3 cách thu hút nhà đầu tư chú ý vào bài pitch deck của bạn
Pitch Deck không chỉ đơn thuần là một bài thuyết trình, mà đó là cơ hội để bạn có thể kêu gọi được nguồn vốn cho những dự án của mình. Mục tiêu hàng đầu của việc trình bày pitch deck chính là thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, chẳng có gì thảm họa hơn việc phải ngồi nghe một bài thuyết trình kéo dài và buồn chán.
Khi ấy, người nghe có xu hướng mất tập trung và chú ý vào những thứ gì thu hút hơn, chẳng hạn như những trang mạng xã hội đầy thông tin. Và đó là giây phút đánh dấu sự thất bại của bạn.
Thuyết trình không chỉ đơn giản là trình bày thông tin, dữ liệu hay con số. Bạn còn phải cho nhà đầu tư thấy được sự nhiệt huyết, đam mê của bạn với dự án. Bạn phải tạo được ảnh hưởng tới họ từ những gì bạn đang nói. Để có được sự chú ý của người nghe, bạn phải có kỹ thuật, có kỷ luật, và phải luyện tập thường xuyên. Dĩ nhiên, nếu bạn nỗ lực, kết quả đem lại sẽ rất mỹ mãn.
Bạn có thể cân nhắc 3 cách dưới đây để có một buổi trình bày pitch deck đầy hiệu quả
1. Thu hút nhà đầu tư ngay từ lúc ban đầu
Không phải đợi đến giữa hoặc khi kết thúc bài pitch deck, ngay giây phút bạn bắt đầu nói, bạn cũng có thể thu hút được nhà đầu tư của mình với những mẹo sau đây:
- Bỏ qua phần giới thiệu và mục đích: ai cũng biết bạn đến đây với mục đích gì. Vậy nên vì sao phải tốn thời gian vào phần mà bạn và nhà đầu tư đều biết rõ?
- Mở đầu bằng một câu chuyện: dĩ nhiên, đó phải là một câu chuyện ngắn, dưới một phút. Quan trọng hơn, bạn phải kết nối được câu chuyện, từ mở đầu đến cao trào và kết thúc, với bài pitch deck của mình. Đây là cách giúp nhà đầu tư chú ý đến bạn theo cách của riêng họ
- Khơi gợi người nghe: không nên chỉ tập trung vào việc nhà đầu tư sẽ thấy được gì từ bài pitch deck của bạn, mà bạn còn nên cho họ thấy số tiền của họ sẽ được khai thác và đem lại lợi ích như thế nào trong tương lai.
2. Hướng đến sự đơn giản, có những khoảng nghỉ đúng lúc, điều chỉnh thời gian hợp lý
Bạn sẽ nhanh chóng mất đi sự chú ý của nhà đầu tư nếu không biết dừng lại đúng chỗ. Ngoài ra, để có được một bài thuyết trình thành công, bạn cần kết hợp nhiều phương tiện truyền đạt thông tin, ví dụ như các trang chiếu, các dụng cụ minh họa, hoặc thậm chí là sự tham gia đóng góp của người nghe. Tuy nhiên một khi đã sử dụng các phương tiện hỗ trợ, bạn cần phải học cách sử dụng chúng sao cho phù hợp.
Không ai có thể vừa nhìn bảng chiếu vừa nghe bạn nói cùng lúc. Vậy nên các trang chiếu của bạn phải đơn giản. Bạn có thể sử dụng những gạch đầu dòng hoặc những bức ảnh, tuy nhiên không được nhiều quá. Ba gạch đầu dòng hoặc một bức ảnh cho mỗi trang là con số phù hợp.
Khi chuyển qua trang mới, bạn không nên nói ngay lập tức. Thay vào đó, hãy yên lặng một chút để nhà đầu tư có thể ‘đọc’ trang chiếu của bạn. Sau đó, bạn lại tiếp tục bài thuyết trình của mình. Đây là một cách để lấy lại sự tập trung của người nghe.
Khi thuyết trình, rất có thể nhà đầu tư sẽ có những câu hỏi xen giữa bài thuyết trình của bạn. Bạn cần cân nhắc xem nên trả lời câu hỏi ngay lập tức hoặc để dành đến sau cùng. Dĩ nhiên, khi được hỏi, bạn không nên cắt ngang nhà đầu tư. Hãy để họ kết thúc câu hỏi rồi mới trả lời. Việc này không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn khuyến khích những nhà đầu tư khác cùng tham gia.
3. Để lại những thông điệp đáng nhớ
Bạn nên nhớ rằng thông điệp để lại không phải là bảng tổng kết những gì bạn đã nói, mà đó nên được thể hiện qua sự thấu hiểu hoàn toàn của nhà đầu tư với dự án của bạn. Nếu bạn làm tốt trong phần mở đầu và phần thuyết trình chính, thì phần thông điệp sẽ rất ấn tượng và rõ ràng mà không cần được lặp đi lặp lại quá nhiều.
Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể tạo nên thông điệp với những cách sau đây:
- Tạo nên một điểm nút: nếu ngay từ đầu bạn khơi gợi nhà đầu tư bằng một câu hỏi nào đó khi bắt đầu thuyết trình, thì bạn nên đưa ra đáp án vào lúc này. Đây là thời gian thích hợp nhất để chỉ ra những lợi ích, những con số khiến nhà đầu tư bất ngờ và trầm trồ.
- Kết thúc bằng một câu chuyện: nếu đã bắt đầu bằng một câu chuyện, thì tại sao lại không kết thúc bằng một câu chuyện khác? Dĩ nhiên, câu chuyện lần này không phải chỉ ra một vấn đề mới nào đó, mà nó nên thể hiện được lợi ích của người nghe nếu họ đồng ý áp dụng những gì mà bạn nói.
Những kỹ thuật kể trên đều là những mẹo rất hay được áp dụng trong các bài thuyết trình. Dĩ nhiên bạn không thể cùng lúc áp dụng được tất cả. Hãy chọn cho mình một vài mẹo thật tâm đắc và để nó biến giấc mơ của bạn trở thành sự thật.
Hải Vy (Theo Entrepreneur)