Gian lận báo cáo tài chính sẽ dễ bị lật tẩy khi bị phát hiện và có khả năng vướng kiện tụng cao, nên nhiều startup ‘phông bạt’ chọn chiêu trò an toàn hơn: đánh bóng công ty hay sản phẩm thông qua truyền thông.

Phông bạt qua truyền thông

Chi phí marketing sẽ được sử dụng tối đa để khiến tần suất xuất hiện sản phẩm dày đặc, những bài PR hay khen ngợi công ty, sản phẩm và người sáng lập dồn dập cùng màn xuất hiện đu bám các nhân vật nổi tiếng, quyền lực… làm nhiều người phải choáng ngợp.

Và thế là các quỹ đầu tư dù vốn gồm những con cáo tinh tường cũng nhiều khi bị che mắt bởi thương hiệu ảo được dựng nên đó. Một số quỹ đã phải trả giá do bị ảnh hưởng bởi truyền thông nên đánh giá thiếu khách quan, ít cẩn trọng hơn, thậm chí tin theo những gì truyền thông tô vẽ.

Chẳng hạn startup Pets.com, một thất bại điển hình của thời bong bóng dotcom, đã chi hàng triệu đô la cho các chiến dịch Marketing, bao gồm chiến dịch đình đám tại giải Super Bowl của Mỹ. Petscom là startup bán đồ chơi cho thú cảnh và chỉ tồn tại trong gần 3 năm từ 1998 tới 2000 nhưng được biết đến rộng rãi do chi phí truyền thông và quảng cáo quá khủng.

Cũng nhờ đó, Petscom thu về hơn 300 triệu đô la từ các Quỹ đầu tư chỉ trong 2 năm, và nhanh chóng ‘chết yểu’ bởi nhu cầu thực tế không lớn như kì vọng hay như khẳng định trong các sản phẩm truyền thông của họ.

Pay by touch, ứng dụng thanh toán trên điện thoại, cũng là một trong những startup tiêu biểu đi đầu phong trào ‘làm đẹp bằng truyền thông’. Các nhà sáng lập của Pay by touch chi đến 150 triệu USD để sản phẩm được biết đến rộng rãi khắp thế giới, được ca ngợi quá sức nhiệt thành, đến mức hàng chuỗi Quỹ đầu tư khắp thế giới lao vào chỉ vì danh tiếng của nó.

Và cái chết của Pay by touch năm 2007 cuối cùng trở thành quả đắng không thể quên cho hàng dài danh sách nhà đầu tư: Mobius Venture Capital, the Getty family, Global Trust Ventures, Qũy Och-Ziff Capital Management tại Newyork, Farallon Capital Management, Plainfield Asset Management, và cả các cá nhân như Ron Burkle – nhà sáng lập và điều hành Yucaipa Cos, Rembrandt Ventures, và Mario Lemieux – đồng sở hữu đội bóng hockey Pittsburgh Penguins.

Holmes, CEO của Theranos thậm chí còn xuất hiện trong chương trình nổi tiếng TED Talk với tư cách khách mời bên cạnh cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và tỉ phú Trung Quốc Jackma, hay xuất hiện trên bìa những tờ tạp chí lớn như Forbes và Fortune. Chiến dịch PR thương hiệu cá nhân lung linh nhưng lại bí mật về sản phẩm khiến Theranos dễ dàng gọi vốn từ hàng loạt quỹ đầu tư, những quỹ tên tuổi như Oracle hay Draper Fisher Jurvetson đều bị rơi vào cái bẫy tinh vi của ‘bông hồng công nghệ mới’ này.

Đủ chiêu trò đánh bóng khác

Ngoài hai phương tiện chính là truyền thông và báo cáo tài chính, các Startup phông bạt cũng đánh bóng bằng đủ loại chiêu trò, mặc dù những chiêu trò này đôi khi rất khó phân định là do vô tình hay cố ý bởi chúng có thể bị che đậy bởi niềm đam mê, sự tự tin vào sản phẩm, dẫn đến nhận định thiếu chính xác về thị trường, về cạnh tranh, và sai lầm trong cách thức điều hành của các startup.

