Nhiều startup đã ‘chết’ ngay từ khi mới bắt đầu vì không đáp ứng được yêu cầu tiên quyết của khởi nghiệp: Sản phẩm/dịch vụ tạo ra giải quyết nhu cầu có thật và đủ lớn cho doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, nếu thiếu sự chuẩn bị hợp lý, các startup khó tránh tình cảnh “Khởi nghiệp ngay, sạt nghiệp luôn”

Tỉnh táo để khởi nghiệp

Vòng đời của 1 startup có thể chia thành 3 giai đoạn chính là: Tìm hiểu thị trường; Đưa sản phẩm tới thị trường và Mở rộng. Trong đó, khoảng 80 – 90% startup thất bại trước khi đến được giai đoạn Mở rộng.

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh, Giảng viên chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), đã đưa ra cảnh báo “Khởi nghiệp ngay, sạt nghiệp luôn” với các startup không có sự chuẩn bị hợp lý.

Theo ông Tuấn Anh, trong số 80 – 90% startup thất bại thì nhiều startup đã “chết” ngay từ khi bắt đầu. Lý do là vì những startup này không đáp ứng được yêu cầu tiên quyết của khởi nghiệp: Sản phẩm/dịch vụ tạo ra giải quyết nhu cầu có thật và đủ lớn cho doanh nghiệp phát triển.

Chị Tú Anh từ Câu lạc bộ Khởi nghiệp Hoa Xương Rồng, cũng thừa nhận đây là một trong những khó khăn, hạn chế lớn nhất của các bạn trẻ đang có mong muốn khởi nghiệp.

“Để bắt đầu khởi nghiệp, các bạn trẻ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ý tưởng kinh doanh. Các bạn rất khao khát khởi nghiệp nhưng không biết bắt đầu từ cái gì, khởi nghiệp từ ý tưởng nào để thành công”, Tú Anh cho biết.

Ngoài ra, các giai đoạn đầu của startup là thời kỳ “đốt tiền” trong khi hầu như không tạo ra doanh thu đáng kể. TS. Lưu Xuân Cường, CEO của startup Aota, ước tính chi phí để phát triển sản phẩm từ ý tưởng đến các mẫu khoa học, mẫu thị trường và sản phẩm hoàn thiện, số tiền mà các startup cần bỏ ra vào khoảng 500 – 700 triệu đồng.

Các giai đoạn phát triển của startup

Để có thể thuyết phục nhà đầu tư rót vốn, các startup cần có bản kế hoạch thực thi mô tả rõ các kế hoạch, mục tiêu, nguồn lực và chi tiết triển khai. “Tuy nhiên, đây là điểm rất hạn chế của nhiều startup Việt khi làm việc với các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu”, Chuyên gia Vũ Tuấn Anh nhận định.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự thất bại của không ít startup là vấn đề xây dựng đội ngũ nhân sự. Ở giai đoạn hạt giống, startup chưa có những kết quả để chứng minh cho khả năng thành công của dự án. Khi đó, nhà đầu tư sẽ xem xét đầu tư cho startup dựa vào đánh giá nhóm sáng lập và đội ngũ nhân sự có đủ khát vọng và năng lực thực hiện ý tưởng hay không.

Bởi vậy, các nhà đầu tư thường ngần ngại rót vốn cho các nhóm nếu đội ngũ nhân sự chủ chốt thiếu các chuyên gia trong những mảng quan trọng như công nghệ thông tin, kinh doanh…

Cần sự liên kết của toàn bộ hệ sinh thái

Để góp phần thúc đẩy hiệu quả của phong trào khởi nghiệp, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các startup, nhất là startup ở giai đoạn đầu.

Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM) nói về những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển thị trường công nghệ tại hội thảo “Nhà khởi nghiệp tương lai – Bạn là ai trong thị trường công nghệ”

Giữa tháng 10 vừa qua, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018) do Sở KH&CN TP.HCM đã thu hút hơn 3.500 lượt người tham dự và tạo cơ hội giới thiệu, tiếp cận nhà đầu tư cho 125 dự án, mô hình khởi nghiệp. Cũng trong khuôn khổ WHISE 2018, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (I-Star 2018) đã lần tiên được trao cho 11 tổ chức và cá nhân có thành tựu xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, thông qua chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Speedup, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã xem xét hỗ trợ vốn cho hàng chục startup với mức đầu tư tối đa lên tới 2 tỷ đồng.

Ông Vũ Tuấn Anh nhận định, Sở KH&CN TP.HCM đang tích cực, đi đầu trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, để cộng hưởng các nguồn lực từ xã hội ,cần sự kết hợp chặt chẽ của các thành phần trong hệ sinh thái như các đơn vị ươm tạo, mạng lười chuyên gia, các doanh nghiệp hiện hữu trong từng lĩnh vực…

Cùng chung quan điểm, bà Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech, cho rằng doanh nghiệp và các startup trẻ phải hỗ trợ nhau thúc đẩy khởi nghiệp. Doanh nghiệp có thể giúp startup từ những bước chập chững ban đầu, tránh thế hệ trẻ vấp phải những sai lầm của các thế hệ trước.

“Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các bạn về nghiên cứu, phát triển sản phẩm, còn tri thức, ý tưởng là của các bạn. Tôi rất mong các bạn hướng về khoa học, làm ra những sản phẩm thật tốt, ứng dụng trong đời sống và đưa ra thị trường”, bà Vân nhấn mạnh.

Phạm Sơn – Khampha.vn

Bài gốc