Theo khảo sát của Google, lĩnh vực thương mại điện tử Đông Nam Á ghi nhận mỗi tháng có khoảng 3,8 triệu người dùng mới và sở hữu tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới từ 2015-2020. Bắt nhịp khu vực, sân chơi tại Việt Nam cũng đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần gay cấn với sự bứt phá ngoạn mục của nhiều doanh nghiệp nội địa, cùng nhiều chiến lược tăng tốc của các đại gia ngoại.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, khu vực Đông Nam Á với hơn 660 triệu dân sở hữu nhiều tiềm năng phát triển thương mại điện tử như: cộng đồng dân số trẻ với thu nhập bình quân đầu người sẽ sớm vượt qua mức 3.000USD/ năm, có sẵn hệ thống thanh toán hiện đại nhưng thiếu một thị trường bán lẻ trực tuyến có tổ chức…Những yếu tố này nếu được phát huy sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Internet trong khu vực đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2025.

Mới đây, công ty tư vấn tài chính iPrice thực hiện nghiên cứu về tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại 6 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Những số liệu thống kê chỉ ra các đặc điểm chuyên biệt về môi trường kinh doanh, từ đó các công ty khởi nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ thương mại điện tử hiệu quả hơn.

Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, tương lai để phát triển thương mại điện tử vẫn rất tươi sáng cho các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức giáo dục. Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam là cuộc chơi với sự tham dự của các ông lớn như Tiki, Shopee, Lazada, Amazon…. Vậy các startup cần có chiến lược như thế nào để tham gia vào thị trường khốc liệc này?

Buổi Workshop Ecommerce “Hợp tác với người khổng lồ” diễn ra tại TP.HCM (31/7/2019) đã mang đến cho các bạn trẻ khởi nghiệp cái nhìn toàn cảnh của hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam, các thách thức cũng như tiềm năng phát triển cho các startup đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt, tại sự kiện, các startup được gặp gỡ “one to one” với hơn 15 đại diện, chuyên gia của các công ty, đơn vị dẫn đầu trong hệ sinh thái thương mại điện tử để lắng nghe các tư vấn cũng như cơ hội hợp tác.

Tại buổi Workshop, ông Vijay Talwar – Phó tổng giám đốc kênh bán lẻ Tiki, đồng thời là cựu Giám đốc Kinh doanh Amazon Ấn Độ. Ông ví thị trường trực tuyến Việt Nam như “trẻ sơ sinh”, đang trong giai đoạn định hình và còn nhiều đất mở rộng. Ông chỉ ra rằng, doanh thu top 10 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam có độ chênh lệch không cao, dao động từ 0,1-1,5%. Cùng với đó, EPR (e-commerce peneration rate) – thước đo chỉ ra độ chín muồi của một quốc gia về thương mại điện tử tại Việt Nam mới đạt 0,9%, kém xa so với 17% của Đài Loan, 18% của Hàn Quốc.

Phó tổng giám đốc kênh bán lẻ Tiki nhận định, để giải quyết bài toán mở rộng, các doanh nghiệp ecommerce sẽ ngày càng hoàn thiện các vấn đề gồm độ chứng thực thật – giả sản phẩm, đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, tăng tốc độ giao nhận và cải tiến ứng dụng di động. Đây chính là bốn lĩnh vực để startup bắt tay với những “gã khồng lồ”.

Đơn cử với Tiki, công ty hiện mở rộng cơ hội cho các startup thuộc lĩnh vực ad tech – tối ưu hóa hiển thị sản phẩm đến người dùng; công theo dõi vận chuyển; công nghệ thanh toán; AI phát hiện hàng giả; Big Data – cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng. Ngoài ra, các startup sản xuất còn có thể chọn nền tảng của “ông lớn” này để đưa ý tưởng sản phẩm tiếp cận nhanh chóng đến người dùng, tinh giản chi phí mở cửa hàng, thuê mặt bằng, nhân sự…

Cũng trong nhận xét về thị trường thương mại điện tử của Việt Nam, một đại diện khác của Tiki là bà Vũ Thị Nhật Linh – Giám đốc Sàn giao dịch của Tiki nhận định “Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển rất nhiều so với 5 năm trước và thể hiện rõ nét nhất sự chuyển mình này vào năm 2018”. Điều này đồng nghĩa với việc các startup cần nắm bắt hướng phát triển tiềm năng trong tương lai của hệ sinh thái thương mại điện tử để chọn vị trí phù hợp. Bà Linh cho rằng, các mảng tiềm năng cho hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp gồm kho vận, sáng tạo nội dung, phân tích giá, hệ thống quảng cáo, tiếp thị kỹ thuật số, quan hệ khách hàng…

Oanh Phạm