét đặc trưng này cùng với những ràng buộc về mặt tài chính và kinh doanh khiến hầu hết các công ty khởi nghiệp phải cố gắng không tuyển dụng sai người.

Những công ty thường xuyên phải dẫn đầu công nghệ sẽ hưởng lợi từ đội ngũ kỹ sư phần mềm sở hữu nhiều kỹ năng. Mặt khác, những công ty tài chính hoặc các tổ chức toàn cầu lại cần tới những chuyên gia về một mảng nhất định nào đó.

Cách hữu hiệu nhất là tuyển dụng người sở hữu các kỹ năng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu dự án khởi nghiệp của bạn phát triển dựa trên ứng dụng trên điện thoại, thì một full-stack developer không có kiến thức chuyên môn về Android hoặc iOS sẽ chẳng mấy hữu dụng.

Sử dụng từ khóa tuyển dụng như “nhà phát triển ứng dụng điện thoại”, “nhà phát triển ứng dụng trang mạng”, hoặc “nhà phát triển UX” sẽ thu hút được các ứng cử viên có kỹ năng chuyên môn tương ứng với yêu cầu của doanh nghiệp. Các kỹ năng khác có thể được liệt kê chi tiết trong phần mô tả công việc.

3. Công nghệ đã trở nên quá tinh vi

Các ứng dụng đời đầu chỉ được xây dựng trên những hệ thống căn bản tương đối thống nhất, vậy nên việc theo đuổi kiến thức toàn diện chẳng phải là nhiệm vụ hàng đầu của hầu hết các nhà phát triển phần mềm. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng trở nên tinh vi hơn thì các chuyên gia cần phải có kiến thức chuyên sâu hơn nữa về những chuyên ngành nhỏ trong mảng phát triển phần mềm.

Sẽ thật hoàn hảo nếu công ty bạn sở hữu đội ngũ IT bao gồm ít nhất một người có kiến thức rộng về tất cả các kỹ năng cũng như là các chuyên gia về từng mảng công nghệ riêng biệt. Người có kiến thức chung sẽ đóng vai trò như trung tâm kết nối tất cả các chuyên gia nhằm đảm bảo các nhân viên phối hợp làm việc một cách nhuần nhuyễn.

4. Những nhà phát triển full stack chỉ tồn tại trong truyền thuyết mà thôi

Lý do chính mà bạn không nên thuê một full stack developer là vì họ chẳng hề tồn tại trên đời này. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng tinh vi và phức tạp, sự thật hiển nhiên là việc trở thành một chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực là điều bất khả thi.

Sự phát triển của các ứng dụng điện thoại di động, trí tuệ máy móc, phân tích dữ liệu phức tạp, dịch vụ dữ liệu điện toán đám mây và vô số các khung JavaScript khiến việc sở hữu kiến thức sâu sắc về mọi công cụ front end, kiến trúc back end và tất cả các lĩnh vực khác là điều không tưởng và thậm chí là ngu ngốc.

Trào lưu tuyển dụng full-stack developer có lẽ không phải là điều tốt nhất cho công ty khởi nghiệp của bạn. Thay cho một full stack developer “toàn năng” thì bạn nên tìm kiếm những ứng viên có các kỹ năng chuyên môn về một lĩnh vực nhất định phù hợp với nhu cầu của công ty khởi nghiệp. Công ty khởi nghiệp của bạn là độc nhất vô nhị, vậy nên đội ngũ nhân viên của bạn cũng vậy.

Hoàng Kim Dung (Theo Entrepreneur)