Một số startup thường tăng khống hoặc đưa dự báo quá lạc quan về nhu cầu thị trường. Điển hình như Jawbone, startup với số vốn tài trợ khổng lồ lên tới gần 1 tỉ USD và khiến giới đầu tư choáng váng khi tuyên bố phá sản hồi giữa năm ngoái, mà nguyên nhân chính của sự sụp đổ chính là do đánh giá nhu cầu thị trường quá cao so với thực tế.

Một số startup lại đánh bóng sản phẩm quá đà – đặc biệt điều này thường xảy ra với các startup công nghệ do các sản phẩm công nghệ không phải lúc nào cũng dễ nhận định đối với các nhà đầu tư.

Như trong phi vụ Solyndra – Startup thất bại đắt đỏ nhất, hai quỹ đầu tư Redpoint Ventures và US Venture Partners cũng đã bị cuốn trong vòng xoáy mơ hồ về công nghệ điện gió của Solyndra và chịu cú thua lỗ nặng nề khi tổng số tiền đầu tư lên đến 1.5 tỉ USD.

Ngay cả Bill Gates cũng có lúc sai lầm, ông và hai quỹ khác là CapX Partners và Constellation Technology Ventures đã bị ‘ảo tưởng’ khi đánh giá quá cao sản phẩm pin điện hóa của Startup Aquion Energy, rốt cuộc startup này thua lỗ ngay cả khi đã nhận được đầu tư gần 300 triệu USD.

Số khác đánh bóng bằng hình ảnh trụ sở công ty, bằng số lượng nhân viên làm việc cực lớn và không ngừng tăng lên để thể hiện sự tăng trưởng, hay bằng cách mở rộng nhanh chóng nhằm tăng doanh thu đột biến gây choáng ngợp đối với các nhà đầu tư.

Những cái tên Startup ‘ra đi’ nhanh chóng dù gọi vốn thành công bởi phông bạt cực khéo có thể liệt kê cả trang giấy: Beepi, startup về vận tải, dường như lập ra chỉ để huy động vốn và khi giải thể kéo theo thua lỗ nặng nề cho các quỹ SAIC Motor, Foundation Capital, Gil Penchina, và Redpoint Ventures.

Github, startup nhận hơn 250 triệu USD chỉ trong một vòng gọi vốn năm 2015 tiếp tục đầu tư cho… trang trí văn phòng làm việc và ưu đãi nhân viên để đánh bóng hình ảnh.

Hai quỹ đầu tư nổi tiếng Kleiner Perkins Caufield & Byers, và Andreessen Horowitz cũng thất bại nặng nề trong phi vụ đầu tư hơn 185 triệu USD cho startup Quirky vì màn phông bạt tăng trưởng hoành tráng nhưng thực tế là xuống dốc không phanh và cuối cùng là đóng cửa công ty trong tranh chấp, tố cáo um xùm.

Nói chung, số startup phông bạt rất nhiều và dù là các ‘thẩm định viên’ lão luyện, các quỹ đầu tư cũng đã nhiều lần ‘sa bẫy’.

Tuy nhiên, có một kết cục chung với các Startup kiểu như này, đó là: không bền vững. Tất cả đều chết yểu, kinh doanh không hiệu quả, hầu hết phải giải thể sau đó. Dù một số cá nhân sáng lập Startup có thể được lợi, nhưng sự nghiệp kinh doanh của họ gần như dừng lại. Bởi trên thương trường, càng khắc nghiệt, càng cần đến niềm tin. Một khi đã ‘phông bạt’ che mắt các Qũy, coi như niềm tin dành cho các nhà sáng lập này đã tắt.

Mà niềm tin không còn, thì đường kinh doanh cũng coi như hết lối đi.